Tội danh nhà báo Hàn Ni và tiến sĩ luật Đặng Anh Quân bị khởi tố, hình phạt được quy định như thế nào?

Chinh Hoàng Thứ bảy, ngày 25/02/2023 16:45 PM (GMT+7)
Nhà báo Hàn Ni, tiến sĩ luật Đặng Anh Quân vừa bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Tội danh này có mức phạt hình thế nào?
Bình luận 0
Nhà báo Hàn Ni, tiến sĩ luật Đặng Anh quân có thể đối diện với mức án nào với tội danh nghiêm trọng? - Ảnh 1.

Công an TP.HCM khám xét nhà riêng của nhà báo Đặng Thị Hàn Ni cùng 2 xe công vụ sáng 25/2. Ảnh: Minh Hòa

Để tìm hiểu sâu hơn về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 mà cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa khởi tố đối với nhà báo Hàn Ni, tiến sĩ luật Đặng Anh Quân, ngày 25/2, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Văn Dũng - Đoàn Luật sư TP.HCM.

Nhà báo Hàn Ni, tiến sĩ luật Đặng Anh quân có thể đối diện với mức án nào với tội danh nghiêm trọng? - Ảnh 2.

Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Ảnh: DV

Theo luật sư Dũng: Nội dung điều luật này quy định, "người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm".

Vẫn theo luật sư Dũng, đối với nhà báo Hàn Ni và tiến sĩ luật Đặng Anh Quân, về mặt khách thể của tội phạm trong trường hợp tội phạm xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ của mình do Hiến pháp quy định.

Xét về mặt khách quan, người phạm tội có hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Các quyền tự do, dân chủ nêu trên là những quyền cơ bản của con người được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ. Đa số công dân đều sử dụng các quyền này để bảo vệ lợi ích của mình nhưng không xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác.

Đối với tội danh này hành vi vi phạm có thể bằng các hình thức cụ thể như livestream trực tiếp, viết và đăng trên các trang mạng xã hội với các thông tin không đúng sự thật hoặc dùng các ngôn từ xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức...

Nhà báo Hàn Ni, tiến sĩ luật Đặng Anh quân có thể đối diện với mức án nào với tội danh nghiêm trọng? - Ảnh 4.

Các bị cáo (áo nâu) liên quan đến vụ Tịnh thất Bồng Lai bị cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Ảnh: Thiên Long

"Điều luật này không quy định cụ thể và định lượng "xâm phạm" như thế nào và ở mức độ nào thì mới cấu thành tội phạm. Vì thế việc đánh giá trong những trường hợp cụ thể đặt trong bối cảnh cụ thể là hết sức cần thiết. Tội phạm được xem là hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi trên và xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", luật sư Dũng nêu.

Cũng liên quan đến tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", thời gian qua một số trường hợp đã từng bị các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, truy tố và phạt tù về tội danh này.

Cụ thể, ngày 14/2/2023, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm bị cáo Đặng Như Quỳnh về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Hội đồng xét xử và bác kháng cáo của bị cáo và tuyên y án sơ thẩm 2 năm tù.

Hồi tháng 3/2022, CQĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với CEO Nguyễn Phương Hằng cũng với tội danh theo điều 331 Bộ luật hình sự. CEO Nguyễn Phương Hằng được xác định đã xúc phạm đến danh dự, uy tín đến nhiều người trong đó có các nghệ sĩ, nhà báo… 

Trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai có 6 nhân vật cũng bị cáo buộc tội danh này trong đó ông Lê Tùng Vân được cho là người cầm đầu lãnh 5 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem