TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Cướp ngân hàng ở Đà Nẵng; xử phạt người đàn ông đi xe đạp có nồng độ cồn

A.Đ (T/H) Thứ năm, ngày 20/04/2023 19:00 PM (GMT+7)
Nam thanh niên cướp ngân hàng giữa trưa tại Đà Nẵng; xử phạt người đàn ông đi xe đạp có nồng độ cồn; cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị khởi tố... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Nam thanh niên cướp ngân hàng giữa trưa tại Đà Nẵng

Như Dân Việt đã thông tin: Trưa 20/4, Công an TP.Đà Nẵng cho biết, đang điều tra, làm rõ vụ cướp chi nhánh ngân hàng nằm trên đường Đống Đa (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Nam thanh niên dùng súng cướp ngân hàng giữa trưa tại Đà Nẵng  - Ảnh 1.

Chi nhánh ngân hàng nằm trên đường Đống Đa, Đà Nẵng bị cướp. Ảnh: D.B

Thông tin ban đầu, khoảng 11h cùng ngày, một nam thanh niên cầm súng, roi điện đi vào chi nhánh ngân hàng trên.

Tại đây, đối tượng này uy hiếp nhân viên và yêu cầu đưa tiền. Sau khi lấy được tiền người này bỏ vào bao nylon rồi lên xe máy rời khỏi ngân hàng.

Tất cả hình ảnh được camera ghi lại.

Theo một nhân viên làm việc tại ngân hàng, tại thời điểm bị cướp, ngân hàng có 6 nhân viên bao gồm cả bảo vệ.

Hiện công an đang vào cuộc điều tra, truy bắt nghi phạm.

Xử phạt người đàn ông đi xe đạp có nồng độ cồn

Như Dân Việt đã thông tin: Trưa 20/4, Công an huyện Châu Thành (tỉnh Long An) cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Trai (67 tuổi, ngụ ấp Thanh Hòa, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) vì có nồng độ cồn 0,4 miligram/1 lít khí thở khi đang đi xe đạp trên tuyến giao thông.

Long An: Phạt người đàn ông chạy xe đạp có nồng độ cồn - Ảnh 1.

Đi xe đạp bị CSGT đo có nồng độ cồn, ông Lê Văn Trai (67 tuổi, ngụ xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) bị xử phạt hành chính. Ảnh: Thiên Long

"Đến nay, ông Trai vẫn chưa đến nhận quyết định vi phạm để thực hiện việc nộp phạt theo quy định", Công an huyện thông tin.

Chiều 12/4, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra trên tuyến giao thông, lực lượng CSGT huyện Châu Thành phát hiện ông Trai đang đạp xe trên đường có dấu hiệu đã uống rượu. Khi dừng phương tiện kiểm tra, CSGT xác định ông có nồng độ cồn 0,4 miligram/1 lít khí thở.

CSGT đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ chiếc xe đạp.

Theo mức phạt này, ông Trai phải đóng 750.000 đồng, khi thực hiện xong cơ quan chức năng mới giao trả phương tiện.

Gia đình ông Trai cho biết, chiếc xe đạp ông mua với giá 1.400.000 đồng để đi lại. Mức phạt vi phạm trong biên bản hơn nửa giá trị chiếc xe, nhưng do "chiếc xe còn mới" nên ông Trai sẽ đến nhận quyết định và nộp phạt trong vài ngày tới đây.

Ông Trai là trường hợp đầu tiên đi xe đạp có nồng độ cồn bị xử lý ở Long An.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị khởi tố

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 20/4, thông tin từ Bộ Công an cho biết, mở rộng điều tra sai phạm liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty AIC, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM và các đơn vị liên quan việc thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị cho 12 Phòng thí nghiệm trung tâm công nghệ sinh học gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài khởi tố 2 người đang trốn truy nã là bà Nhàn và ông Trần Mạnh Hà (Phó tổng Giám đốc Công ty AIC), cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam và thi hành lệnh khám xét đối với 7 bị can khác, gồm: Dương Hoa Xô (nguyên giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM), Nguyễn Đăng Quân (giám đốc trung tâm), Nguyễn Viết Thạch (nguyên trưởng ban), Nguyễn Trần Long (nguyên chuyên viên Ban quản lý đầu tư xây dựng TTCNSH), Trần Đăng Tấn (nguyên Trưởng đại diện Văn phòng AIC tại TP.HCM0, Nguyễn Minh (Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM) và Trần Vinh Vũ (nguyên Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý xây dựng Hồng Hà) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật hình sự.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị khởi tố - Ảnh 1.

Các bị can (từ trái qua phải): Nguyễn Thị Thanh Nhàn; Trần Mạnh Hà. Ảnh: Bộ Công an

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị khởi tố - Ảnh 2.

Các bị can (từ trái qua phải): Nguyễn Trần Long; Nguyễn Minh; Trần Vinh Vũ. Ảnh: Bộ Công an

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị khởi tố - Ảnh 3.

Các bị can (từ trái qua phải): Dương Hoa Xô; Nguyễn Đăng Quân; Nguyễn Viết Thạch. Ảnh: Bộ Công an

Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Trần Mạnh Hà do liên quan 2 vụ án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Sở Y tế Quảng Ninh. Họ bỏ trốn nên cơ quan chức năng đã truy nã quốc tế.

Đối với vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên 30 năm tù vì giữ vai trò chủ mưu. Bản án sơ thẩm xác định bà Nhàn chỉ đạo nhân viên móc ngoặc với chủ đầu tư, phân công một số công ty làm "quân xanh, quân đỏ" trong quá trình đấu thầu.

Để trúng thầu, Công ty AIC đã hối lộ cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái mỗi người tổng số tiền 14,5 tỷ đồng. Còn ông Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc Bệnh viện Đồng Nai) nhận 14,8 tỷ đồng. Sai phạm về đấu thầu của bà Nhàn và đồng phạm trong vụ án gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.

Còn trong vụ án xảy ra ở Quảng Ninh, bà Nhàn và anh trai là Nguyễn Anh Dũng (sinh năm 1953, Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Phúc Hưng) cùng nhiều người khác được cho là có liên quan.

Theo điều tra, các bị can thuộc Sở Y tế Quảng Ninh đã thông đồng với đơn vị tư vấn thẩm định giá ban hành chứng thư thẩm định theo giá cao hơn giá thị trường, móc ngoặc với nhà thầu và Công ty AIC và các công ty có quan hệ với AIC để các doanh nghiệp này và Công ty Mopha trúng toàn bộ 6 gói thầu trị giá 232 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước trị giá 73 tỷ đồng.

Tháng 4/2022, C03 đã ra lệnh bắt tạm giam bà Nhàn để điều tra về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Hành vi có dấu hiệu phạm tội xảy ra khi bà Nhàn giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế (AIC).

Lệnh truy nã được Bộ Công an phát đi ngày 10/5/2022, 10 ngày sau khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Nhàn.

Theo quyết định truy nã, bà Nhàn sinh năm 1969 ở Bắc Ninh là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Nơi ở trước khi bị khởi tố của bà Nhàn là căn hộ 1709-1710 chung cư Pacific Place, số 83B phố Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ba cha con cùng là bị cáo trong vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội

Như Dân Việt đã thông tin: Trong 12 bị cáo vụ Bệnh viện Tim Hà Nội, có 3 cha con trong một gia đình là Nguyễn Đức Đảng cùng vợ và bố vợ mình. Họ bị cáo buộc cùng cựu Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn đấu thầu sai quy định, gây thiệt hàng hàng chục tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Đảng, cựu Chủ tịch Công ty Hoàng Nga hầu tòa với cáo buộc cùng cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn "gửi hàng" vào bệnh viện sử dụng. Sau đó, ông Tuấn chỉ định thầu hoặc đấu thầu sai quy định để thanh toán.

Hành vi của Đảng cùng Phạm Huy Lập, cựu Giám đốc Công ty Hoàng Nga (bố vợ Đảng); Phạm Thị Kim Oanh, cựu kế toán Công ty Hoàng Nga (vợ bị cáo Đảng) bị cho đã gây thiệt hại 47 tỷ đồng.

Ba cha con cùng là bị cáo trong vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Đức Đảng hầu tòa cùng vợ và bố vợ mình. 

Viện kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Đức Đảng từ 3 năm 6 tháng – 4 năm tù; ông Lập từ 24 – 30 tháng tù treo, còn Phạm Thị Kim Oanh từ 24 – 30 tháng tù. Trong khi bị cáo Tuấn bị đề nghị phạt từ 4 – 5 năm tù.

Tại tòa, cựu Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn cho hay việc "gửi hàng" rồi chỉ định thầu là sai nhưng bắt buộc. Theo vị này, từ năm 2017, Hà Nội có kế hoạch đấu thầu tập trung thiết bị, vật tư y tế nhưng "cuối năm mới có kết quả".

Ba cha con cùng là bị cáo trong vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội - Ảnh 2.

Cựu Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn, phía sau là bị cáo Đảng.

"Nếu không có vật tư, bệnh viện sẽ phải đóng cửa", ông Tuấn giải thích sai phạm của mình. Cựu Giám đốc cũng xin tòa có đánh giá nhân văn với bị cáo Nguyễn Đức Đảng vì Công ty Hoàng Nga từng cho Bệnh viện Tim Hà Nội vay nhiều vật tư, giúp cứu sống, chữa trị người bệnh.

Phần mình, bị cáo Đảng cho hay Hoàng Nga là công ty gia đình, họ không có chuyên môn về y học. Công ty chủ yếu do Oanh điều hành, quản lý và "dựng" chồng làm Chủ tịch, còn bố đẻ - một kỹ sư về hưu, đứng tên Giám đốc.

Bị cáo Đảng trình bày, bản thân đã nhận thức được sai phạm và xin nhận trách nhiệm vụ án, xin tòa "xem xét xử nhẹ tội cho vợ và bố vợ của mình". Theo ông ta, bố vợ bị cáo chỉ là người làm thuê và đã ngoài 70 tuổi với bệnh tật trong người. Phần vợ chồng mình, Đảng cho hay có 3 con nên mong tòa cho vợ sớm trở về chăm sóc.

Phần trách nhiệm dân sự, bị cáo Đảng cho hay đã cùng gia đình đã cùng vay mượn nhiều nơi để có được hơn 32 tỷ đồng khắc phục được hậu quả vụ án. Ông ta mong được hưởng mức án thấp để có thể tiếp tục hoàn trả nốt số tiền thiệt hại.

Cũng như chồng, bị cáo Phạm Thị Kim Oanh xin nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi tới gia đình cùng toàn thể nhân viên Công ty Hoàng Nga. "Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho vợ chồng bị cáo. Mong một trong hai vợ chồng được hưởng án treo để có cơ hội phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi dạy các con nhỏ", Oanh trình bày với giọng nghẹn ngào.

Đến lượt mình, bị cáo Phạm Huy Lập mong tòa án cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho chính mình cùng con gái, con rể. Ông cũng cảm ơn tới các cơ quan tố tụng vì đã có những xem xét, đánh giá công tâm và nhân văn.

Cụ ông khai, bản thân "không biết tí gì về y học, y thuật hay thiết bị y tế cũng như công việc kinh doanh". Bị cáo Lập nói với vai trò Giám đốc chỉ: "Các con bảo ký tá gì thì tôi ký thôi".

Nói về 3 cha con ở Công ty Hoàng Nga, bị cáo Nghiêm Tuấn Linh, cựu Phó phòng Vật tư Bệnh viện Tim Hà Nội  cho hay doanh nghiệp này đã đồng hành, sát cánh cùng bệnh viện trong việc chữa trị.

"Bất cứ khi nào, bác sĩ cũng có thể yêu cầu cung cấp thiết bị, vật tư để cấp cứu người bệnh", bị cáo Linh nói, thêm rằng có những lần vào đúng ngày Tết, máy móc, thiết bị của bệnh viện bị hỏng, nhân viên Hoàng Nga phải: "Tức tốc phi xe máy cả trăm cây số từ quê lên Hà Nội để sửa chữa".

Ngày mai (21/4), tòa sẽ tuyên án sơ thẩm với 12 bị cáo trong vụ.

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà bị cáo buộc 6 lần nhận hối lộ

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 20/4, TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty CP Quản lý đường sông 3 (Công ty đường sông 3). 

Theo đó, Chủ tọa phiên tòa đã tiến hành xét hỏi các bị can Phạm Văn Phả - Chủ tịch HĐQT Công ty đường sông 3, Đỗ Công Hào - Giám đốc Công ty đường sông 3, Ngô Thị Thu Lư - Phó giám đốc Công ty đường sông 3, Phạm Hồng Hà - cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long kiêm Trưởng Ban quản lý (BQL) vịnh Hạ Long, Bùi Sĩ Giáp - Trưởng Phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan của BQL vịnh Hạ Long, Phạm Thái Dương - cựu nhân viên phòng cảnh quan – Ban quản lý Vịnh Hạ Long, Phạm Văn Chinh - Phó giám đốc Công ty đường sông 3 và Đoàn Duy Khánh -Giám đốc xí nghiệp dịch vụ cơ khí công trình Công ty đường sông 3 liên quan đến các hành vi phạm tội "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ".

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà bị cáo buộc 6 lần nhận hối lộ - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà (đeo khẩu trang trắng) khai báo nhân thân trước tòa. Ảnh: P.V

Theo cáo trạng, kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2021 Công ty đường sông 3 đã ký kết 18 hợp đồng với BQL vịnh Hạ Long, với tổng trị giá gần 70 tỷ đồng, gồm có 6 hợp đồng về công tác quản lý, bảo trì; 8 hợp đồng về công tác đầu tư, xây lắp và 4 hợp đồng về hoạt động cung cấp, vận chuyển nước.

Đối với 4 hợp đồng quản lý, bảo trì bớt xén khối lượng công việc, trước khi mở thầu, ký kết hợp đồng, theo chỉ đạo, thỏa thuận giữa cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà và Phạm Văn Phả giao cho nhân viên của hai đơn vị là Bùi Sĩ Giáp, Phạm Thái Dương phối hợp với Phạm Văn Chinh, Đoàn Duy Khánh đi khảo sát trước tuyến đường thủy nội địa để xác định trước khối lượng, giá trị công việc cần thực hiện và khối lượng, giá trị công việc thực tế không cần thực hiện, thống nhất tỷ lệ % khối lượng công việc bớt xén, không phải thực hiện từ 30% - 40%, gồm 9 hạng mục công việc không kiểm tra, phát hiện được việc bớt xén bằng mắt thường và vẫn đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà bị cáo buộc 6 lần nhận hối lộ - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà cùng các đồng phạm. Ảnh: PV

Quá trình thực hiện hợp đồng, Phạm Văn Phả trực tiếp chỉ đạo Phạm Văn Chinh thực hiện việc bớt xén khối lượng 9 hạng mục công việc tại hiện trường theo tỷ lệ % khối lượng công việc không làm, tính toán trong quá trình đi khảo sát ban đầu. Chinh trực tiếp điều hành việc bớt xén khối lượng công việc, giao xuống cho công nhân xí nghiệp thực hiện và lập khống hồ sơ nghiệm thu toàn bộ giá trị hợp đồng.

Từ tháng 7/2019, khi về làm việc tại Công ty đường sông 3, Đoàn Duy Khánh theo chỉ đạo của Chinh, trực tiếp điều hành, giao cho công nhân xí nghiệp bớt xén khối lượng công việc và cùng Chinh hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu khống.

Phả giao cho Hào theo dõi khối lượng công việc thực hiện thực tế, khối lượng công việc bớt xén so với hợp đồng do Chinh, Khánh báo cáo lại; giao cho Lư phân khai khối lượng công việc thi công khống theo hợp đồng, làm hồ sơ thanh quyết toán khống.

Toàn bộ hồ sơ nghiệm thu, thanh quyết toán Chinh, Khánh, Lư lập khống chuyển cho Dương, Giáp, Hà ký hoàn thiện để chiếm đoạt tiền từ phần khối lượng công việc không làm. Sau khi được Ban Quản lý vịnh Hạ Long chuyển tiền thanh toán, Phả chỉ đạo Lư căn cứ tỷ lệ % thỏa thuận ban đầu tính toán ra số tiền cần trích lại cho từng người.

Bên trong phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UNBD TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà và 27 đồng phạm. Clip: Nhóm PV VPĐB

Căn cứ hồ sơ, tài liệu các đối lượng đã lập hồ sơ nghiệm thu khống, tổng số tiền chiếm đoạt được qua 4 hợp đồng quản lý, bảo trì hơn 4,5 tỷ đồng. Theo thỏa thuận giữa Hà và Phả, để được phía Ban Quản lý vịnh Hạ Long giúp trúng thầu bằng cách sử dụng hồ sơ dự thầu "quân xanh", Hà yêu cầu Công ty đường sông 3 phải trích lại % giá trị hợp đồng cho Hà, Giáp.

Ngoài ra, Phạm Thái Dương – nhân viên BQL vịnh Hạ Long, cùng tham gia nên được Phả thống nhất trích lại 1%. Tổng số tiền Phả và các bị can thuộc Công ty đường sông 3 trích lại cho Phạm Hồng Hà, Bùi Sĩ Giáp và Phạm Thái Dương là 517 triệu đồng (trong đó Phạm Hồng Hà nhận 260 triệu đồng, Bùi Sĩ Giáp nhận 170 triệu đồng, Phạm Thái Dương nhận 87 triệu đồng).

Bên cạnh đó, với tỉ lệ % chia lại, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà bị cáo buộc đã 6 lần nhận hối lộ trực tiếp từ Phạm Văn Phả, với số tiền 725 triệu đồng (trong đó có 260 triệu đồng nhận tiền % trích lại) để giúp Công ty CP Quản lý đường sông 3 trúng các gói thầu về công tác quản lý, bảo trì, xây lắp và bớt xén khối lượng thi công… trên tuyến đường thủy nội địa do Ban quản lý vịnh Hạ Long làm chủ đầu tư. 

Cùng với đó, Bùi Sĩ Giáp bị cáo buộc đã 7 lần nhận tổng số tiền 732 triệu đồng, trong đó có 170 triệu đồng nhận tiền % trích lại. Phạm Thái Dương đã 9 lần nhận tiền tổng số hơn 168 triệu đồng từ lãnh đạo Công ty đường sông 3, trong đó có 87 triệu đồng nhận tiền % trích lại.

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà bị cáo buộc 6 lần nhận hối lộ - Ảnh 4.

Trụ sở TAND tỉnh Quảng Ninh - nơi xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà. Ảnh: PV VPĐB

Cũng theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà thời điểm đó kiêm chức Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long bị Viện KSND tỉnh Quảng Ninh bị cáo buộc chỉ đạo thông thầu, tìm "quân xanh" để thực hiện các chiêu trò để Công ty đường sông 3 trúng thầu.

Theo đó, cơ quan điều tra xác định, khoảng cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, qua nắm bắt thông tin, Phạm Văn Phả biết BQL vịnh Hạ Long chuẩn bị tổ chức đấu thầu một số gói thầu quản lý, bảo trì hoặc đầu tư xây lắp trên tuyến đường thủy nội địa do BQL vịnh Hạ Long quản lý nên đã tìm gặp Bùi Sĩ Giáp - nhờ giới thiệu gặp Phạm Hồng Hà để xin thực hiện.

Khi gặp nhau, Phạm Hồng Hà đồng ý tạo điều kiện để Công ty đường sông 3 trúng thầu với điều kiện phải trích lại % giá trị hợp đồng ký kết.

Sau khi đi khảo sát, Phạm Hồng Hà thống nhất với Phả rằng đối với các gói thầu quản lý, bảo trì bớt xén được khối lượng công việc thì phía công ty phải trích lại 5% giá trị hợp đồng cho Hà, 3%-5% giá trị hợp đồng cho Giáp. Các gói thầu đầu tư, xây lắp không bớt xén được khối lượng công việc, trích lại 3% giá trị hợp đồng cho Hà, 2% giá trị hợp đồng cho Giáp.

Sau đó, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long chỉ đạo Giáp làm đầu mối, trực tiếp phối hợp Công ty đường sông 3 hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục bảo đảm cho công ty này trúng thầu. Giáp chủ trì, chỉ đạo cấp dưới là Phạm Thái Dương, Nhân viên Phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan BQL vịnh Hạ Long trực tiếp làm hồ sơ theo yêu cầu trên của Hà.

Đông đảo người dân theo dõi phiên tòa liên quan đến cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Video: Nhóm PV VPĐB

Trước năm 2020, các gói thầu của Ban Quản lý vịnh Hạ Long có giá trị trên 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi và theo quy định phải có ít nhất 3 nhà thầu tham gia. Do vậy, từ chỉ đạo của cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long kiêm Trưởng BQL vịnh Hạ Long, Giáp hướng dẫn Phả tìm các công ty đối tác nhờ làm đơn vị dự thầu "quân xanh".

Đồng thời Giáp chỉ đạo Dương liên hệ, hướng dẫn phía Công ty đường sông 3 cách thức điều chỉnh nội dung hồ sơ dự thầu "quân xanh" với năng lực kém và giá dự thầu cao hơn so với hồ sơ dự thầu của Công ty đường sông 3 để đảm bảo Công ty đường sông 3 được trúng thầu.

  • Cựu Chủ tịch TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà lúc đầu khai nhận, sau lại không nhận tội

    Cựu Chủ tịch TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà lúc đầu khai nhận, sau lại không nhận tội

Dương còn chuyển toàn bộ nội dung hồ sơ mời thầu của BBQL vịnh Hạ Long trước khi công khai đấu thầu cho Đỗ Công Hào - Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông 3 để Hào điều chỉnh cho phù hợp với năng lực, tiêu chuẩn của Công ty đường sông 3.

Phạm Văn Phả cũng đã trực tiếp liên hệ, nhờ Công ty đường thủy Quảng Ninh và Công ty Mạnh Hưng… làm đơn vị dự thầu "quân xanh", cùng tham gia đấu thầu các gói thầu BQL vịnh Hạ Long làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, Phả giao cho Hào phụ trách chỉ đạo Phạm Văn Chinh và Ngô Thị Thu Lư và Đoàn Duy Khánh cùng hoàn thiện, điều chỉnh nội dung hồ sơ dự thầu của các đơn vị dự thầu "quân xanh". Trong đó, Lư điều chỉnh giá đấu thầu, Chinh, Khánh điều chỉnh năng lực, biện pháp thi công. Hào đã liên hệ gửi toàn bộ nội dung biểu mẫu dự thầu cho các đơn vị "quân xanh" để in ra, đóng dấu hoàn thiện và chuyển lại cho Công ty đường sông 3, đồng thời gửi kèm theo giấy giới thiệu của đơn vị "quân xanh".

"Đến ngày mở thầu, Hào đại diện phía Công ty đường sông 3, Lư và Khánh cầm theo giấy giới thiệu, giả danh đại diện của đơn vị dự thầu "quân xanh" cầm hồ sơ dự thầu lên đấu thầu. Giáp và Dương trong thành phần tham gia tổ xây dựng hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu của Ban Quản lý vịnh Hạ Long tiếp nhận, làm thủ tục cho Công ty đường sông 3 trúng thầu", cáo trạng nêu rõ.

Theo kế hoạch, phiên tòa xét xử sơ thẩm dự kiến kéo dài từ ngày 19 đến 25/4.

Theo cáo trạng, ngoại trừ cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà, 27 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty đường sông 3 đều có tình tiết giảm nhẹ khi hợp tác với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình.

Tuy nhiên, do trong quá trình công tác cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long có nhiều thành tích xuất sắc được Nhà nước và các cấp tặng thưởng Huân chương và nhiều Bằng khen nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Cáo trạng cũng nêu rõ các bị can can Phạm Văn Phả, Đỗ Công Hào, Ngô Thị Thu Lư, Phạm Văn Chinh, Đoàn Duy Khánh, Phạm Thái Dương, Bùi Sĩ Giáp, Phạm Hồng Hà đều nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội nên phải chịu tình tiết tăng nặng "phạm tội hai lần trở lên".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem