Tiềm lực tài chính của Tập đoàn Nam Tiến đến đâu?
Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Tiến vừa thông báo hoàn tất đợt phát hành trái phiếu có kỳ hạn 1 năm. Ngày phát hành là 20/7/2021, ngày đáo hạn là 20/7/2022.
Giá trị phát hành của lô trái phiếu là 150 tỷ đồng, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm. Các trái phiếu có lãi suất cố định là 11,5%/năm, được bảo đảm bằng 3,8 triệu cổ phần phổ thông của Công ty Cổ phần Nha Trang Bay (công ty thành viên của Tập đoàn Nam Tiến) thuộc sở hữu của bên thứ ba.
Mục đích của đợt huy động vốn nhằm đầu tư vào cụm nhà máy thủy điện Nậm Tha, bằng cách mua lại cổ phần của Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Tha hoặc các dự án thủy điện khác.
Lô trái phiếu của Tập đoàn Nam Tiến đã được mua vào bởi các nhà đầu tư tổ chức (25 tỷ đồng, tỷ lệ 16,67%) và nhà đầu tư cá nhân (125 tỷ đồng, tỷ lệ 83,33%). Bên thu xếp phát hành trái phiếu là Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (HNX: PSI).
Cụm nhà máy Thủy điện Nậm Tha gồm 6 nhà máy (Nậm Tha 1 đến Nậm Tha 6) tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Dự án có tổng công suất 85 MW, tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Phúc Khánh làm chủ đầu tư.
Về Công ty Cổ phần Thủy điện Nâm Tha, doanh nghiệp này mới được thành lập vào tháng 4/2021, vốn điều lệ ban đầu xấp xỉ 260 tỷ đồng. Tháng 7/2021, doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng các công trình thuộc dự án Nậm Tha 3, Nậm Tha 4, Nậm Tha 5.
Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Duy Thái (sinh năm 1974), cũng là thành viên HĐQT của Tập đoàn Nam Tiến.
Chân dung Tập đoàn Nam Tiến
Tập đoàn Nam Tiến được thành lập từ năm 1999, tiền thân là Công ty Xây dựng Công trình Nam Tiến, một đơn vị xây dựng hoạt động tại tỉnh Lào Cai với vốn điều lệ ban đầu chỉ 700 triệu đồng.
Tuy nhiên từ những ngày đầu hoạt động, doanh nghiệp này đã liên tiếp tham gia thực hiện những dự án, công trình trọng điểm của địa phương như dự án đại lộ Trần Hưng Đạo, kè sông Hồng, quốc lộ 4D, 4E....
Đến nay, sau hơn 20 năm phát triển, Tập đoàn Nam Tiến dần trở thành doanh nghiệp đa ngành, mở rộng quy mô sang những lĩnh vực khác như bất động sản, thủy điện, hóa chất và bất động sản nghỉ dưỡng.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Nam Tiến được biết đến với vai trò là chủ đầu tư của hàng loạt dự án tại quê nhà Lào Cai, đơn cử như tiểu khu đô thị 1,3,5 thuộc khu đô thị Lào Cai - Cam Đường, dự án Symphony Garden có quy mô gần 12 ha...
Doanh nghiệp cũng là chủ đầu tư của dự án Scenia Bay Nha Trang tọa lạc tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây là dự án tầm cỡ với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.
Tại lĩnh vực hóa chất, Tập đoàn Nam Tiến sở hữu tổ hợp nhà máy hóa chất photpho vàng và axit photphoric rộng gần 25 ha tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai. Trong đó, nhà máy photpho vàng rộng trên 15 ha và có công suất 9.800 tấn/năm, tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhà máy xi măng VinaFuji, tiền thân là nhà máy Cam Đường, có công suất 90.000 tấn xi măng/năm mà doanh nghiệp đang sở hữu cũng rất đáng chú ý.
Đối với lĩnh vực thủy điện, Tập đoàn Nam Tiến cũng là chủ đầu tư của loạt dự án tại tỉnh Lào Cai như nhà máy thủy điện Minh Lương (công suất 30 MW, tổng vốn đầu tư 1.090 tỷ đồng); cụm dự án thủy điện Đăk Di gồm 2 dự án Đăk Di 1 (công suất 28 MW) và Đăk Di 2 (công suất 20 MW); cụm thủy điện Ngòi Xan - Lào Cai, tổng công suất lắp máy 49,5 MW, chi phí đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, hồi tháng 7/2016, phía Tập đoàn Nam Tiến đã chuyển nhượng 70% vốn Công ty Cổ phần Thuỷ điện Leader Nam Tiến - doanh nghiệp dự án cụm thuỷ điện Ngòi Xan - Lào Cai cho đối tác Leader Energy, Malaysia.
Tìm hiểu thêm được biết, người đứng sau sự phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn Nam Tiến đến nay là ông Hoàng Minh Tuấn, doanh nhân sinh năm 1952. Ông Tuấn từng đảm nhiệm vai trò chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của Tập đoàn Nam Tiến, đồng thời ông cũng là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp.
Tuy nhiên từ tháng 9/2018, ông Tuấn và vợ là bà Trần Thị Thúy (sinh năm 1955) đã chuyển nhượng cổ phần đang nắm giữ cho các thành viên trong gia đình, bao gồm ông Hoàng Giang Nam (1978), bà Cao Thị Thu Hiền (1977), ông Hoàng Trung Tiến (1980). Cập nhật tại thời điểm này, Tập đoàn Nam Tiến có vốn điều lệ 503,8 tỷ đồng, trong đó ông Nam, bà Hiền, ông Tiến sở hữu lần lượt 50%, 40% và 10% vốn. Đến nay, tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Hiền. Vốn điều lệ của doanh nghiệp điều chỉnh xuống còn 463 tỷ đồng (tháng 4/2020).
Tiềm lực tài chính đến đâu?
Là doanh nghiệp đa ngành, chủ đầu tư của nhiều dự án quy mô lớn, thế nhưng Tập đoàn Nam Tiến có năng lực tài chính không quá nổi bật.
Theo tài liệu mà Etime có được, giai đoạn 5 năm trở lại đây (2016 - 2020), doanh thu thuần của Tập đoàn Nam Tiến lên xuống khá thất thường, từ mức đỉnh 926,8 tỷ đồng năm 2017 đã giảm xuống 751,2 tỷ đồng vào năm 2020.
Trong khoàng thời gian này, biên lãi gộp của doanh nghiệp dao động từ 9 - 16%, đặc biệt năm ngoái trong bối cảnh khó khăn chung của đại dịch Covid-19 giảm còn 6,5%. Sau khi khấu trừ các chi phí nặng gánh, lợi nhuận mà doanh nghiệp thu về cao nhất là 57,7 tỷ đồng hồi năm 2016, cá biệt năm 2018 và 2020 lỗ lần lượt 6,1 tỷ đồng và 17,1 tỷ đồng.
Bình quân tổng doanh thu thuần 5 năm qua của Tập đoàn Nam Tiến là trên 3.800 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức khá thấp với 60 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất sinh lợi là 1,57%. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đem về 100 đồng, chỉ lãi hơn 1,5 đồng.
Tỷ suất sinh lợi thấp là điều doanh nghiệp không mong muốn. Nhưng ở góc độ khác, lợi nhuận ít ỏi cũng giúp Tập đoàn Nam Tiến hạn chế được độ lớn của hóa đơn thuế, dòng tiền chi ra gần như lớn nhất của doanh nghiệp.
Về cấu trúc tài chính, tổng tài sản (nguồn vốn) của Tập đoàn Nam Tiến mở rộng nhất vào năm 2017 với 2.223 tỷ đồng, tuy nhiên đến cuối năm 2020 chỉ còn 1.211 tỷ đồng, giảm gần một nửa.
Ghi nhận ở thời điểm cuối năm trước, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 303,2 tỷ đồng, nợ phải trả đứng ở mức gần 910 tỷ đồng, cao hơn ba lần. Trong đó, nợ vay chiếm tỷ trọng khá lớn với hơn 480 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Tập đoàn Nam Tiến thường xuyên duy trì đòn bẩy ở mức cao, có năm các khoản vay mượn đã vượt hơn 2 lần vốn chủ sở hữu (năm 2017).
Đi kèm với khối nợ lớn là các rủi ro về tài chính. Các chỉ số đo lường, đánh giá năng lực doanh nghiệp của Tập đoàn Nam Tiến đều cho thấy tình trạng đáng chú ý, ví dụ như ROA, ROE, khả năng thanh toán ngắn hạn...