Thương vụ Việt Nam tại Australia quyết liệt vào cuộc vụ gạo ST24, ST25

05/05/2021 07:10 GMT+7
Một doanh nghiệp ở Australia là Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD vừa nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25.

Gạo ST24, ST 25 bị đăng ký nhãn hiệu tại Australia Gạo ST24 đạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới"

Cụ thể, theo dữ liệu đăng tải trên website của Văn phòng sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia), nhãn hiệu của doanh nghiệp thuộc nhóm "Rice; Best rice of the world" (gạo; gạo ngon nhất thế giới). IP Australia đang trong quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp. Như vậy, hiện có 6 nhãn hiệu liên quan đến gạo ST25, trong đó 5 ở Mỹ, được các doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ bên ngoài Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, dù doanh nghiệp Australia đã nộp đơn đăng ký bảo hộ, tuy nhiên khả năng thành công của đơn vị này không cao. Song, cũng không tránh khỏi trường hợp đơn bảo hộ đảm bảo yêu cầu bảo hộ tại quốc gia này.

Thương vụ Việt Nam tại Australia quyết liệt vào cuộc vụ gạo ST24, ST25 - Ảnh 1.

Gạo ST25 - đặc sản Sóc Trăng đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm.

"Doanh nghiệp cần định hướng bảo hộ tại các thị trường lớn hoặc nơi mà mình sẽ xuất khẩu đến. Cần chủ động bảo hộ thương hiệu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi việc tranh chấp ngày càng nhiều và khó giải quyết", ông Nguyễn Văn Bảy cho hay.

Trong khi đó, đại diện một công ty về Luật Sở hữu trí tuệ cho rằng, theo thông tin được công khai, doanh nghiệp Việt Nam còn 2 tháng nữa để phản đối nhãn hiệu trước khi nước này ra công bố thương hiệu đã được bảo hộ thành công. Để phản đối, doanh nghiệp phải lập tức nộp đơn thông báo dự định phản đối và chuẩn bị hồ sơ chứng minh "thuộc sở hữu của mình" trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, vị này cảnh báo, cần phải có hướng dẫn của những đơn vị về sở hữu trí tuệ nước này để rút gọn thủ tục. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị một lượng chi phí khá lớn cho việc này...

Về việc này, Bộ Công Thương cũng vừa lên tiếng cho biết: Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ cùng với ông Hồ Quang Cua đẩy nhanh các thủ tục liên quan, vì không có Công ty T&L thì sớm hay muộn cũng sẽ có công ty khác thực hiện các việc làm tương tự. Cùng lúc, Thương vụ đã gửi công văn cùng một số tài liệu, hình ảnh kèm theo đến Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Australia (IP Australia) để làm rõ giống lúa tên ST 24, ST 25 là do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công, đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam.

Ngoài ra, đề phòng tình huống xấu nhất, thương vụ sẽ kết hợp vận động mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam tại Australia, các hiệp hội, cả báo chí tại Australia và các kênh trao đổi để thực hiện phương án tổng thể... Sau 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang nước này tăng 66% so với cùng kỳ, đạt hơn 4,7 triệu USD.

Được biết, tại Australia, thông thường thời gian để một nhãn hiệu từ lúc đăng ký đến khi được bảo hộ, nếu suôn sẻ nhanh nhất là 7-8 tháng. Doanh nghiệp cũng có thể yêu cầu hồ sơ nhãn hiệu của mình được "kiểm tra nhanh" bằng các lý do như nhãn hiệu đang liên quan đến một vụ kiện/vụ việc khác nên rất cần biết kết quả, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh. Phí dịch vụ cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Australia khoảng 600-1.000 AUD (khoảng 11-18 triệu đồng) một hồ sơ.

Tuy nhiên, chi phí này có thể cao hơn tuỳ vào số lượng nhãn hiệu; số nhóm hàng hoá, dịch vụ; tính chất mỗi hồ sơ... Nhãn hiệu được bảo hộ theo lãnh thổ nên doanh nghiệp có đăng ký ở Việt Nam cũng không có nghĩa sẽ được bảo hộ ở các thị trường khác như Mỹ, Australia. Bởi lẽ, khoản chi phí đầu tư ban đầu để đăng ký ở các nước là không lớn so với những vấn đề doanh nghiệp sẽ đối diện nếu nhãn hiệu bị mất.

Xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với 275 đặc sản địa phương

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về sở hữu trí tuệ (SHTT) vừa diễn ra cuối tháng 4. Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết: Năm 2020, Cục SHTT đã tiếp nhận 125.689 đơn các loại (tăng 4,1% so với năm 2019), trong đó có 76.720 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp về đơn sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quốc gia và nhãn hiệu quốc tế; 22 đơn chỉ dẫn địa lý; 287 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam; 48.969 đơn/yêu cầu khác.

Cục đã xử lý được 113.476 đơn các loại, trong đó có 71.829 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Cục đã cấp 48.072 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (tăng 18,1% so với năm 2019). Cục đã quan tâm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với 275 đặc sản địa phương. Cụ thể, đã cấp 256 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 19 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của địa phương; 1.148 sản phẩm OCOP được hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ như cam sành Hàm Yên, dầu tràm Huế, tôm hùm bông Phú Yên, yến sào Cù Lao Chàm Hội An, quế Trà Bồng; hỗ trợ hoạt động quản trị sở hữu trí tuệ cho Tập đoàn Dệt may, Hiệp hội da giày túi xách, Công ty DABACO, Công ty đóng tàu Hạ Long, Công ty đóng tàu Bạch Đằng. (Đặng Nhật)

Nhật Uyên - Lưu Hiệp
Cùng chuyên mục