Tín dụng xanh: "Chỉ mình ngân hàng không khác gì vỗ tay bằng một bàn tay"

04/12/2023 15:16 GMT+7
Phó Tổng Giám đốc Agribank cho rằng, để triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững cần sự tham gia đồng bộ của tất cả các ban ngành từ trung ương đến địa phương.

Hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh là biện pháp cần thiết nhất

"Quan trọng hơn cả, để triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững cần sự tham gia đồng bộ của tất cả các ban ngành từ trung ương đến địa phương. Nếu chỉ 1 mình ngành ngân hàng thì không khác gì chúng ta vỗ tay bằng một bàn tay thì không thể thực hiện được chiến lược quan trọng này", bà Bình nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh”, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, khi nói về thị trường tài chính xanh, thường chúng ta mới chỉ nhắc tới bên cung cấp tín dụng và bên sử dụng vốn. Thế nhưng, với thị trường tài chính xanh thì rộng hơn bao gồm: Chính phủ có vai trò quan trọng, ban hành luật lệ và cơ chế khuyến khích; Các doanh nghiệp xanh thực hiện hoạt động sản xuất xanh và người tiêu dùng xanh.

"Đây là điểm mới của kinh tế xanh bởi kinh tế thông thường không quá quan tâm tới người tiêu dùng và hoạt động sản xuất như thế nào", ông Hùng nói.

Với cách tiếp cận như vậy, theo Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB, việc đầu tiên cần làm là xây dựng các tiêu chuẩn với sản xuất xanh, tiếp đó là tài chính xanh. Hiện tại, hoạt động chuyển đổi sản xuất xanh đang dựa nhiều vào sự tự nguyện, ý thức chuyển đổi của doanh nghiệp, tuy nhiên xu hướng là Chính phủ ngày càng ban hành các quy định buộc doanh nghiệp phải áp dụng.

Trong bối cảnh đó, ADB có đưa các khuyến nghị, mà biện pháp cần thiết nhất và đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tương thích với thông lệ, chuẩn mực quốc tế để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch. Việc hoàn thiện khung pháp lý sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tài chính xanh và đồng thời cũng thúc đẩy phát triển thị trường tài chính nói chung, đặc biệt là thị trường vốn.

"Cần hoàn thiện cả khuôn khổ luật lệ cho các ngành kinh tế xanh nói chung, và phát triển thị trường tài chính thông thường để tạo nền tảng cho tài chính xanh. Các khuôn khổ này có thể bao gồm yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện báo cáo bắt buộc tự đánh giá tác động của mình đến các tiêu chí xanh", vị này nêu quan điểm.

Tín dụng xanh: "Chỉ mình ngân hàng không khác gì vỗ tay bằng một bàn tay" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam bày tỏ: HSBC đã là cầu nối dẫn vốn xanh vào thị trường Việt Nam với quy mô lên tới 2 tỷ USD. Trong quá trình HSBC làm việc cùng các tổ chức định chế tài chính, Chính phủ, khách hàng thì HSBC nhận thấy nhu cầu vốn tín dụng xanh rất lớn, vừa là xu hướng vừa là vấn đề sống còn, nhiều doanh nghiệp, nhất là nhóm xuất khẩu đang chuyển đổi để phù hợp với thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo bà Nga, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn xanh thì còn nhiều yếu tố cần cải thiện, nhất là việc đáp ứng các quy chuẩn của thị trường tín dụng quốc tế.

Nếu chỉ một mình hệ thống ngân hàng tham gia thì không khác gì vỗ tay trên một bàn tay trong phát triển tín dụng xanh

Chia sẻ về nhu cầu và khả năng đáp ứng vốn cho doanh nghiệp, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank cũng có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm. Đến 31/10/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt hơn 12.000 tỷ đồng, với gần 42.000 khách hàng còn dư nợ.

Tín dụng xanh: "Chỉ mình ngân hàng không khác gì vỗ tay bằng một bàn tay" - Ảnh 2.

Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank.

Bà Bình thừa nhận, từ năm 2021 khi Việt Nam có tuyên bố tại COP26 có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo chí, thông tin nhiều về chương trình phát triển xanh. Trong quá trình làm việc có truyền thông lớn, nhưng nhận thức của người vay, của nông dân...về tín dụng xanh còn hạn chế, sản xuất mang tính lợi ích trước mắt, bỏ qua các quy chuẩn về hàng hoá, môi trường.

Một số khó khăn khác cũng được bà Bình nêu ra như: Khó khăn về về cơ chế và khuôn khổ pháp lý cho việc tạo nguồn và giải ngân vốn tín dụng xanh, các vấn đề cần hoàn thiện; Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng (nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian thực hiện chưa dài, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào hợp đồng mẫu), khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường;...

Bà Bình cho rằng, cần có biện pháp nhằm thúc đẩy hấp thụ vốn tín dụng xanh nói chung và trái phiếu xanh, chứng chỉ carbon. Ví dụ, với dự án từ trồng rừng đến phát triển điện sạch, trồng bao nhiêu rừng, có bao nhiêu chứng chỉ carbon, sẽ hỗ trợ quá trình phát triển dài hạn. Tiếp theo, các cơ quan liên quan rà soát hành lang pháp lý sớm phân loại tín dụng xanh, ưu tiên lĩnh vực nào trước, lĩnh vực nào sau.

Về phía các tổ chức tín dụng, cần tăng cường chủ động tiếp cận các nguồn vốn xanh thông qua các đầu mối. Thực tế, Agribank đã tiếp cận các nguồn vốn này nhưng mới ban đầu tài trợ tư vấn kỹ thuật còn vay dài hạn chưa thực hiện được.

Đồng thời, các ngân hàng phải đa dạng hóa sản phẩm tín dụng xanh, đa dạng hóa khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đào tạo nâng cao năng lực cho khách hàng, cán bộ ngân hàng về tín dụng xanh, nâng cao năng lực đảm bảo môi trường, xã hội.

"Quan trọng hơn cả, để triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững cần sự tham gia đồng bộ của tất cả các ban ngành từ trung ương đến địa phương. Nếu chỉ 1 mình ngành ngân hàng thì không khác gì chúng ta vỗ tay bằng một bàn tay thì không thể thực hiện được chiến lược quan trọng này", bà Bình nhấn mạnh.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục