Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình lên kế hoạch gặp trực tuyến

07/10/2021 13:10 GMT+7
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang lên kế hoạch cho một buổi làm việc trực tuyến từ nay đến cuối năm, nguồn tin của CNBC cho hay.

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ tiết lộ với tờ CNBC hôm 6/10 rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một buổi làm việc song phương từ nay đến cuối năm. Đây được xem là một phần trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu hành tinh.

Các nguồn tin thạo tin cho biết cuộc gặp sẽ diễn ra thông qua hình thức trực tuyến do Chủ tịch Tập Cận Bình  không có kế hoạch trực tiếp tham dự bất kỳ sự kiện đa phương nào sắp tới, bao gồm G20, COP26 và APEC. Thông tin chi tiết sẽ được công bố trong những ngày tới.

Thông tin về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh được tiết lộ sau cuộc họp kéo dài 6 tiếng tại Zurich, Thụy Sĩ giữa cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan và người đồng cấp Trung Quốc Yang Jiechi.

Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình lên kế hoạch gặp trực tuyến - Ảnh 1.

Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình lên kế hoạch gặp trực tuyến (Ảnh: Getty Images)

Đầu tuần này, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc không tuân thủ cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đồng thời tuyên bố sẽ hành động để bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ. 

Trước đó, hôm 24/8, bà Tai cũng tiết lộ các cơ quan quản lý Mỹ phối hợp cùng Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ USTR đang tiến hành đánh giá toàn diện chính sách thương mại Mỹ - Trung. Thông tin được tiết lộ sau cuộc họp của USTR với hai hiệp hội kinh doanh bao gồm Hội đồng cố vấn thương mại Mỹ Trung và Hội đồng kinh doanh Mỹ Trung.

Cũng trong tuyên bố trước giới truyền thông, bà Katherine Tai thừa nhận tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung và cho biết Mỹ vẫn cam kết “giải quyết các chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc cũng như các hành vi đi ngược lại thị trường, làm suy yếu doanh nghiệp và gây thiệt hại cho người lao động Mỹ”.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã leo thang dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Trong khi theo đuổi chiến lược America First (nước Mỹ trên hết), ông Trump đã áp thuế trừng phạt lên tới 25% với hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại - thuế quan dai dẳng giữa hai quốc gia. Xung đột sau đó lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác bao gồm công nghệ và tài chính.

Gần 18 tháng sau khi chính quyền Trump ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Bắc Kinh, căng thẳng Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt. Tân Tổng thống Joe Biden trong những tháng qua liên tục đưa thêm các thực thể Trung Quốc vào danh sách đen và tăng cường hàng loạt động thái thể hiện cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu thu hẹp, hầu hết các mức thuế quan trừng phạt dưới thời Trump vẫn tiếp tục được áp dụng và gần như không có thêm bất kỳ cuộc đàm phán song phương nào về các vấn đề kinh tế khác. Đó là chưa kể tới căng thẳng địa chính trị leo thang liên quan đến hàng loạt vấn đề khác từ nguồn gốc đại dịch Covid-19, cáo buộc tấn công mạng…

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa hạ nhiệt, thương mại song phương Mỹ - Trung là lĩnh vực hiếm hoi tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong 7 tháng đầu năm đã tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi nhập khẩu cũng tăng 50,4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Wind Information.

Hôm 5/8, hơn 30 tổ chức doanh nghiệp bao gồm Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội chip bán dẫn, đại diện các nhà bán lẻ, trang trại và nhà sản xuất đã cùng chung tiếng nói yêu cầu chính quyền ông Biden dỡ bỏ thuế quan áp lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc và khởi động lại tiến trình đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Thông điệp nêu rõ: “Một chương trình nghị sự thương mại lấy người lao động làm trọng tâm thì chính phủ cần tính đến các thiệt hại mà thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc gây ra cho chính người lao động Mỹ. Cần loại bỏ các mức thuế quan gây tổn hại đến lợi ích của người Mỹ như vậy”.


NTTD
Cùng chuyên mục