Tỉnh Khánh Hòa có 185 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP
Ngày 16/7, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị tổng kết chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh năm 2023 và triển khai kế hoạch thực hiện năm 2024.
Trong năm 2023, toàn tỉnh có 134 sản phẩm của 72 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Qua đánh giá, có 99 sản phẩm của 54 chủ thể (31 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác, 12 hộ kinh doanh) được công nhận và xếp hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó có 1 sản phẩm đạt điểm 5 sao (đang trình Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Trung ương công nhận); 4 sản phẩm đạt 4 sao và 94 sản phẩm đạt 3 sao.
Theo kế hoạch thực hiện chương trình OCOP năm 20224, tổng số sản phẩm định hướng tham gia chương trình năm 2024 của 8 huyện, thị xã, thành phố là 185 sản phẩm của 97 chủ thể (gồm 34 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác, 41 hộ kinh doanh) được phần thành 6 nhóm gồm: nhóm thực phẩm 96 sản phẩm, nhóm đồ uống 43 sản phẩm, nhóm dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu 4 sản phẩm, nhóm thủ công mỹ nghệ 32 sản phẩm, nhóm sinh vật cảnh 1 sản phẩm và nhóm dịch vụ du lịch 9 sản phẩm).
Dịp này, UBND tỉnh trao quyết định phê duyệt kết quả chấm điểm 5 sao OCOP cho 1 sản phẩm; trao giấy chứng nhận cho 4 sản phẩm đạt 4 sao OCOP; biểu dương 94 sản phẩm đạt 3 sao OCOP.
Sở NNPTNT Khánh Hòa đề nghị cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao việc triển khai thực hiện chương trình OCOP theo hướng nâng cao, sâu rộng và đồng bộ trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến như: Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức; tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ đạo thực hiện chương trình.
Đồng thời, đổi mới và đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đẩy mạnh việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm tăng cường kết nối cung cầu; xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch, thúc đẩy hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ tại chỗ thông qua khách du lịch tại các điểm du lịch sinh thái cộng đồng,...