Tiền thừa đầy, nhưng có "ngấm" được vào nền kinh tế không?

26/07/2023 21:08 GMT+7
"Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên đi ngược chiều chu kỳ chính sách tiền tệ. Chúng tôi không phải tự làm tự khen, mà đây là sự rất dũng cảm của NHNN trong bối cảnh toàn cầu còn rất bấp bênh".

Đó là chia sẻ của ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) tại đối thoại tháng 7 với chủ đề "Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán" do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức.

Tiền thừa đầy, nhưng có ngấm được vào nền kinh tế không? - Ảnh 1.

Ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN)

Chính sách tiền tệ có vẻ đang thu hẹp, nhưng thực tế có thu hẹp không?

Dẫn số liệu của CME Group, ông Quang cho biết có tới 99% nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm% trong cuộc họp vào tháng 7 này. Trước đó, tại cuộc họp FOMC tháng 6 vừa qua, có tới hơn 2/3 thành viên của FOMC kết luận tiếp tục tăng lãi suất. Theo ông Quang, áp lực tăng lãi suất vẫn còn rất lớn, thậm chí có thể sẽ không như thị trường dự báo rằng Fed chỉ tăng lãi suất 1 lần nữa vào tháng 7 này và sau đó sẽ dừng đà tăng lãi suất.

Làm rõ thêm, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nói: Mặc dù như các chuyên gia đề cập, chỉ số CPI của Mỹ có vẻ giảm nhưng từ góc độ người lập chính sách là các NHTW trên thế giới, trong đó có Fed, thì điều người ta quan tâm rất nhiều không phải số này, mà thay vào đó là chỉ số lạm phát lõi.

Theo số liệu công bố gần nhất, lạm phát cơ bản của Mỹ trong tháng 6 là 4,8%. Tốc độ này vẫn cao hơn mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là 2%.

Lạm phát lõi của Mỹ vẫn rất cao – là áp lực đối với việc ra quyết sách của Fed, theo ông Quang. Hơn nữa, nhìn sâu vào thị trường, thị trường việc làm của Mỹ đang phục hồi tốt. Điều đó cũng nói rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ còn rất nóng, tổng cầu còn tốt, như vậy lạm phát do phía cầu (lạm phát cầu kéo) còn áp lực, vì vậy lạm phát lõi của Mỹ chưa thể "nguội" ngay được. Đó là những bấp bênh trong chính sách toàn cầu. Nhìn sang Châu Âu lạm phát vẫn cao (6-7%), NHTW Châu Âu vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Hay nói cách khác, chu kỳ tăng lãi suất chưa chấm dứt ngay như kỳ vọng.

Lạm phát đang có xu hướng giảm nhưng lạm phát cơ bản 6 tháng vẫn leo cao (4,4%) và tốc độ giảm của lạm phát cơ bản rất chậm. Điều đó cho thấy mức độ "dính" của lạm phát rất cao ở Việt Nam. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, năm nay lạm phát bình quân có thể kiểm soát nhưng độ trễ của chính sách và câu chuyện lo lắng của lạm phát đối với nhà điều hành không chỉ dừng ở năm 2023 mà tiếp tục trong năm 2024.

Tiền thừa đầy, nhưng có "ngấm" được vào nền kinh tế không?

Trong bối cảnh đó, NHNN đã giảm tới 4 lần lãi suất. Đó là quyết định táo bạo và "liều", ông Phạm Chí Quang dẫn ý kiến đánh giá của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.

Ông Quang cho hay, NHNN đã phải cân nhắc rất "cân não" khi quyết định giảm 4 lần lãi suất kể từ đầu năm đến nay. Cùng với đó, NHNN điều hành đồng bộ nhiều công cụ. Cho đến nay, thanh khoản thị trường liên ngân hàng rất dồi dào, chỉ báo cho thấy thanh khoản của các tổ chức tín dụng dư thừa. Nếu nhìn vào lãi suất liên ngân hàng, kỳ hạn qua đêm hiện chỉ ở mức 0,2%; lãi suất 1 tháng 0,6% - tiền thừa đầy, nhưng có ngấm được vào nền kinh tế không lại là câu chuyện rất quan trọng.

Theo ông Quang, tiền ngân hàng không phải ngân sách. Ngân sách là cấp phát tiền tiêu, chi không đòi lại. Trong khi đó, ngân hàng huy động vốn để cho vay và lấy lãi tiền vay trả lãi cho người gửi tiền. Do đó, câu chuyện cấp tiền ra các kênh cung ứng tiền, đặc biệt là kênh tín dụng ngân hàng rất khác. Ngân hàng luôn cân nhắc đưa tiền ra câu hỏi đầu tiên là có thu hồi được về hay không?. Ngoài ra, 95% doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhóm doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của nền kinh tế, vì vậy khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp này ngày càng khó hơn.

Vụ trưởng thừa nhận, đúng là NHNN nhìn thấy vấn đề đó và đã mạnh dạn ban hành 2 thông tư có tính xương sống trong hoạt động cấp tín dụng của các doanh nghiệp.

Thứ nhất là Thông tư 02 về giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại nợ. Thông tư này nôm na nghĩa là khách hàng đã chuyển nợ xấu hoặc có thể chuyển nợ xấu nhưng được giữ nguyên nhóm nợ tốt. Từ đó, mở cơ hội cho khách hàng này có thể tiếp cận tín dụng vốn ngân hàng có thể tiếp tục vay vốn ngân hàng.

"Mặc dù chúng tôi nói không hạ chuẩn tín dụng, không hạ chuẩn cho vay nhưng NHNN, các ngân hàng thương mại đã có những biện pháp kỹ thuật cho các khách hàng khó khăn như thế tiếp tục vay vốn", ông Quang nhấn mạnh.

Hai là Thông tư 06 sửa đổi với loạt biện pháp giải pháp đưa ra để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng giống Thông tư 02, trong đó có giải pháp quan trọng được thị trường chờ đợi đó là tạo thêm một kênh bán hàng tín dụng, cho vay đối với tổ chức tín dụng đó là qua bán hành qua kênh điện tử. Đặc biệt, kênh này sẽ hỗ trợ cho 2 động lực tăng trưởng kinh tế gồm: tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tiết giảm chi phí cho nhóm đối tượng này khi tiếp cận vốn vay.

Nhiều quyết sách hỗ trợ song trong bối cảnh cầu yếu, chất lượng doanh nghiệp giảm, bản thân nền kinh tế khó khăn,... vì vậy cung và cầu tín dụng khó gặp nhau.

"Để cung – cầu tín dụng gặp nhau thì phải nâng được chuẩn của người đi vay lên. Ngành ngân hàng chúng tôi không làm được. Có một biện pháp rất quan trọng có lẽ Chính phủ đang nghiên cứu là sửa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo lãnh khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó "đệm của đôi giày" của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được nâng lên đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. Chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác có thể hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa khơi thông được thị trường, đặc biệt là khơi thông các thị trường xuất khẩu mới, từ đó các doanh nghiệp trong nước có thêm đơn hàng và có cơ hội tiếp tục vay vốn ngân hàng", ông Quang nêu quan điểm.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục