Tín dụng tăng thấp, ngân hàng sốt ruột, chuyên gia World Bank "chỉ điểm" giải pháp

25/07/2023 15:28 GMT+7
Chuyên gia cao cấp của World Bank tại Việt Nam cho rằng, nhu cầu yếu nên được giải quyết bằng các chính sách kích thích tổng cầu. Điều này đạt được tốt nhất thông qua các công cụ chính sách tài khóa mở rộng hơn. Việt Nam có dư địa tài khóa để làm được điều này

Tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Tốc độ tăng trưởng này thấp trong bối cảnh chính sách về tín dụng không có gì thay đổi; dư địa tín dụng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) tương đối rộng rãi và thanh khoản hệ thống được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì dồi dào.

Tín dụng tăng thấp, ngân hàng sốt ruột, chuyên gia World Bank "chỉ điểm" giải pháp - Ảnh 1.

Tín dụng tăng thấp, ngân hàng sốt ruột

Chia sẻ tại Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 25/7, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam đánh giá, đứng trước tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp như hiện nay, các TCTD cũng không kém phần sốt ruột bởi họ phải huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền, nên việc không cho vay được thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập.

Hơn nữa, cho tới nay, lợi nhuận ngân hàng vẫn phụ thuộc lớn vào thu nhập lãi thuần đến từ hoạt động huy động vốn và cho vay, nên tín dụng tăng trưởng chậm đồng nghĩa với việc quy mô nguồn thu nhập chính của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng theo. Vì lẽ đó, hơn ai hết, các TCTD đều đang nỗ lực để tăng trưởng tín dụng, đưa vốn tín dụng trở lại thị trường.

Trong bối cảnh đó, theo ông Bình việc giảm lãi suất là động thái thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân và cũng là biện pháp để kích thích cầu tín dụng qua giảm hình thức giảm "giá". Thế nhưng cũng cần phải thừa nhận một thực tế là giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Chìa khóa thứ hai do chính các doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của chính các doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn của người dân.

Ông Bình nêu rõ: Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp và người dân có vay được vốn hay không, và từ đó tín dụng có tăng trưởng được hay không còn do chính các doanh nghiệp và người dân quyết định trên các nguyên tắc thương mại bình đẳng giữa ngân hàng và doanh nghiệp và người dân.

Lãi suất cho vay giảm nhưng cũng cần đi kèm với năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp được cải thiện, đơn hàng của doanh nghiệp gia tăng, cơ hội thị trường, cơ hội kinh doanh, đầu tư xuất hiện nhiều hơn, đa dạng hơn, hay các yếu tố khác ví dụ như nguồn cung của thị trường nhà ở, dịch vụ nhà ở được cải thiện.

Thực tế cho thấy tăng trưởng tín dụng ở mức thấp do cầu tín dụng giảm khi động lực đầu tư, xuất khẩu suy yếu. Tiêu dùng cuối cùng của người dân vẫn tăng nhưng tốc độ tăng đã chậm lại. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đầu tư công tăng mạnh, qua đó phần nào hỗ trợ cho ngành xây dựng và từ đó cũng hỗ trợ cho mức tăng trưởng tín dụng cho ngành xây dựng ở mức 5,39%, cao hơn mức 3,97% vào cùng kỳ tháng 5 năm ngoái. Nhưng theo ông Bình, sự hồi phục của ngành xây dựng còn có thể mạnh mẽ hơn nếu như có sự khởi sắc trở lại của thị trường nhà ở, nhà cho thuê. Cho tới nay, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án) khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.

Nhu cầu yếu nên được giải quyết bằng các chính sách kích thích tổng cầu

Đồng tình, ông Ketut Ariadi Kusuma - chuyên gia cao cấp, Trưởng nhóm Tài chính cạnh tranh và sáng tạo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm như hiện nay là do sức cầu yếu, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái khiến hoạt động thương mại yếu kém, ảnh hưởng xấu đến sản xuất trong nước, qua đó ảnh hưởng xấu đến thu nhập và tiêu dùng.

"Nhu cầu yếu nên được giải quyết bằng các chính sách kích thích tổng cầu. Điều này đạt được tốt nhất thông qua các công cụ chính sách tài khóa mở rộng hơn", ông Ketut Ariadi Kusuma khuyến nghị và cho rằng, Việt Nam có dư địa tài khóa để làm được điều này.

Tín dụng tăng thấp, ngân hàng sốt ruột, chuyên gia World Bank "chỉ điểm" giải pháp - Ảnh 3.

Ông Ketut Ariadi Kusuma - chuyên gia cao cấp, Trưởng nhóm Tài chính cạnh tranh và sáng tạo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam

Chuyên gia cao cấp, Trưởng nhóm Tài chính cạnh tranh và sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết thêm, một số mục tiêu các giải pháp bên phía cung - thông qua chính sách tiền tệ (chẳng hạn như lãi suất thấp hơn) - có thể đạt được. Tuy nhiên, trên thực tế có một vài nguy cơ về giải pháp từ phía cung trong môi trường sức cầu yếu.

Thứ nhất, lãi suất trong nước giảm trong môi trường lãi suất toàn cầu cao đồng nghĩa với chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và các nước sẽ cao hơn. Điều này có thể có nghĩa là áp lực cao hơn đối với tiền tệ (đồng Việt Nam).

Thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cao trong môi trường nhu cầu yếu có thể đồng nghĩa với việc chuyển tín dụng sang các lĩnh vực hoặc hoạt động phi sản xuất. Từ đó, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn và có thể dẫn đến sự bất ổn tài chính.

Ông cho rằng, thay vì tập trung vào tăng trưởng tín dụng, điều quan trọng hơn là tín dụng phải dành cho các lĩnh vực và hoạt động có năng suất cao.

Về trọng tâm ngành, Trưởng nhóm Tài chính cạnh tranh và sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam kiến nghị NHNN xem xét lại hiệu quả của trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên, như doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và nông nghiệp.

"Mặc dù trần lãi suất nhằm mục tiêu giữ cho các khoản vay ở mức hợp lý đối với các lĩnh vực này, nhưng nó có thể phản tác dụng vì người cho vay có thể hạn chế cung cấp các khoản vay cho các lĩnh vực này do rủi ro không được bù đắp", ông Ketut Ariadi Kusuma đề cập.

Đối với những người đi vay nhỏ như trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ và lĩnh vực nông nghiệp - những lĩnh vực mà nhiều ngân hàng coi là quá rủi ro, thì sự hỗ trợ của Chính phủ có thể rất quan trọng, vì có thể cung cấp các đảm bảo bảo vệ các ngân hàng trước những rủi ro đó. Do đó, ông đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét giới thiệu một công cụ chia sẻ rủi ro/giảm thiểu rủi ro hiệu quả và xem xét các biện pháp/cơ sở hiện có với các mục tiêu tương tự.

Hơn nữa, nâng cao chất lượng thông tin và chấm điểm tín dụng của người đi vay sẽ hữu ích cho các ngân hàng trong việc đánh giá rủi ro của người đi vay, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cá nhân.

Cuối cùng, củng cố toàn ngành Ngân hàng và giải quyết các ngân hàng yếu kém và ngân hàng phá sản là rất quan trọng để đảm bảo rằng tất cả các biện pháp trên được chuyển thành tín dụng lành mạnh.


H.Anh
Cùng chuyên mục