Tổng Giám đốc VPBank: Kế hoạch lợi nhuận "rất thách thức" 23.165 tỷ đồng, hiện diện thương hiệu tại Nhật Bản

29/04/2024 10:47 GMT+7
Sáng ngày 29/04, Ngân hàng TMCP Việt Nam – Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2024.
Tổng Giám đốc VPBank: Kế hoạch lợi nhuận

Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của VPBank.

Thông tin tại đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, cho biết, năm 2023, VPBank đã làm được nhiều việc quan trọng. Ngân hàng thực hiện được thương vụ M&A lớn nhất trên thị trường tài chính khi bán vốn cho SMBC. Điều này đem lại cho VPBank gần 1,5 tỷ USD, củng cố nền tảng vững chắc cho ngân hàng trong giai đoạn phát triển tiếp theo khi nền kinh tế phục hồi.

Ngân hàng củng cố nền tảng tăng trưởng, không ngừng mở rộng hệ sinh thái khách hàng. Trong đó, hệ sinh thái khách hàng mẹ đạt hơn 13 triệu khách hàng, tăng 4 triệu. Một loạt đầu tư của ngân hàng cho công nghệ, quản trị rủi ro được tăng cường.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, những yếu tố khách quan từ sự phục hồi yếu của nền kinh tế, ba cuộc khủng hoảng của thị trường (thanh khoản, trái phiếu và thị trường bất động sản) đã tác động tiêu cực lên kết quả hoạt động ngành ngân hàng nói chung và VPBank nói riêng. Thể hiện qua việc, tăng trưởng tín dụng của các phân khúc chiến lược của VPBank đã không đạt như kỳ vọng, hoạt động kinh doanh của FE Credit gặp nhiều khó khăn, gia tăng áp lực lên chất lượng tài sản cùng với thách thức của thị trường BĐS ảnh hưởng đến chi phí dự phòng; chi phí vốn tăng cao;...

Sang năm 2024, ông Vinh nhận định, thách thức, khó khăn phía trước vẫn còn rất lớn nhưng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 đã có những mảng màu tươi sáng và lạc quan. Với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sự bứt tốc trở lại trong năm 2024, trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế khu vực.

Trong bối cảnh đó, cùng với những nền tảng về vốn, hệ sinh thái cũng như quy mô khách hàng được bồi đắp và củng cố trong năm 2023, Hội đồng quản trị và Ban điều hành trình đại hội cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hợp nhất đạt 25%, tương ứng với dư nợ cấp tín dụng 752.104 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng trên còn phụ thuộc vào hạn mức của Ngân hàng Nhà nước.

“VPBank đang xin cơ quan quản lý chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn. Việc tăng trưởng cao năm nay sẽ tạo tiền đề tăng trưởng mạnh cho VPBank những năm tới”, Tổng Giám đốc VPBank cho hay.

Tổng tài sản VPBank dự kiến tăng 19% lên 974.270 tỷ đồng. Trong đó, tổng tài sản của ngân hàng mẹ đạt 898.350 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng dự kiến tăng thêm 22%, lên 598.864 tỷ đồng. Tiền gửi của ngân hàng mẹ là 572.436 tỷ đồng còn của FE Credit là 26.248 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ theo Thông tư 11 dự kiến được kiểm soát dưới 3%. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của VPBank ở mức 2,95%.

Riêng về lợi nhuận, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, Hội đồng Quản trị và Ban điều hành lên kế hoạch "rất thách thức" với 23.165 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 114% so với kết quả thực hiện của năm trước. Trong đó, lợi nhuận của của ngân hàng mẹ là 20.709 tỷ đồng, lợi nhuận của FE Credit là 1.200 tỷ đồng, của Chứng khoán VPBank (VPBankS) là 1.902 tỷ đồng và của Bảo hiểm OPES là 873 tỷ đồng.

Thông tin thêm về kết quả quý I/2024, ông Vinh cho biết, lợi nhuận hợp nhất của VPBank đạt 4.200 tỷ đồng, tăng gần 66% so với quý liền trước và 64% so với cùng kỳ. Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế của này đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý IV/2023, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ. Tính gộp lợi nhuận ngân hàng mẹ với VPBankS và OPES, VPBank thu về gần 5.200 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2 lần so với quý cuối năm 2023.

"Trong quý I, FE Credit tác động tới lợi nhuận chung (lỗ 800 tỷ đồng), tuy nhiên chúng tôi đã nhìn thấy nhiều dấu hiệu tích cực hơn từ FeCredit kể từ quý II/2024 và sẽ có lãi trở lại trong 2 quý cuối năm, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của VPBank", ông Vinh nói.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, lãnh đạo VPBank cho biết, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của VPBank là 8.353 tỷ đồng. Trong năm 2024, ngân hàng dự kiến sử dụng 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10%.

Năm 2024, VPBank không có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng vẫn sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa là 30 triệu cổ phiếu, với mức giá 10.000 đồng/cp.

Đại hội cũng sẽ xem xét về kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế bền vững theo hình thức riêng lẻ cho một số nhà đầy tư. Giá trị phát hành dự kiến là 400 triệu USD với thời hạn 5 năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm, không kèm chứng quyền.

Việc thực hiện được lên kế hoạch trong năm 2024 hoặc quý I/2025. Toàn bộ số tiền thu về từ phương án này sẽ được dùng để cấp tín dụng cho các phương án, dự án,... đáp ứng tiêu chí xanh và xã hội đủ điều kiện theo Khung trái phiếu Bền vững của ngân hàng.

Hội đồng quản trị VPBank cũng trình tới đại hội đồng cổ đông kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, Theo đó, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của tổ chức tín dụng này không vượt quá 5% quy mô tương ứng của VPBank vào cuối năm 2023 và vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trên không quá 5.000 tỷ đồng.

Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức Ngân hàng TNHH MTV do Ngân hàng VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập. VPBank sẽ mua, bán tài sản/nợ/trái phiếu doanh nghiệp với tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giá trị giao dịch trên 20% vốn điều lệ của Ngân hàng VPBank.

Ngoài ra, VPBank cũng dự kiến sẽ thành lập một chi nhánh, ngân hàng con hoặc văn phòng đại diện tại nước ngoài (Nhật Bản). Theo đề xuất, VPBank cho biết, đề xuất trên dựa trên nhu cầu kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh trên một số mảng kinh doanh mới, nhóm khách hàng tiềm năng mới tại thị trường Nhật Bản, dưới sự hợp tác và hỗ trợ từ đối tác chiến lược nước ngoài SMBC cũng như các kế hoạch mở rộng ra các nước khác khi có cơ hội phù hợp cho ngân hàng

Mô hình pháp lý cụ thể sẽ được VPBank nghiên cứu cân nhắc lựa chọn.

H.Anh
Tags:
Cùng chuyên mục