Tiếp tay vi phạm bản quyền, Google, Facebook thu gần tỷ USD quảng cáo tại Việt Nam

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 07/11/2020 14:22 PM (GMT+7)
Các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam đã trả cho Google và Facebook gần 1 tỷ USD tiền quảng cáo trong 1 năm. Hai "gã khổng lồ" quảng cáo trên cả những trang tin, fanpage vi phạm bản quyền báo chí.
Bình luận 0

Gần tỷ USD quảng cáo về tay Google, Facebook

Trên nền tảng Google, Facebook, chỉ cần gõ tiêu đề bài viết của một tờ báo, ngay lập tức sẽ hiện ra kết quả ở nhiều trang khác nhau. Dẫn lại bài viết này là các trang thông tin điện tử tổng hợp, blog cá nhân và cả những trang tin "3 không": không rõ nguồn gốc, không cơ quan chủ quản, không giấy phép hoạt động.

Tiếp tay vi phạm bản quyền, Google, Facebook thu gần tỷ USD quảng cáo tại Việt Nam - Ảnh 1.

Google, Facebook thu gần tỷ USD quảng cáo tại Việt Nam.

Trong khi đó, trên Youtube, lại tràn lan video tin tức thuộc mọi lĩnh vực, nhiều nhất là thời sự và giải trí. Nội dung video các chủ tài khoản tải lên thường là đọc lại tin tức của các tờ báo đã đăng. Thậm chí, có tài khoản còn đầu tư bài bản, có MC dẫn chương trình, không khác mấy so với bản tin truyền hình nhưng thông tin, hình ảnh được lấy lại từ những tờ báo chính thống.

Tại một diễn đàn bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí vừa được tổ chức tại TP.HCM, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm cho biết, nội dung trên Google hiện nay "không còn khách quan", do quảng cáo, các trang này trả tiền cho Google.

Theo ông Lâm, nhiều kết quả tìm kiếm xuất hiện đầu tiên lại là những trang tin không giấy phép, các tờ báo chính thống phải chịu cảnh "lép vế". Mô hình kinh doanh của các nền tảng xuyên biên giới cho phép đơn vị trả tiền quảng cáo để có vị trí cao, khả năng tương tác với người dùng sẽ tốt hơn.

"Số liệu của Ngân hàng Nhà nước chúng tôi có được, riêng năm 2018, các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam đã trả cho Google và Facebook 900 triệu USD quảng cáo. Họ cho quảng cáo không cần phân biệt trang thông tin, trang báo có chính thống hay không, và có được nguồn thu lớn", Cục trưởng Cục Báo chí cho biết.

Các hình thức "tiếp tay" phổ biến nhất trên các nền tảng xuyên biên giới thường thấy hiện nay là chạy quảng cáo trên các trang có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Trên Facebook, các fanpage chia sẻ đường dẫn trang vi phạm bản quyền hiển thị tin bài dưới dạng instantarticle. Các trang không phép, vi phạm bản quyền này vẫn kiếm được tiền thông qua việc cung cấp quảng cáo trên instantarticle.

Nhiều trang "ăn cắp" nhưng doanh thu khủng

Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - ông Lê Xuân Trung, nhận định vấn đề xâm phạm bản quyền báo chí hiện nay rất phổ biến, công khai. Cơ quan báo chí bị thất thu về mặt kinh tế, uy tín, thương hiệu, trong khi đó, các đối tượng này không đầu tư công sức, trí tuệ nhưng vẫn được hưởng thành quả lao động của các đơn vị giữ bản quyền.

Đại diện VTV cho hay chỉ tính trong vòng 30 ngày gần nhất, đài phát hiện có 94.000 lượt vi phạm bản quyền các chương trình gameshow giải trí của đài; gần 50.000 lượt vi phạm bản quyền các chương trình thiếu nhi, phát lại trên các nền tảng khác, thu lợi nhuận. Đáng chú ý, đại diện VTV cho biết thêm, các đối tượng xâm phạm bản quyền này còn mặc nhiên ghép sản phẩm khác vào sản phẩm của đài nhằm nhiều mục đích khác nhau.

Dẫn số liệu về doanh số quảng cáo hàng năm từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, người sáng lập một trang thông tin điện tử tổng hợp tiết lộ hơn 80% doanh thu quảng cáo tại Việt Nam rơi vào túi hai "ông lớn" Google và Facebook. Theo ông, nhiều đối tượng "ăn cắp" thông tin từ báo chí, vi phạm bản quyền nhưng thực tế lại có doanh thu "khủng", hơn hẳn những đơn vị làm ăn hợp pháp, chân chính.

"Vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày nay là một vòng tròn khép kín, quy mô cực kỳ lớn nên doanh thu từ quảng cáo dường như không còn cửa cho các cơ quan báo chí", Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm nhận định. 

Theo ông, các cơ quan báo chí bị chiếm đoạt sức lao động và giá trị sáng tạo. Sự cạnh tranh không bình đẳng với các trang tin vi phạm bản quyền khiến doanh thu từ quảng cáo suy giảm. Đó là chưa kể việc chưa được chia sẻ lợi ích thỏa đáng từ việc cung cấp nội dung cho các nền tảng xuyên biên giới.

Để xử lý vấn nạn này, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông - ông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, trước hết chính cơ quan báo chí phải có trách nhiệm phát hiện, lưu vết, đối chiếu và có ý kiến với cơ quan quản lý. Báo chí phải cùng cơ quan nhà nước phối hợp xây dựng pháp luật, đặc biệt trong việc xử lý vi phạm bản quyền. Thứ trưởng nhấn mạnh phải liên minh, lên tiếng mạnh mẽ, đặc biệt, học hỏi kinh nghiệm các nước khác để "chiến đấu" với các nền tảng xuyên biên giới đang có mặt tại Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem