Ông Biden nói gì với ông Tập trong cuộc điện đàm thứ hai kể từ khi nhậm chức?

10/09/2021 11:25 GMT+7
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 9/9 trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi ông Biden tiến vào Nhà Trắng hồi tháng 1 năm nay. Cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa hai nhà lãnh đạo được thực hiện vào thời điểm căng thẳng song phương tiếp tục leo thang vì hàng loạt vấn đề, từ các cáo buộc về nguồn gốc đại dịch Covid-19 và cách Bắc Kinh xử lý đại dịch cũng như hành vi thương mại không lành mạnh…

Tuy nhiên, mục tiêu của ông Biden trong cuộc điện đàm này không tập trung vào bất kỳ vấn đề cụ thể nào trong đó. Thay vào đó, nhà lãnh đạo hàng đầu nước Mỹ hướng mục đích thảo luận đến tương lai quan hệ Mỹ - Trung trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ sau khi căng thẳng song phương tiếp tục leo thang từ đầu năm đến nay.

Một tuyên bố của Nhà Trắng cho hay "hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc thảo luận chiến lược trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả các lĩnh vực mà hai nước chia sẻ lợi ích chung và các lĩnh vực hai bên đang bất đồng về lợi ích, giá trị, quan điểm”.

Trong khi đó, phía truyền thông Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đã có cuộc trao đổi “thẳng thắn, sâu sắc và chiến lược”.

Ông Biden nói gì với ông Tập trong cuộc điện đàm thứ hai kể từ khi nhậm chức? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi căng thẳng Mỹ - Trung không hạ nhiệt (Ảnh: Reuters)

Phía Nhà Trắng cũng bày tỏ kỳ vọng Washington và Bắc Kinh có thể hợp tác trong các mối quan tâm chung như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bất chấp căng thẳng song phương. Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo đặc phái viên khí hậu John Kerry của Mỹ rằng việc quan hệ Mỹ Trung xấu đi có thể làm suy yếu hợp tác song phương trong vấn đề chống lại biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, đáp lại ông Biden, phía Bắc Kinh nhấn mạnh chỉ có thể tiếp tục hợp tác sâu rộng với Washington chừng nào Tổng thống Mỹ giảm bớt những lời chỉ trích và động thái can thiệp vào “các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Một nguồn tin của AP cho hay cũng trong cuộc điện đàm, Tổng thống Biden đã tuyên bố không có ý định từ bỏ chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề như thương mại, nhân quyền cũng như các lĩnh vực mà phía Mỹ cho rằng Trung Quốc đang đi ngược lại các chuẩn mực quốc tế.

Sau khi ông Biden vượt qua người tiền nhiệm Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 năm ngoái và chính thức tiến vào Nhà Trắng, một khảo sát thường niên do Phòng Thương mại Trung Quốc tại New York (CGCC) công bố cho thấy 39% công ty Trung Quốc hoạt động ở Mỹ kỳ vọng mối quan hệ Mỹ Trung sẽ khởi sắc. Chỉ có 25% công ty được khảo sát cho rằng căng thẳng địa chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục leo thang, tức giảm 5% so với cuộc khảo sát thực hiện một năm trước đó. Khảo sát được thực hiện trên 183 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Mỹ.

Abby Li, giám đốc nghiên cứu của CGCC nhận định: “Sau khi Tổng thống Biden nhậm chức, thị trường chắc chắn đã lạc quan về chiến lược Trung Quốc dễ đoán hơn từ chính quyền hiện tại”.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng đó, trong những tháng qua, chính quyền Tân Tổng thống Joe Biden đã ban hành một số lệnh hành pháp trong nỗ lực chống lại Trung Quốc.

Tiếp nối danh sách đen của chính quyền Trump, chính quyền ông Biden cũng đưa thêm hàng chục thực thể Trung Quốc khác vào danh sách này kèm theo hạn chế thương mại. Một lệnh hành pháp khác được ban hành vào tháng trước bởi Washington cũng cấm các nhà đầu tư Mỹ đổ tiền vào 59 công ty công nghệ giám sát và quốc phòng Trung Quốc.

Ngoài nỗ lực của Nhà Trắng, Quốc hội Mỹ cũng tăng cường xem xét các dự luật nhằm tăng khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Hôm 8/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tên “Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ”, gọi tắt là USICA trị giá 250 tỷ USD với tỷ lệ đồng thuận mạnh mẽ 68-32. Đạo luật này bao gồm khoản tài trợ 190 tỷ USD cho các điều khoản nhằm tăng cường khả năng nghiên cứu và đổi mới công nghệ của Mỹ. 54 tỷ USD khác được dùng để tăng cường nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn cũng như thiết bị viễn thông. Ngoài ra, Hạ viện Mỹ cũng thảo luận về đạo luật Eagle nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc.

Brad Gastwirth, giám đốc chiến lược công nghệ tại Wedbush Securities, trụ sở Los Angeles cho rằng: “Tôi nghĩ chính quyền Biden đã gây sốc cho rất nhiều người, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài, bởi ít người dự báo chính sách cứng rắn của Biden với Trung Quốc như hiện tại”.


NTTD
Cùng chuyên mục