Tiếp tục "không chịu lớn", ngành ô tô Việt sẽ sụp đổ
Theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, tại Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô vẫn còn yếu kém, nguyên nhân được đánh giá là do điều kiện cần về quy mô thị trường chưa được đáp ứng.
Trong khi đó, khu vực ASEAN đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất và tiêu thụ ô tô lớn trên thế giới.
Tại ASEAN, có 5 quốc gia sản xuất, lắp ráp ô tô gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, và Việt Nam. Công nghiệp ô tô tại mỗi quốc gia có đặc điểm, điều kiện phát triển khác nhau.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, chất lượng xe nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng hơn so với xe sản xuất trong nước.
"Các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp hơn do có vai trò của chính hãng. Nguồn gốc xuất xứ xe nhập khẩu được đảm bảo. Trách nhiệm về chất lượng sản phẩm được đảm bảo hơn", Bộ Công Thương cho hay.
Ngoài ra, Cục Công nghiệp thông tin thêm, giá bán xe ô tô tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa bằng chất lượng xe nhập khẩu.
Đánh giá về tình trạng trên, chuyên gia về ô tô, ông Vũ Tấn Công, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA) cho rằng, nếu tình trạng yếu kém về năng lực sản xuất, cạnh tranh yếu kém tiếp diễn, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ "sụp đổ", thất bại ngay trên "sân nhà".
Theo ông Công đánh giá, chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam đang cao hơn so với các nước khác, thậm chí lên tới 18-20%, đây là một trong những nguyên nhân khó cạnh tranh.
Về vấn đề hoạch định chính sách công nghiệp hỗ trợ ô tô, ông Công cho biết thêm, với các nước có ngành ô tô phát triển như Thái Lan, những chính sách hỗ trợ rất ổn định giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển lâu dài. Ngoài ra, chính sách lao động của các nước cũng khá cởi mở khi cán bộ chuyên gia nước ngoài được tạo điều kiện về visa và thuế thu nhập...
"Họ cũng tổ chức các cụm công nghiệp sản xuất ô tô quy mô lớn, giảm nhiều chi phí sản xuất, chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều. Tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, chính quyền địa phưởng rất quan trọng trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ…", ông Công nói.
Bên cạnh đó, ông Công cũng cho rằng, cùng với các chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp cũng cần phải tự lực trong việc đẩy mạnh việc mở rộng tìm kiếm cơ hội từ chính thị trường trong nước.
Trong báo cáo Thủ tướng về việc rà soát chính sách ô tô trong khuôn khổ hợp tác khu vực ASEAN, Bộ Công Thương cho biết, với việc Hiệp định ATIGA được thực thi, đối với mặt hàng ô tô, Việt Nam cam kết thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ô tô nguyên chiệc từ các nước ASEAN giảm xuống mức 0%.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản xuất trong nước sẽ gặp khó nếu không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh với xe nhập khẩu từ thị trường AEAN do được ưu đãi thuế quan.
"Tỉ trọng của xe sản xuất, lắp ráp so với xe nhập khẩu trong thời gian tới có xu hướng giảm, qua đó cần phải có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất lắp ráp ô trong nước phát triển để cạnh tranh với xe nhập khẩu khẩu. Đặc biệt là từ năm 2018, các xe nhập khẩu từ ASEAN đạt hàm lượng ASEAN sẽ được giảm thuế về 0% theo hiệp định FTA của ASEAN. Tỷ lệ xe nhập khẩu từ ASEAN vẫn chiếm tỉ trọng lớn do có lợi thuế về ưu đãi thuế quan", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam cho biết, tùy từng mẫu xe, chệnh lệch giữa chi phí giữa xe sản xuất tại Việt Nam cao hơn sản xuất ở một số nước ASEAN từ 10-20%. Do đó, cần nâng cao tỉ lệ nội địa hóa đối với xe sản xuất trong nước, từ đó giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh với xe ô tô nhập khẩu.
"Nếu trong tương lai không có gì thay đổi, không có những biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước thì tỷ trọng xe sản xuất trong nước có thể theo chiều hướng giảm.
Hiện nay, tỷ lệ nội địa hoá ở các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi phổ biến ở mức 10-20%, nghĩa là đang ở cấp độ đầu tiên. Để hiểu rõ vì sao mới chỉ phổ biến ở mức 20% này thì cần phải nhìn nhận rõ lợi thế hiện có của Việt Nam trong phát triển công nghiệp hỗ trợ." Ông Toru Kinoshita nói.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, dự báo lượng ô tô nhập khẩu, đặc biệt các loại xe con sẽ tiếp tục tăng mạnh, duy trì ở mức cao trong những năm tiếp theo. Nếu ngành sản xuất trong nước không nhanh chóng thay đổi sẽ gặp khó khăn rất lớn.