Tiền mặt doanh nghiệp điện tăng vọt, vay nợ giảm nhưng lợi nhuận vẫn đì đẹt

Khánh Ly Thứ bảy, ngày 09/09/2023 10:02 AM (GMT+7)
Thống kê dữ liệu báo cáo tài chính soát xét của 22 doanh nghiệp điện niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, trữ tiền của các doanh nghiệp tăng bình quân 17% so với cuối quý I/2023, nợ vay đã giảm trung bình 4%. 6 tháng đầu năm điện than được EVN huy động mạnh nhất và tăng trưởng mạnh nhất.
Bình luận 0

Tiền mặt doanh nghiệp điện hồi phục, số dư vay nợ giảm

Dữ liệu thống kê báo cáo tài chính bán niên năm 2023 soát xét 22 doanh nghiệp điện niêm yết cho thấy, trữ tiền đang có dấu hiệu tăng vọt trở lại. Cụ thể, kết thúc quý I/2023, tổng trữ tiền của doanh nghiệp điện giảm 20% xuống còn hơn 20.000 tỷ đồng so với đầu năm. Kết thúc quý II/2023, con số này đã tăng lên gần 24.000 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/6/2023 (tăng 17% so với tại ngày 31/3/2023 và giảm 7% so với đầu năm).

Trong danh sách, nổi bật là NBP ghi nhận mức tăng gấp gần 28 lần so với thời điểm cuối quý I lên 365 tỷ đồng, HND tăng gấp 4,6 lần ở mức 549 tỷ đồng, GHC tăng gấp 2,5 lần lên 278 tỷ đồng.

Hết quý II/2023 trữ tiền doanh nghiệp điện có tín hiệu hồi phục, vì đâu lợi nhuận chưa thể bứt phá? - Ảnh 1.

Trữ tiền của các doanh nghiệp điện niêm yết. Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2023.

Tuy nhiên, dù trữ tiền có khởi sắc, nhưng chỉ có 5/22 doanh nghiệp ghi nhận trữ tiền lớn hơn số dư vay nợ, 15/22 doanh nghiệp ghi nhận trữ tiền trung bình bằng 42% so với số dư vay nợ và 2 doanh nghiệp còn lại có số dư vay nợ bằng 0 (DRL và HJS).

Tổng dư nợ của 22 doanh nghiệp thống kê tại thời điểm 30/6/2023 là gần 55.500 tỷ đồng, giảm lần lượt 4% và 3% so với kết thúc quý I và hồi đầu năm.

Trong đó, một số doanh nghiệp ghi nhận mức vay nợ giảm sâu so với hồi cuối quý I/2023 như: NT2 giảm 46% còn 350 tỷ đồng, ISH giảm 41% còn 16 tỷ đồng, HND giảm 33% còn 786 tỷ đồng…

Các doanh nghiệp tăng nhẹ so với kết thúc quý I có: GEG tăng 5% lên 10.162 tỷ đồng, KHP tăng 3% lên 976 tỷ đồng, POW tăng 2% lên 8.062 tỷ đồng, GSM tăng 1% lên 199 tỷ đồng.

Vì đâu lợi nhuận doanh nghiệp điện không thể bứt phá?

Theo dữ liệu của Dân Việt, 22 doanh nghiệp thống kê tạo ra doanh thu đạt hơn 58.221 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,3% so với tổng doanh thu cùng kỳ. Tuy nhiên, 22 doanh nghiệp điện niêm yết trên lại ghi nhận tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 6 tháng đầu năm ở mức 5.149 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.

Hết quý II/2023 trữ tiền doanh nghiệp điện có tín hiệu hồi phục, vì đâu lợi nhuận chưa thể bứt phá? - Ảnh 2.

Biến động doanh thu của các doanh nghiệp điện 6 tháng đầu năm 2023. Nguồn: Tổng hợp BCTC soát xét bán niên 2023.

Giải trình kết quả lợi nhuận ngược chiều doanh thu, nguyên nhân chủ yếu được doanh nghiệp điện đưa ra là do hiện tượng El Nino tác động tiêu cực tới hoạt động thủy văn, mùa gió yếu, giá nhiên liệu (than) tăng vọt cùng với chênh lệch tỷ giá, chi phí lãi vay tăng cao dẫn đến lợi nhuận đi lùi so với cùng kỳ.

Mặc dù 4 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất điện được cung ứng tốt, đảm bảo đủ nhu cầu điện cho sản xuất, đời sống sinh hoạt người dân trên cả nước. Nhưng sang tới tháng 5 và 6, mực nước nhiều hồ thủy điện tại miền Bắc xuống thấp, nhiều hồ ở mực nước chết không thể phát điện, nguồn cung nhiên liệu thiếu hụt dẫn đến giá vốn bị đội lên so với thời gian trước, 'ăn mòn' lợi nhuận. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải thực hiện tiết giảm điện tại một số địa phương, đặc biệt là các địa phương khu vực phía Bắc để đảm bảo cung ứng điện trên cả nước.

Trong kỳ, chỉ có 4/22 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 'khởi sắc' so với cùng kỳ, bao gồm: BTP tăng 717% lên 49 tỷ đồng, GEG tăng 87% lên 228 tỷ đồng, VSH tăng 11% lên 805 tỷ đồng, QPH tăng nhẹ 5% lên 40 tỷ đồng.

17/22 doanh nghiệp có mức tăng trưởng âm, đơn cử: GSM giảm 78% còn 4 tỷ đồng, PC1 giảm 67% còn 84 tỷ đồng, TBC giảm 43% còn 128 tỷ đồng… Và đáng chú ý, KHP báo lãi 10 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 126 tỷ đồng.

Ảnh hưởng nắng nóng trên diện rộng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tăng cao, tình hình thủy văn không thuận lợi nên sản lượng điện phát của các công ty nhiệt điện được huy động tăng hơn so với cùng kỳ. Dù vậy, một số doanh nghiệp nhiệt điện vẫn ghi nhận lợi nhuận đi lùi như: HND giảm 37% còn 359 tỷ đồng, QTP giảm 34% còn 413 tỷ đồng, NBP giảm 9% còn 20 tỷ đồng…

Hết quý II/2023 trữ tiền doanh nghiệp điện phục hồi, vay nợ giảm, điện than hưởng lợi nhất? - Ảnh 4.

Biến động lợi nhuận 6 tháng đầu 2023 của doanh nghiệp điện. BTP và KHP được bỏ ra khỏi biểu đồ do số liệu "outlier" với các doanh nghiệp điện còn lại. Nguồn: Báo cáo tài chính soát xét.

Báo cáo của Tập đoàn EVN cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 134,98 tỷ kWh, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống như sau: Thủy điện đạt 29,83 tỷ kWh, chiếm 22,1%; Nhiệt điện than huy động tăng (do nhu cầu phụ tải tăng cao và nước về các hồ thủy điện kém), đạt 66,76 tỷ kWh, chiếm 49,5%; Tua bin khí đạt 15,43 tỷ kWh, chiếm 11,5%; Nhiệt điện dầu đạt 1,19 tỷ kWh, chiếm 0,9%; Năng lượng tái tạo đạt 19,5 tỷ kWh, chiếm 14,5% (trong đó điện mặt trời đạt 13,68 tỷ kWh, điện gió đạt 5,29 tỷ kWh); Điện nhập khẩu đạt 1,79 tỷ kWh, chiếm 1,3%.

Hết quý II/2023 trữ tiền doanh nghiệp điện phục hồi, vay nợ giảm, điện than hưởng lợi nhất? - Ảnh 5.

Nguồn số liệu EVN.

So với Quý I/2023, tỷ lệ nhiệt điện than được EVN huy động trong Quý II/2023 tăng vọt. Bởi trước đó 3 tháng đầu năm 2023, nhiệt điện than huy động đạt 28,03 tỷ kWh, chiếm 45,3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Thủy điện và điện tái tạo trong quý II/2023 được EVN huy động giảm so với 3 tháng đầu năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem