Bị giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, công nhân lo mất thưởng Tết

Thùy Anh Thứ năm, ngày 24/11/2022 19:00 PM (GMT+7)
Chỉ còn 2 tháng nữa là tới Tết nguyên đán, thế nhưng do khủng hoảng kinh tế mà hàng loạt công nhân trên cả nước bị giảm giờ làm, đối mặt nguy cơ mất việc, không còn thưởng Tết.
Bình luận 0

Thu nhập giảm, mất ăn, lo mất thưởng Tết

Sau nhiều năm bôn ba, làm công nhân trong Bình Dương, cách đây 10 năm, chị Nguyễn Thị Nhài (Hoằng Hải, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) quyết định về quê xin làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà và lấy chồng. Mấy năm nay, lương thưởng của chị ổn định, Tết năm nào cũng được thưởng Tết 5-6 triệu đồng. 

Chị Nhài kể: Gần 10 năm công việc ổn định thu nhập khá, mỗi tháng lương của chị cũng được tầm 7-8 triệu đồng kèm tăng ca. Chồng chị làm thợ xây thu nhập cũng được tầm 8-9 triệu đồng/1 tháng. Thế nhưng 2 năm rồi vì dịch Covid-19 nên thu nhập giảm mạnh. Năm 2022 nghĩ tình hình phục hồi, thu nhập của chị Nhài ổn định hơn, mỗi tháng cũng được 7-8 triệu đồng. Tuy nhiên, từ 2 tháng nay, đơn hàng của công ty không còn, chị và những công nhân của công ty phải nghỉ việc luân phiên.

công nhân lo mất thưởng Tết

Chị Nhài đang có ý định tìm kiếm thêm công việc làm thêm và nhận thêm ruộng về làm sau giờ làm công nhân. Ảnh: N.N

 "Vợ chồng tôi chơi họ, mỗi tháng cũng mất tầm 6 triệu đồng. Trong khi đó, tổng thu nhập 2 vợ chồng chỉ được 10-11 triệu đồng, lại còn ăn uống chi tiêu và nuôi 2 con nhỏ ăn học", chị Nhài chia sẻ thêm.

Chị rất lo lắng, rồi tới đây không biết phải chi tiêu kiểu gì vì sắp tới đây là Tết sẽ có nhiều khoản cần chi tiêu hơn. Chị Nhài cho biết, bình thường thời điểm này công ty đã tiết lộ kế hoạch chăm lo Tết cho công nhân, nhưng năm nay chưa thấy gì.

"Không những vậy, công ty còn 'khuyến khích' công nhân nghỉ phép, nghỉ việc. Thậm chí còn soi rất kỹ nếu lao động nào có lỗi là tìm cớ để đuổi việc", chị Nhài kể.

Cũng như chị Nhài, hàng triệu công nhân trong cả nước đang phải hứng chịu hậu quả từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Đã có hàng triệu công nhân, nghỉ việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Thời điểm này, chị Nguyễn Thị Hạnh (công nhân một công ty điện tử trong Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội) chỉ làm giờ hành chính, về sớm, không còn tăng ca, làm thêm như trước đây.

Mong muốn được làm thêm nhiều đối với công nhân như chị Hạnh là điều dễ hiểu, bởi số tiền từ làm thêm chiếm một phần lớn tổng thu nhập của chị. Nếu làm thêm, nữ công nhân này được khoảng 14 triệu đồng/tháng; nếu chỉ làm giờ hành chính, con số này chỉ còn khoảng 7 triệu đồng - không đủ để đảm bảo cuộc sống của gia đình. Chị Hạnh lo lắng, nếu công việc ít đi, công nhân chỉ làm giờ hành chính thì sẽ dễ dẫn đến thưởng Tết năm nay cũng bị ảnh hưởng.

“Đầu năm nay, trong thời gian bị dịch Covid-19, công ty nơi tôi làm việc vẫn sản xuất 3 tại chỗ, tôi không phải nghỉ làm ngày nào. Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây công ty lại ít việc. Tôi nghĩ năm nay thưởng Tết sẽ ít hơn năm ngoái” - chị Hạnh cho hay. Năm trước, chị Hạnh được thưởng 2 tháng lương. Mức thưởng này căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh của công ty và đánh giá mức độ hoàn thành công việc của công ty đối với chị.

“Là công nhân, ai cũng muốn được thưởng Tết cao để có cái Tết thật đầy đủ. Nhưng nếu tình hình đơn hàng ít, công việc giảm mà thưởng Tết giảm thì công nhân cũng phải chấp nhận” - nữ công nhân nói.

Năm ngoái, chị Hạnh được thưởng 1 tháng lương cơ bản trị giá 4,5 triệu đồng, năm nay chưa thấy công ty thông tin nhưng khả năng cũng không cao.

Căn cứ kết quả kinh doanh để thưởng Tết?

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, quy định thưởng Tết là không bắt buộc. Các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả kinh doanh trong năm và kết quả, thành tích hoạt động của lao động trong năm. 

Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định rõ:

"Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở".

Quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 người sử dụng lao động được phép được thưởng cho người lao động không chỉ bằng tiền mà còn có thể bằng tài sản hoặc các hình thức khác.

công nhân lo không có thưởng Tết

Hàng triệu công nhân có nguy cơ mất việc do khủng hoảng kinh tế, đơn hàng bị cắt giảm. Ảnh:N.N

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động 2019 cũng không bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng tết dương lịch. Quy chế thưởng sẽ do người sử dụng lao động quyết định sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và phải được công khai tại nơi làm việc.

Nếu doanh nghiệp khó khăn, doanh nghiệp có thể không thưởng Tết hoặc thưởng tết bằng nhiều hình thức khác như vé tàu, xe để về quê hoặc giỏ quà, đồ gia dụng,... để thưởng cho người lao động thay vì thưởng Tết bằng tiền.

Như vậy, nếu tình hình sản xuất kinh doanh không ổn định thì người lao động có thể sẽ không có thưởng Tết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem