Tổng Giám đốc VPBank nói về kế hoạch "có lãi" sau 20 năm thua lỗ liên tục của GPBank

Huyền Anh
28/04/2025 16:11 GMT +7
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết: GPBank - ngân hàng mà VPBank nhận chuyển giao bắt buộc đầu năm 2025, có thể lần đầu tiên có lãi ngay trong năm này sau 20 năm liên tục thua lỗ.

Ngày 28/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank.

Báo cáo tại ĐHĐCĐ, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, năm 2025 sẽ là một năm quan trọng khi thế giới vừa trải qua nhiều thách thức, vừa đứng trước cơ hội phục hồi mạnh mẽ.

Cơ hội lớn nhất là kinh tế có dấu hiệu phục hồi, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay ít nhất 8%, tạo cơ hội phục hồi cho tất cả các ngành, trong đó có ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn, đến từ nhu cầu thị trường, khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự phục hồi, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ.

"Hiện ban lãnh đạo ngân hàng vẫn đang chờ kết quả đàm phán để có giải pháp hạn chế tối đa tác động tiêu cực", ông Vinh nói.

Tổng Giám đốc VPBank cũng cho hay, mặc dù nhận định môi trường kinh doanh nhiều thách thức, ban lãnh đạo ngân hàng vẫn kiên định chủ trương thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã được HĐQT thông qua; đồng thời xây dựng những giải pháp cần thiết để ứng phó với diễn biến phức tạp của thị trường.

Theo đó, VPBank xác định 4 điểm ưu tiên trong năm 2025.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 25.270 tỷ đồng, GPBank dự kiến có lãi từ 2025

Trong đó, VPBank tập trung tăng trưởng đồng bộ với việc đẩy mạnh tăng quy mô khách hàng, quy mô tín dụng, huy động và doanh thu trên tất cả mảng kinh doanh chủ đạo. Đồng thời, làm sâu sắc chiến lược phân khúc, bao gồm phân khúc mới Private Banking, với mục tiêu tạo ra tăng trưởng chất lượng và gia tăng giá trị cốt lõi cho khách hàng.

Cũng liên quan đến mục tiêu tăng trưởng, theo ông Vinh, trong bối cảnh dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn còn tiềm năng, ban lãnh đạo VPBank xác định nhóm khách hàng FDI là phân khúc hứa hẹn trở thành động lực tăng trưởng mới.

Theo đó, VPBank sẽ tiếp tục tìm kiếm, khai thác cơ hội trong phân khúc FDI, hướng tới phục vụ 1.000 khách hàng trong năm 2025, với trọng tâm là tăng trưởng huy động và dịch vụ phí tín dụng.

Năm 2024, với sự đồng hành cùng đối tác chiến lược Ngân hàng SMBC, VPBank đã thu hút hơn 500 khách hàng doanh nghiệp FDI từ các tập đoàn đa quốc gia lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Dư nợ của phân khúc này tại thời điểm cuối năm 2024 đạt 3,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2023.

Mục tiêu tổng thể là tăng trưởng quy mô tài sản ngân hàng thêm 23% trong năm 2025 - đây là kế hoạch nền tảng đã được HĐQT thông qua và trình ĐHĐCĐ.

Ban lãnh đạo VPBank đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 25%, huy động vốn tăng hơn 30%. Đây là một kỳ vọng lớn, theo ông Vinh.

Về doanh thu, sau khi đạt mốc 62.000 tỷ đồng năm 2024 - đứng đầu khối ngân hàng cổ phần, HĐQT và ban điều hành VPBank kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng doanh thu hơn 20%. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 là 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với mức thực hiện năm 2024.

Trong đó, lợi nhuận của của ngân hàng mẹ là 22.219 tỷ đồng, lợi nhuận của FE Credit là 1.126 tỷ đồng (tăng 120%), của Chứng khoán VPBank (VPBankS) là 2.003 tỷ đồng (tăng 64%) và của Bảo hiểm OPES là 636 tỷ đồng (tăng 34%).

Riêng đối với GPBank - ngân hàng mà VPBank nhận chuyển giao bắt buộc đầu năm 2025, ông Vinh cho biết, VPBank đang xây dựng kế hoạch để ngân hàng này có thể lần đầu tiên có lãi ngay trong năm 2025, sau 20 năm liên tục thua lỗ.

Theo ông Vinh, ban lãnh đạo cũng chuẩn bị sẵn sàng các chương trình hành động để nắm bắt cơ hội thị trường, nếu thuận lợi, có thể trình HĐQT vào giữa năm để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cao hơn.

Ban lãnh đạo cũng chuẩn bị sẵn sàng các chương trình hành động để nắm bắt cơ hội thị trường, nếu thuận lợi, có thể trình HĐQT vào giữa năm để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cao hơn.

Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh.

Làm rõ thêm về kế hoạch phát triển GPBank tại phần thảo luận, lãnh đạo VPBank cho biết, VPBank nhận chuyển giao GPBank từ tháng 3 và VPBank đã và đang xây dựng các phương án để khôi phục hoạt động của GPBank. VPBank đã nhận được danh sách nhân sự được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y và cử nhân sự VPBank sang hỗ trợ GPBank.

Song song với đó, sắp kết thúc giai đoạn xây dựng chiến lược cho GPBank từ đối tác Mc Kensey.

"Chúng tôi tin tưởng là sẽ tái cơ cấu GPBank thành công", lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh.

Ông cũng tiết lộ thêm, trước khi chuyển giao GPBank lỗ bình quân năm khoảng 1.000 tỷ đồng trở lên. Trong năm nay, dù chỉ còn 8 tháng, nhưng dự kiến thay vì lỗ thì lợi nhuận tối thiểu của GPBank đạt 500 tỷ đồng.

Mở rộng hệ sinh thái đa tầng khác biệt, góp vốn thành lập công ty bảo hiểm 2.000 tỷ

Năm 2025, VPBank xác định mở rộng hệ sinh thái đa tầng khác biệt. Theo đó, VPBank tiếp tục mở rộng hệ sinh thái tài chính ngân hàng kết hợp với sản phẩm, dịch vụ gắn liền với cuộc sống của đại bộ phận tầng lớp dân cư.

Đồng thời, không ngừng cải thiện mô hình quận trị tập đoàn, với sự hợp tác của tất cả thành viên trong hệ sinh thái; thay đổi tư duy để tạo ra giá trị toàn diện cho khách hàng.

Tập trung tái cơ cấu GPBank thông qua xây dựng mô hình kinh doanh, hạ tầng nền tảng, phân bổ nguồn lực để GPBank dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, hệ sinh thái của VPBank đã mở rộng thêm các mảng hoạt động đa dạng và toàn diện dưới mô hình các công ty con như Công ty chứng khoán VPBank, công ty bảo hiểm OPES và gần đây là ngân hàng GPBank thông qua phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, nhận thức được tầm quan trọng của việc khai thác tối đa tiềm năng của hệ sinh thái trong chiến lược phát triển bền vững. VPBank đã và đang triển khai mô hình quản trị tập đoàn, thức đẩy sự hợp lực sâu rộng giữa các thành viên, đổi mới tư duy để tạo ra giá trị khác biệt cho khách hàng trong từng điểm chạm.

Tại đại hội, HĐQT VPBank trình cổ đông về phương án góp vốn để thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Công ty con này sẽ có vốn điều lệ dự kiến là 2.000 tỷ đồng, với mức cụ thể sẽ do hội đồng quản trị ngân hàng quyết định dựa trên thỏa thuận.

Tỷ lệ tham gia của VPBank và các bên liên quan tối đa trong phạm vi pháp luật cho phép (100%). Tỷ lệ tham gia cụ thể của VPBank sẽ tùy thuộc vào việc thỏa thuận với các bên liên quan và/hoặc đối tác hợp tác và các quy định có liên quan trên cơ sở phù hợp các quy định pháp luật và công ty bảo hiểm mới được thành lập trở thành công ty con của ngân hàng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến trình đại hội thông qua phương án góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp/mua cổ phần để một công ty quản lý quỹ trở thành công ty con của VPBank.

Đại hội VPBank cũng sẽ xem xét thông qua phương án chia cổ tức 5% bằng tiền mặt từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến 31/12/2024, ước mức chi 3.967 tỷ đồng. Thời điểm dự kiến chia trong quý II hoặc quý III/2025, thời điểm cụ thể do HĐQT VPBank quyết định.

Cũng theo ông Vinh, năm 2025 Ngân hàng đặt trọng tâm vào tăng trưởng CASA (tiền gửi không kỳ hạn). Từ đầu năm đến hết tháng 4, CASA của ngân hàng đã tăng 25%, và kỳ vọng cả năm sẽ tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng, hướng tới mức tăng trưởng CASA hơn 70% so với năm trước.

Năm 2025, với áp lực lãi suất cả huy động và cho vay, cộng với yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng cũng xây dựng các phương án bảo vệ hệ số NIM (biên lãi ròng) - vốn đã tăng từ 4,4% lên 4,9% trong năm vừa qua - và sẽ nỗ lực duy trì mức ổn định.