Tiến sĩ Phạm Cao Cường nói về bầu cử Mỹ 2020: "Trump đã át được Biden"

Vĩnh Nguyên thực hiện Thứ sáu, ngày 02/10/2020 20:34 PM (GMT+7)
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) - Tiến sĩ Phạm Cao Cường nhận xét trái ngược với truyền thông Mỹ khi cho rằng ông Donald Trump đang có lợi thế hơn ông Joe Biden. Trump đã có chiến lược riêng để ngăn Biden công bố rõ ràng chính sách tranh cử của mình với cử tri Mỹ.
Bình luận 0

Chiến lược riêng

Ông nhận xét thế nào về phong cách của hai ứng cử viên trong tranh luận?

- Buổi tranh luận 29/9 diễn ra hỗn loạn, hai bên công kích, cướp lời nhau, thể hiện sự không tôn trọng đối thủ, nhất là từ phía ông Trump. Bắt đầu từ tính cách của ông Trump là người có tài diễn thuyết, hay cướp diễn đàn, cho mình luôn đúng, nhưng cần lưu ý tất cả đều không phải ngẫu nhiên mà ông Trump luôn có chiến lược, tư vấn về việc xuất hiện thế nào, tranh cử thế nào. Ông ấy làm vậy chỉ là tính cách một phần, một phần là chiến lược nhằm hạn chế tối đa sự công kích của ông Joe Biden với chính sách của mình.

Bầu cử Mỹ 2020, Tiến sĩ Phạm Cao Cường: Trump đã át được Biden - Ảnh 1.

Hai ứng cử viên Trump - Biden đối chọi nảy lửa trong cuộc tranh luận đầu tiên.

Ông Trump biết điểm yếu của ông Joe Biden là từng có tật nói lắp nên cố khiêu khích, nhưng ông Biden nhìn chung vẫn giữ bình tĩnh. Khi tranh luận trên truyền hình là chuyện hoàn toàn khác, làm sao đứng trước ống kính truyền hình hàng triệu người theo dõi, phải thể hiện rõ chính kiến và lôi cuốn cử tri. Ông Biden một mặt thành công kiềm chế ông Trump, hạn chế việc ông Trump bới móc chuyện gia đình rằng con trai ông nhận tiền từ nước ngoài, có lúc tận dụng tấn công lại ông Trump, nhưng dù sao cũng có kiểm soát.

Một điểm nữa là do tranh luận có tính cá nhân nhiều, nên khán giả khó nhận ra điểm chủ chốt trong chính sách hai người đưa ra.

Bầu cử Mỹ 2020, Tiến sĩ Phạm Cao Cường: Trump đã át được Biden - Ảnh 2.

Tiến sĩ Phạm Cao Cường.

Nội dung tranh luận lần này có điểm gì mới so với những gì họ đã nói thời gian qua?

Buổi tranh luận có 6 nội dung: Đề cử thẩm phán tòa án tối cao, Covid-19, kinh tế, phân biệt chủng tộc, hồ sơ cá nhân, tính liêm chính của bầu cử. Những nội dung này không mới, gần như toàn các vấn đề nội bộ nước Mỹ, các vấn đề đối ngoại để đến các tranh luận  tiếp theo.

Tôi điểm qua những vấn đề được dư luận quan tâm.

Về dịch Covid-19, hơn 7 triệu người mắc, 208.000 người chết là con số khủng khiếp với Mỹ. Ông Biden tận dụng vấn đề này để công kích ông Trump. Còn ông Trump cho rằng chính quyền cấp mặt nạ máy thở, vaccine, yêu cầu dân đeo khẩu trang, thậm chí còn chê khẩu trang của ông Biden đeo và rút khẩu trang của mình ra, công kích ông Biden không mở cửa trường học.

Về kinh tế, đã lộ ra một số nội dung mới. Ông Trump cho rằng đã tạo ra được bước ngoặt, thành tựu lớn từ đại suy thoái 1929. Đã có thống kê trong số 293 thành tựu trong 4 năm cầm quyền của ông Trump thì kinh tế là một phần quan trọng. Ông Biden cho rằng chính sách ông Trump, đặc biệt việc giảm thuế doanh nghiệp chỉ làm giàu cho các tỷ phú với 300 tỷ USD, và hồ sơ thuế của ông Trump 2016 - 2017, ông Trump chỉ đóng thuế thu nhập 750 USD. Còn ông Trump cãi đã đóng từ 27 - 38 triệu USD tiền thuế và hứa nếu cần kiểm tra, sẽ đưa hồ sơ ra sau tranh luận.

Ông Biden đưa sáng kiến tạo 7 triệu việc làm cho người dân Mỹ, cộng với 1000 tỷ USD tăng trưởng cho kinh tế. Nhưng ông Biden muốn tăng thuế 21 - 28%. Ông không ủng hộ giảm thuế vì cho rằng  giảm thuế thì tiền giảm đó rơi vào các tỷ phú, ông muốn tăng thuế để tăng nguồn thu cho chính phủ.

Ông Biden có nhắc đến Trung Quốc với thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, ông Trump lờ đi và chưa phải vấn đề chính trong lần tranh luận này.

Về bạo lực sắc tộc, ông Trump cho rằng chính sách của ông Biden về người da màu rất tệ, chỉ trích ông Biden từng gọi người Mỹ gốc Phi là "kẻ săn mồi siêu hạng", cho rằng ông Biden không muốn chính quyền các bang sử dụng cánh sát trấn áp bạo lực sau vụ người da đen George Floyd bị chết là muốn lấy lòng các thành phần cực đoan. Còn ông Biden phủ định cáo buộc, cho rằng ông Trump thất bại trong việc giữ trật tự, đặc biệt gây mâu thuẫn trong các tầng lớp da màu ở nước Mỹ.

Qua đó có thể thấy một số điểm mới là chính sách kinh tế của ông Biden, nhưng kế hoạch đó chưa được kiểm định và mới chỉ thấy một số thông tin nổi bật, còn toàn bộ chính sách chưa được đưa ra. Có thể do công kích lẫn nhau nên người ta không có cơ hội thấy hết chính sách của ông. Còn ông Trump đến thời điểm này có vẻ gần như "hết bài", không đưa được cái mới trong chính sách kinh tế, đối nội và các vấn đề khác.

Ông Trump được khẳng định nhiễm Covid-19:

Việc ông Trump bị nhiễm Covid-19 đã gây hoang mang với cử tri và Đảng Cộng hòa. Các hoạt động tranh cử có thể phải dừng lại vì ngày 15/10 và 22/10 sẽ diễn ra các cuộc tranh luận tiếp theo. Cuộc tranh luận vào ngày 15/10 ở Florida đã bị ngừng rồi. Việc này có tạo ra bất lợi của ông Trump trước ông Biden, thể hiện sự chủ quan của Tổng thống, ông Biden có thể tận dụng để tấn công, nhất là chính sách chống Covid-19 của chính quyền đương nhiệm. Trước mắt ông Trump sẽ bị cách ly trong Nhà Trắng, hoạt động đông người bị dừng lại. Một điều nữa là nếu Tổng thống không đủ sức khỏe thì có thể lùi lại bầu cử hoặc Đảng Cộng hòa đưa người thay thế. Theo Tu chính 25 của Mỹ, khi Tổng thống qua đời hoặc không đủ sức khỏe thì bàn giao cho Phó Tổng thống. Nhưng tuyên bố mới nhất thì ông Trump vẫn điều hành công việc trong nhà Trắng. Tình hình cần tiếp tục theo dõi.

Tiến sĩ Phạm Cao Cường

Lợi thế của ông Trump

Hai ứng cử viên thể hiện tầm nhìn của một tổng thống thế nào trong tranh luận?

- Tầm nhìn nhà lãnh đạo có thể hiện trong cương lĩnh tranh cử của họ, nhưng trong tranh luận lại khá mờ nhạt. Với ông Trump, tư tưởng nước Mỹ trên hết, vĩ đại trở lại, giữ cho nước Mỹ trở lại tiếp tục là đường lối chính sách 4 năm qua. Tuy nhiên, chương trình chính sách không có gì mới để cử tri hy vọng. Cử tri rất quan ngại chính sách đối ngoại của ông: Việc ông theo đuổi chủ nghĩa đơn phương, rút khỏi các hiệp định quốc tế, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trầm trọng hơn, gia tăng thâm hụt thương mại…

Với ông Biden chính sách không có gì nổi bật, cả  về kinh tế, các vấn đề đối nội đối ngoại không thể hiện nhiều. Tập trung chương trình cho người da màu, nhưng không có gì hơn hẳn so với chính quyền đương nhiệm. Điều đó có thể khiến nhiều cử tri băn khoăn tính vượt trội của ông Biden.

Nói chung cử tri khó xác định tầm nhìn cụ thể, sự ưu việt của mỗi chính sách để quyết định. Tôi cho rằng đó là mục đích của ông Trump, ông muốn hạn chế ông Biden chất vấn nhiều vấn đề khác. Đưa ra các tuyên bố chính sách mới có thể là con dao hai lưỡi, khiến người ta nghi ngờ tính khả thi và ông Biden tận dụng tấn công.

Với ông Biden tư tưởng về nước Mỹ chưa rõ. Chính sách của ông với các vấn đề trong nước chưa được thực hiện nhiều. Nhiều chính sách nghe kỳ vọng như năng lượng xanh, tạo 7 triệu việc làm. Tuy nhiên kế hoạch này dài hơi, phải vài chục năm, cả trăm năm nên cử tri khó đánh giá kết quả của ông thế nào.

Mà hiện giờ, Covid-19 cuốn trôi mọi thành quả kinh tế nên người dân Mỹ đang rất lo vấn đề cơm áo gạo tiền, làm sao vực dậy nền kinh tế. Đó là lợi thế của ông Trump trong 3 năm đầu và về vấn đề này cử tri tin tưởng ông Trump hơn.  Nhiều người cho rằng ông Trump và chính sách của ông mới có thể khôi phục kinh tế Mỹ, cho rằng kinh tế không phải điểm mạnh của ông Joe Biden, không kỳ vọng vào ông.

Sự thất vọng của cử tri sau buổi tranh luận có ảnh hưởng lá phiếu của họ?

- Sau buổi tranh luận đầu tiên tâm lý của cử tri hoang mang, nhưng biết đâu điều đó cũng có lợi cho 2 người. Cử tri dao động vẫn đang nghe ngóng xem hai người có màn gì tiếp theo.

Ngày 7/10 sẽ diễn ra vòng tranh luận của 2 phó tổng thống tại Salt Lake City, bang Utah. Cử tri sẽ chờ đợi 2 người phó thể hiện thế nào, có đưa ra đường lối chính sách mới hay không, điều đó  rất quan trọng để lấy lòng cử tri. Cuộc tranh luận này sẽ không gay gắt như lần đầu, bởi tính cách Trump - Biden đối nghịch. Ông Mike Pence thì điềm đạm, bà Kamala Harris cũng thế. Nên vòng 2 cử tri sẽ hiểu nhiều hơn về chính sách của hai ứng cử viên tổng thống.

Ngày 15/10 tranh luận tiếp của Tổng thống ở bang Florida - bang quan trọng của Trump nơi ông có nhiều người ủng hộ từ nhiều tầng lớp, lại chơi thân với thống đốc bang.   

Ngày 22/10 là cuộc tranh luận Trump – Biden ở  bang Tennesee. Trong 2 cuộc này có các nội dung về an ninh quốc phòng, quan hệ quốc tế, có thể các vấn đề như Mỹ rút quân khỏi Iraq, Afghanistan, chính sách với Iran, với Biển Đông, nhất là với Trung Quốc thế nào thì sẽ sôi động hơn rất nhiều.

Bầu cử Mỹ 2020, Tiến sĩ Phạm Cao Cường: Trump đã át được Biden - Ảnh 4.

Theo dự kiến, còn 2 cuộc tranh luận nữa giữa Trump - Biden.

Đánh giá chung sau tranh luận, báo chí Mỹ và thăm dò ý kiến cho thấy ông Biden đang có lợi thế dẫn trước. Quan điểm của ông ra sao?

- Ai cũng có lợi thế riêng. Nhưng tôi cho rằng ông Trump có lợi thế hơn. Cách mà ông Biden đáp trả lại ông Trump thể hiện tuổi đã cao, ông bị bới móc nhiều chuyện từ gia đình đến sức khỏe nhưng màn đáp trả yếu. Tôi cho rằng ông Trump đã át được ông Biden, không cho ông Biden đưa ra cái mới. Bản chất ông Biden cũng chỉ nhằm vào những gì ông Trump chưa làm được để công kích. Chính vì màn công kích đó khiến hai bên mạt sát nhau. Nếu như Đảng Dân chủ đưa ra được chính sách mới, thay vì chỉ trích thì cuộc tranh luận sẽ khác. 

Dân Mỹ đang rất lo vấn đề cơm áo gạo tiền, làm sao vực dậy nền kinh tế sau Covid-19. Đó là lợi thế của ông Trump trong 3 năm đầu và về vấn đề này, cử tri tin tưởng ông Trump hơn. Nhiều người cho rằng kinh tế không phải điểm mạnh của ông Joe Biden, không kỳ vọng vào ông.

Tiến sĩ Phạm Cao Cường

Nhưng kết quả bầu cử như thế nào mới quan trọng. Đánh giá các chỉ số ngày hôm qua, một trang web của Mỹ dự đoán tỷ lệ đại cử tri của Trump giảm. Đảng Dân chủ được dự báo chiếm ưu thế một số bang chiến địa. Một số bang Bờ Đông và đông bắc nước Mỹ có xu hướng rơi vào tay Đảng Dân chủ. Muốn chiến thắng thì ông Trump phải thắng lại ở các bang đã mà ông đã giành được năm 2016. Một số bang có dấu hiệu lung lay, buộc ông Trump phải thắng hết mới có khả năng thắng lợi.

Nếu ông Trump có khả năng thắng cử thì khoảng cách thắng không cao. Năm 2016, ông Trump thắng 304 phiếu đại cử tri/ trên tổng số 538 phiếu, trong khi chỉ 270 phiếu là thắng. Nhưng tình hình năm nay khó hơn, tôi dự báo nếu Trump hơn thì chỉ hơn từ 1 - 5,6 phiếu đại cử tri.

Tình hình hiện giờ khó nói. Phải chờ các cuộc tranh luận tiếp theo mới có thể biết được.

Ông nhận xét thế nào về 4 năm cầm quyền của Trump?

- Xét trên khía cạnh riêng nước Mỹ, chính sách ông Trump theo chủ nghĩa dân túy, tập trung lợi ích quốc gia. Với người theo chủ nghĩa dân tộc, chính sách đó có phần hiệu quả.

Nhưng cách bảo vệ lợi ích Mỹ một cách đơn phương, rút khỏi các thỏa thuận đa phương như UNESCO, WHO, TPP, thỏa thuận khí hậu toàn cầu, thỏa thuận vũ khí với Nga tạo ra sự lo lắng với các quốc gia, đặc biệt nước lớn, tăng bất ổn do chính sách đảo chiều coi Trung Quốc và Nga là mối đe dọa. Cạnh tranh với Trung Quốc gia tăng tạo xung đột lợi ích, xung đột địa chiến lược, gia tăng nguy cơ đối đầu ở các điểm nóng.

Nhưng về tổng thể chưa thể đánh giá chính sách  của ông Trump đúng hay sai, những gì ăn mòn theo truyền thống cũ thì chưa chắc thành công. Vừa qua Mỹ là trung gian để UAE và Israel ký thỏa thuận hòa bình , khiến ông Trump được để cử Nobel Hòa bình. Trump cho con rể làm trung gian hòa giải  là bước đột phá, là cách tiếp cận khác biệt.

Chính sách của ông Trump có hay không tạo ra lợi ích, đó là quan điểm, tùy cách nhìn mỗi người. Nhưng thành tựu kinh tế của ông là không thể phủ nhận. Thứ hai là ông Trump đối phó được với Trung Quốc, hạn chế được Trung Quốc ở nhiều địa điểm chiến lược như Châu Phi, Trung Nam Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Á, gia tăng can dự của Mỹ vào khu vực, ngăn tham vọng của Trung Quốc kể cả trên Biển Đông, đó là điều nhiều học giả quốc tế đánh giá chính quyền tiền nhiệm không làm được.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Phạm Cao Cường. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem