Tăng trưởng tín dụng Ngân hàng ACB "bất ngờ" phục hồi mạnh mẽ, nợ xấu có xu hướng giảm
Tăng trưởng tín dụng ACB phục hồi mạnh mẽ trong tháng 6/2023
CTCP Chứng khoán SSI (SSi Research) vừa có Cập nhật cuộc họp phân tích với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (HoSE: ACB). Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của ACB sơ bộ đạt 4,83 nghìn tỷ đồng (-1,7% svck) trong QII/2023, theo đó LNTT nửa đầu năm 2023 đạt 10 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận đặt ra tại ĐHCĐ.
Tăng trưởng lợi nhuận chậm lại là do NIM bị thu hẹp, áp lực dự phòng và thu nhập phí chậm lại.
Trong khi tăng trưởng tín dụng phục hồi trong QII/2023 đạt 4,6% so với đầu năm hay so với mức -0,6% trong QI/2023, tổng tăng trưởng huy động đạt 4,2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 1,07% (so với 0,96% trong QI/2023). Với tỷ lệ LD (79%) và nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (19%) thấp hơn nhiều so với mức trần, SSi Research cho rằng áp lực huy động vốn sẽ không phải là trở ngại lớn để ACB tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng phục hồi mạnh mẽ trong tháng 6/2023, đạt mức 4,6% so với đầu năm lên 429 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 5,2% so với quý trước và là một trong những mức tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong số các ngân hàng SSi Research nghiên cứu trong QII/2023), được dẫn dắt bởi khách hàng doanh nghiệp với mức tăng trưởng 7,6% so với đầu năm trong khi mảng bán lẻ có mức tăng trưởng khiêm tốn hơn là 3% so với đầu năm.
Cho vay mua nhà cũng tăng 3% so với đầu năm lên 81 nghìn tỷ đồng. Với hạn mức tín dụng được cấp hiện tại là 14,5%, ACB có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng tín dụng ở các khách hàng doanh nghiệp bằng cách đưa ra các mức lãi suất cho vay hấp dẫn hơn và cải thiện tỷ lệ CASA (21%) trong nửa cuối năm 2023.
Hơn nữa, SSi Research cho rằng ACB có thể tận dụng lợi thế từ chi phí vốn thấp hơn so với các ngân hàng khác, cũng như các điều khoản mới trong Thông tư 06 về cho vay tái cấp vốn, để giành thêm thị phần.
Chất lượng tài sản ACB trong tầm kiểm soát
Nợ nhóm 2 và nợ xấu lần lượt là 3,8 nghìn tỷ đồng (+4% so với quý trước) và 4,6 nghìn tỷ đồng (+16% so với quý trước). Các công ty sản xuất, vận tải và kho bãi, cũng như các khoản vay mua nhà là nguyên nhân chính làm tăng nợ xấu trong QII/2023.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 1,07% trong QII/2023 (so với 0,96% trong Q1/2023) mặc dù Ngân hàng đã tích cực xóa 400 tỷ đồng nợ xấu trong QII/2023. Tại thời điểm cuối QII/2023, tổng các khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 02 của ACB là 1,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,28% tổng tín dụng), trong khi các khoản vay tái cơ cấu do Covid giảm xuống 5,8 nghìn tỷ đồng (-30% so với đầu năm).
SSi Research cho rằng ACB sẽ thận trọng trong việc tái cơ cấu nợ theo Thông tư 02 với mục tiêu dưới 1% tổng tín dụng. Bên cạnh đó, SSi Research nhận thấy tỷ lệ hình thành nợ xấu có xu hướng giảm trong QII/2023, xuống mức 0,24% (so với 0,34% trong QI/2023).
Với nợ Nhóm 2 tăng trưởng chậm lại, SSi Research cho rằng tỷ lệ hình thành nợ xấu cũng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023, giúp giảm bớt gánh nặng trích lập dự phòng.
NIM thu hẹp trong nửa đầu năm 2023. Một số lý do khiến tỷ lệ NIM chịu áp lực trong nửa đầu năm 2023 như sau:
Khách hàng ưu tiên chọn các sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn trong thời kỳ lãi suất cao (đặc biệt tiền gửi có kỳ hạn trên 6 tháng) hơn là giữ tiền trong tài khoản thanh toán, điều này đã khiến tỷ lệ CASA sụt giảm.
ACB khó giảm lãi suất huy động khi các ngân hàng khác duy trì lãi suất huy động cao trong khi lãi suất cho vay giảm nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.
Theo ngân hàng, NIM giảm xuống còn 4% trong nửa đầu năm 2023 (-10bps svck).
Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh +35% svck trong QII/2023. Trong khi tăng trưởng NFI suy yếu (-19% svck đạt 804 tỷ đồng) do thu nhập từ bancassurance giảm (-28% svck), thì các nguồn lợi nhuận khác như kinh doanh ngoại hối (+126% svck) và thu nhập từ hoạt động chứng khoán lại tăng trưởng mạnh. Thu nhập từ dịch vụ thẻ là tâm điểm của sự chú ý trong QII/2023 khi ghi nhận mức tăng trưởng hơn 68% svck nhờ có thêm 150 nghìn khách hàng mới và khoảng 40 - 50 nghìn thẻ phát hành mới trong tháng 6/2023.