Tiết kiệm và đợi tăng lương, khi nào người trẻ có nhà?

30/09/2020 14:29 GMT+7
Giấc mơ sở hữu nhà của người trẻ sống tại các thành phố lớn ngày càng khó khăn khi tốc độ tăng giá bất động sản hiện nay quá nhanh, trong khi thu nhập không cải thiện đáng kể.
Tiết kiệm và đợi tăng lương, khi nào người trẻ có nhà? - Ảnh 1.

TP.HCM và Hà Nội là hai thị trường có nhu cầu về nhà ở cao nhất cả nước, đặc biệt đến từ những người trẻ thuộc thế hệ Millennial (từ 24 đến 39 tuổi).

Tuy nhiên, mức giá nhà tăng vọt, đặc biệt tại TP.HCM đã lên đến đỉnh điểm khiến ước mơ mua nhà của nhóm này ngày càng khó trở thành hiện thực.

"Làm sao ở nhà thuê mãi?"

Chuyển đến TP.HCM được hơn 4 năm, Ngân Quỳnh (29 tuổi) chia sẻ mục tiêu mua nhà đã được đặt ra ngay từ khi rời Hà Nội để lập nghiệp.

"Ngay từ năm 2016, khi vào đến TP.HCM tôi đã nghĩ mình bằng mọi cách phải có nhà", Quỳnh nhấn mạnh.

Cô gái 29 tuổi cho biết có 3 lý do chính khiến cô quyết tâm. Thứ nhất, cô tự nhận thức rằng mình không thể đi thuê nhà mãi, cần phải có tài sản để vừa tập trung tích cóp, vừa có động lực làm việc lớn hơn.

Thứ hai là nguyên nhân từ phía gia đình. Do là con cả trong gia đình có 3 chị em gái nên Ngân Quỳnh muốn khi các em học xong đại học và vào TP.HCM làm việc sẽ không phải đi thuê nhà, có thể dành thời gian và tiền bạc cho các mục tiêu khác.

Thứ ba, cô nhận thấy rằng giá bất động sản tại TP.HCM trong những năm qua tăng rất mạnh nên muốn mua nhà sớm và coi đây là một khoản đầu tư.

Tiết kiệm và đợi tăng lương, khi nào người trẻ có nhà? - Ảnh 2.

Việc sở hữu một căn hộ là ước mơ lớn của nhiều bạn trẻ sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Bên cạnh đó, việc thấy nhiều bạn bè cùng trang lứa dần dần có nhà, khiến tôi cảm thấy bị áp lực và không muốn thụt lùi phía sau so với họ", cô tâm sự.

"Với tôi việc mua nhà rất quan trọng. Những người trẻ từ 25 tuổi trở lên, một khi đã xác định sẽ an cư ở thành phố lớn đều cần phải tính đến chuyện mua nhà. Khoản nợ này cũng là nguồn động lực khiến tôi làm việc chăm chỉ để đảm bảo nguồn thu nhập tốt", Quỳnh chia sẻ.

Đến từ một vùng ven cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 45 km, Đỗ Quang (27 tuổi) quyết định sẽ sống và làm việc lâu dài tại thủ đô. Chính vì vậy, anh bắt đầu suy nghĩ đến việc mua nhà ngay từ sau khi tốt nghiệp đại học không lâu.

"Tôi cảm thấy việc lên kế hoạch mua nhà từ sớm là rất cần thiết vì đây là một tài sản lớn với mỗi người, đặc biệt là với người trẻ tuổi và chưa lập gia đình. Với tôi, việc mua được một căn nhà sẽ giúp sự nghiệp của mình tiến thêm một bậc", anh chia sẻ.

Tuy nhiên, vẫn có những người cảm thấy không muốn gây sức ép lớn cho chính bản thân mình về vấn đề mua nhà.

"Tôi cảm thấy mình có thể thuê nhà cho đến già và cũng không nhất thiết phải sở hữu một căn nhà mới có cuộc sống tốt hơn. Đặc biệt, khi nghĩ đến việc phải trả tiền cho ngân hàng mỗi tháng trong một thời gian dài lên đến 20-30 năm khiến tôi cảm thấy mệt mỏi", chị Hương Thảo (33 tuổi), đang sống tại quận 2, TP.HCM bày tỏ.

Tuy nhiên, cả ba người, dù có ý định mua nhà hay không, cũng đều nhận định rằng giá bất động sản tại các thành phố lớn của Việt Nam đều đang bị đẩy lên mức quá cao, khiến những người có nhu cầu mua để ở như họ khó có thể sở hữu nhà.

Lương dưới 1.000 USD/tháng khó có nhà

Căn hộ Ngân Quỳnh sở hữu vào năm 2017 rộng gần 70 m2 tại quận 4, trị giá 2,7 tỷ đồng.

"Khi ấy tôi có tiền tích cóp khoảng 900 triệu, bố mẹ cho tôi mượn 1 tỷ đồng, phần còn lại vay ngân hàng. Kế hoạch trả nợ ngân hàng khoảng 7-8 triệu đồng/tháng còn kéo dài đến năm 2035", cô nói.

Cô cho rằng bản thân mình rất may mắn khi được gia đình hỗ trợ. Mặc dù đã có một khoản vốn lớn, cô khó có thể thực hiện được ước mơ sở hữu nhà lớn như vậy nếu chỉ tự gánh vác một mình.

Sau khi đã đi làm hơn 4 năm, Đỗ Quang cho biết mình sẽ sớm mua nhà trong năm nay.

Anh dự tính mua một căn hộ giá 1,5-1,8 tỷ đồng. Với mức giá này, anh cho rằng mình chỉ có thể chọn những chung cư ở khu vực ngoại thành như Gia Lâm, Hà Đông, Cổ Nhuế...

"Tôi đang tính mua một căn hộ ở Hoàng Mai, gần tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vì tiện đường về nhà cũng như dễ dàng di chuyển qua nhà người thân", anh Quang nói.

"Mỗi tháng tôi tiết kiệm trung bình 40-50% thu nhập. Do được gia đình hỗ trợ nên mới có thể mua nhà thời điểm này, ngoài ra vẫn phải vay ngân hàng 50%. Nếu chỉ với mức thu nhập hiện tại thì rất khó để sở hữu một căn chung cư giá 1,5-1,8 tỷ đồng tại Hà Nôi, có thể phải mất ít nhất 8-10 năm", anh Quang phân tích thêm.

Tiết kiệm và đợi tăng lương, khi nào người trẻ có nhà? - Ảnh 3.

Các dự án nhà ở tại TP.HCM có mức độ tăng giá trung bình theo năm cao hơn nhiều so với Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Danh.

Bên cạnh đó, anh cũng cho rằng bất động sản ở Hà Nội vẫn đang khá cao so với thu nhập chung của người lao động trẻ, dù thấp hơn TP.HCM. Nếu không có gia đình hỗ trợ, một người thu nhập 25 triệu đồng/tháng có thể mất đến 7 năm mới có thể mua một căn chung cư bình dân mà vẫn phải vay ngân hàng khoảng 50-60%.

"Với những người đã lập gia đình hoặc xác định hướng đến hôn nhân thì bài toán tài chính sẽ được san sẻ và dễ thở hơn rất nhiều. Còn nếu muốn tự lực thì thu nhập phải trên 25 triệu đồng/tháng mới có thể tính toán đến việc mua nhà", Ngân Quỳnh nói thêm.

Bên cạnh đó, theo cả Ngân Quỳnh và Đỗ Quang, việc lựa chọn một dự án vừa phù hợp với ngân sách đề ra, vừa có vị trí thuận lợi để tăng giá trong tương lai cũng mất nhiều thời gian.

Giá nhà tăng nhanh hơn thu nhập

Theo số liệu của Cục giám định Nhà nước và Chất lượng công trình xây dựng của Bộ Xây dựng, chỉ từ 2018 đến cuối 2019, giá bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM đã có nhiều biến động.

Cụ thể, tính đến hết năm 2019, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,54%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 3,01%. Còn tại TP.HCM, giá căn hộ tăng khoảng 3,52%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 8,99%.

Trong khi đó, thu nhập mỗi năm của người lao động lại không tăng lên quá nhiều.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá căn hộ nhà ở thương mại 2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền khoảng trên dưới 2 tỷ đồng. Với cặp vợ chồng (có 1-2 con) thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng (60-70 triệu đồng/năm), thì giấc mơ tạo lập nhà ở càng xa vời, nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội.

Theo ông J.C, một nhà đầu tư có kinh nghiệm mua bán bất động sản ở Việt Nam và một số thị trường trong khu vực Đông Nam Á, phần lớn người trẻ khi mua nhà đều phải vay ngân hàng.

"Việc đầu tiên họ cần làm là làm việc với ngân hàng để có thể xác định mình có thể vay tối đa bao nhiêu và trong thời gian bao lâu. Chắc chắn thu nhập của họ sẽ tăng lên theo thời gian", ông nói.

Tiết kiệm và đợi tăng lương, khi nào người trẻ có nhà? - Ảnh 4.

Phần lớn người trẻ khi mua nhà đều phải vay ngân hàng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Ông J.C cho biết mỗi quốc gia có một chính sách khác nhau, ví dụ tại Malaysia, nếu người trẻ có thu nhập ổn định và có thể chứng minh tài chính đủ điều kiện thì có thể vay đến 100% giá trị căn nhà, đặc biệt khi họ còn trẻ và mua nhà lần đầu. Tại Việt Nam, không ít trường hợp ngân hàng chấp nhận cho vay đến 80% giá trị căn nhà.

"Quy tắc quan trọng trong việc trả góp là bạn phải có một quỹ sẵn có đủ để trả tiền liên tục ít nhất đủ 3 tháng, khoản tiền này càng lớn càng tốt. Rất nhiều người trẻ chỉ có tiền sẵn đủ trả 1-2 tháng, đây là một rủi ro rất lớn trong trường hợp bạn mất việc hoặc đau ốm mà không thể kiếm tiền", ông nói.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng với những người lần đầu mua nhà, đây là một tài sản rất lớn, vì vậy cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về các khoản vay ngân hàng, bảo hiểm trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao nhà muộn hoặc có vấn đề về chất lượng.

Các điều kiện và điều khoản trong hợp đồng mua bán cũng cần phải được xem xét rất kỹ lưỡng và có thể nhờ luật sư tư vấn nếu không có kinh nghiệm.

"Mua nhà là một khoản đầu tư tốt nếu người trẻ đã chuẩn bị sẵn sàng. Họ nên chuẩn bị sẵn cho mình những phương án dự phòng để kiếm tiền và luôn luôn phải có chiến lược rút vốn an toàn trong trường hợp bất khả kháng", nhà đầu tư này khuyến nghị.

Hà Bùi/Zing
Cùng chuyên mục