Thương vụ TikTok phơi bày lỗ hổng an ninh Mỹ

23/09/2020 06:12 GMT+7
Chính quyền Trump đang tìm cách cản trở TikTok, nhưng họ không có chiến lược rõ ràng với những ứng dụng bị cho là "đe dọa an ninh" khác.

Chính quyền Trump đang tìm cách cản trở TikTok, nhưng họ không có chiến lược rõ ràng với những ứng dụng bị cho là "đe dọa an ninh" khác.

Sau nhiều tuần đàm phán, triển vọng về thương vụ TikTok một lần nữa trở nên xa vời và không loại trừ khả năng đi vào ngõ cụt, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm 21/9 rằng ông sẽ không phê duyệt bất cứ thỏa thuận nào nếu hai tập đoàn Mỹ Oracle và Walmart không nắm toàn quyền kiểm soát và sở hữu cổ phần điều hành của TikTok.

Tuyên bố được Trump đưa ra sau khi ByteDance, chủ sở hữu TikTok, đòi nắm 80% cổ phần TikTok Global, công ty mới được lập ra để vận hành TikTok tại Mỹ. Tập đoàn có trụ sở ở Bắc Kinh này cũng khẳng định thương vụ "sẽ không bao gồm điều khoản chuyển giao thuật toán và công nghệ".

Thương vụ TikTok phơi bày lỗ hổng an ninh Mỹ - Ảnh 1.

Một người dùng đang truy cập vào ứng dụng TikTok trên điện thoại. Ảnh: AP.

Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Global Times, cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ không đồng ý thỏa thuận giữa ByteDance với Oracle và Walmart "bởi nó đe dọa tới an ninh, lợi ích và danh dự của Trung Quốc".

Trump hai ngày trước từng lên tiếng ủng hộ thương vụ của Oracle và Walmart, đồng thời xem đây là chiến thắng mới nhất của ông trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh, khi xử lý mối đe dọa an ninh quốc gia bằng cách buộc phía Trung Quốc phải bán TikTok cho tập đoàn Mỹ.

Tuy nhiên, David E. Sanger, nhà phân tích của NYTimes, nhận định dù thành công, thỏa thuận này có thể không là chiến thắng của Trump bởi nó chắc chắn không giải quyết được các vấn đề lớn hơn trong cuộc chiến công nghệ leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.

"Chính phủ Mỹ làm thế nào để đối phó với các ứng dụng nước ngoài đang ngày càng phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu trên điện thoại thông minh của người Mỹ", Sanger đặt vấn đề.

TikTok là một minh chứng. Washington muốn có tất cả: vừa muốn thu lợi ích từ Internet toàn cầu, nhưng chỉ mong công dân của mình chỉ sử dụng các sản phẩm của Mỹ, để đảm bảo dữ liệu trong mạng lưới của Mỹ "luôn sạch". Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắt đầu kế hoạch gọi là "sáng kiến mạng lưới sạch", nhằm đảm bảo loại bỏ rủi ro tiềm tàng mà các đối thủ mang tới, bắt đầu với Trung Quốc.

"Đây là vấn đề khó nhằn và đánh bại TikTok không phải là chiến lược để đối phó Trung Quốc", Amy Zegart, thành viên cấp cao của Viện Hoover và Viện Freeman-Spogli thuộc Đại học Stanford, nói."Trung Quốc có chiến lược đa mặt trận để chiến thắng cuộc đua công nghệ này. Họ đầu tư vào các công ty công nghệ Mỹ, đánh cắp tài sản trí tuệ và giờ tự phát triển công nghệ riêng để đưa vào Mỹ, như cách TikTok tạo ra thành công nổi bật chỉ trong hai năm".

Bà Zegart cho biết mục tiêu của Bắc Kinh được thể hiện rõ ràng trong "Made in China 2025", chiến lược nhằm biến Trung Quốc thành "đối trọng" của Mỹ trong mọi lĩnh vực công nghệ lớn trong 5 năm tới. "Nhưng chúng tôi không nghĩ rằng Mỹ có thể chống lại điều này bằng cách cấm một ứng dụng riêng lẻ. Cả cánh rừng đang cháy, nhưng chúng ta lại chỉ dùng vòi nước phun vào một bụi cây", Zegart nói thêm.

Nếu giới chính trị gia Mỹ bị tụt lại trong cuộc đua này, nó có thể là do tiến bộ công nghệ một lần nữa vượt xa cuộc tranh luận về chính trị. Các chính trị gia ở Đồi Capitol vẫn tranh luận về vấn đề hàng hóa Trung Quốc rẻ, hay kêu gọi mạnh tay với hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ. Song TikTok đã cho thấy một vấn đề hoàn toàn mới mà hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Mỹ chưa từng nghĩ đến trước đó.

TikTok là ứng dụng "chính hãng" Trung Quốc đầu tiên chiếm được cảm tình của giới trẻ Mỹ. Xét ở mức độ nào đó, nó hoàn toàn vô hại khi chỉ là nền tảng với các video khoảng một phút và rõ ràng từng không nằm trong "tầm ngắm" của Washington trong các cuộc tranh luận về Trung Quốc.

Tuy nhiên, Brad Smith, chủ tịch Microsoft, công ty cạnh tranh với Oracle để mua hoạt động của TikTok ở Mỹ, lưu ý rằng ứng dụng này "là mối đe dọa tiềm tàng". Để làm rõ cảnh báo của mình, công ty này đã thu thập lượng lớn dữ liệu về thói quen xem TikTok của người dùng Mỹ và phát hiện thuật toán gợi ý video hiển thị tiếp theo là về nội dung chính trị.

Giống Oracle, Microsoft muốn tiếp quản toàn bộ dữ liệu về người dùng Mỹ của TikTok và lưu trữ trên máy chủ ở Mỹ. Nhưng công ty này còn tham vọng hơn khi muốn sở hữu mã nguồn và thuật toán ngay từ ngày đầu tiên tiếp quản và chuyển toàn bộ dữ liệu phát triển liên quan tới Mỹ trong vòng một năm, với các kỹ sư được kiểm tra nghiêm ngặt để loại bỏ nguy cơ nội gián.

Hiện chưa rõ nếu thương vụ TikTok thành công, Oracle sẽ xử lý vấn đề này như thế nào. Cho đến lúc đó, khó có thể biết Trump liệu có đạt được mục tiêu ngăn chặn các kỹ sư Trung Quốc thao túng mã nguồn hay nội dung xem của người dùng Mỹ hay không.

"Nếu Oracle tiếp quản dịch vụ với phần lớn kỹ thuật và hoạt động của ByteDance, hiệu quả duy nhất của thỏa thuận này là việc thu về hàng tỷ USD doanh thu", Alex Stamos, người điều hành Stanford Internet Observatory, nói.

Sanger, nhà phân tích của NYTimes, tự hỏi nếu vấn đề này không được giải quyết, Tổng thống Trump có thể tuyên bố giải quyết vấn đề an ninh bằng cách nào và khó để ông có thể tuyên bố TikTok Global "hoàn toàn không liên quan tới Trung Quốc".

Thương vụ TikTok phơi bày lỗ hổng an ninh Mỹ - Ảnh 2.

Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2017. Ảnh: AFP.

Sanger thêm rằng vấn đề lâu dài hơn là các ứng dụng kiểu TikTok xuất hiện ngày càng nhiều ở Mỹ, khi các công ty công nghệ trên thế giới chạy đua phát triển ứng dụng mà người Mỹ yêu thích. Hiện nay, nhiều người Mỹ đang sử dụng ứng dụng mã hóa như Telegram, có trụ sở ngoài Mỹ, khiến Washington gặp nhiều khó khăn hơn trong việc kiểm soát nội dung.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn, thậm chí xóa bỏ, mọi ứng dụng không cho phép Mỹ có "cửa sau" hợp pháp. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định không có bất kỳ chính quyền Mỹ nào, dù Cộng hòa hay Dân chủ, có thể cấm được các ứng dụng mã hóa nước ngoài mà họ thấy nghi ngờ hoặc khó tiếp cận.

Nhà phân tích Sanger cho rằng một vấn đề không kém phần quan trọng là làn sóng cấm ứng dụng Trung Quốc của chính quyền Trump, với mục tiêu tiếp theo là WeChat, đã làm suy giảm mục tiêu cốt lõi của Internet, là tạo ra mạng liên lạc toàn cầu không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia.

"Tầm nhìn về một mạng lưới duy nhất kết nối toàn cầu đã biến mất từ lâu", Jason Healey, chuyên gia về xung đột mạng và nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Columbia, nói.


Thanh Tâm
Cùng chuyên mục