Thương mại điện tử xuyên biên giới tăng chóng mặt: Doanh nghiệp Việt chớp thời cơ ra sao?
Năm 2023, doanh số Thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ toàn cầu ước tính đạt 5,8 nghìn tỷ USD, và được dự báo sẽ tăng trưởng 39% trong những năm tới, kỳ vọng vượt mức 8 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Sự sôi động của TMĐT toàn cầu mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội thương mại quốc tế.
Tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Access Partnership, giá trị xuất khẩu TMĐT B2C (*) Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%. Đáng chú ý, 93% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được khảo sát cho rằng họ không thể xuất khẩu nếu không có TMĐT.
Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cũng nhấn mạnh định hướng hỗ trợ phát triển TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam. Những tín hiệu tích cực này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua TMĐT, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số quốc gia.
Trong 5 năm qua, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu và mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu, trong đó có Amazon. Các doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm, mà còn tập trung xây dựng thương hiệu và củng cố sự hiện diện của mình trên trường quốc tế.
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, chia sẻ: “Với sự phát triển liên tục của TMĐT toàn cầu cùng các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với TMĐT, bao gồm TMĐT xuyên biên giới, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để mở rộng dấu ấn quốc tế.
Trong giai đoạn tiếp theo nhằm thúc đẩy xuất khẩu TMĐT tại Việt Nam, Amazon Global Selling Việt Nam công bố trọng tâm chiến lược 2025, tập trung nâng cao năng lực TMĐT xuyên biên giới và cung cấp các nguồn lực cần thiết cho mục tiêu cất cánh toàn cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam".
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, doanh số TMĐT bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất khu vực và thế giới.
Theo bà Huyền, thị trường TMĐT toàn cầu được dự báo có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến 7.400 tỷ USD vào năm 2025.
Theo dự báo của Amazon Global Selling, TMĐT có thể trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam trong 5 năm tới, với giá trị xuất khẩu dự kiến lên đến 296.300 tỷ đồng vào năm 2027.
Song song với đó, các doanh nghiệp cũng cần có sự phấn đấu nỗ lực chủ quan sáng tạo đổi mới, từng bước cải thiện cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới trên các nền tảng TMĐT.
(*) Mô hình kinh doanh B2C (dạng viết tắt của cụm từ Business To Consumer) được dùng để mô tả một giao dịch thương mại, mua bán, trao đổi sản phẩm – dịch vụ giữa doanh nghiệp với những người tiêu dùng cuối cùng.
Thương mại điện tử B2C là quá trình trao đổi sản phẩm – dịch vụ giữa doanh nghiệp với các khách hàng cá nhân theo hình thức trực tuyến.