Tổng thống Putin phản ứng trước những cáo buộc về nạn đói toàn cầu

Lê Phương (RT) Thứ bảy, ngày 25/06/2022 15:54 PM (GMT+7)
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow không cản trở hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trong bối cảnh Berlin cáo buộc Điện Kremlin "vũ khí hóa" nạn đói.
Bình luận 0
Tổng thống Putin phản ứng trước những cáo buộc về nạn đói toàn cầu - Ảnh 1.

Thế giới đang gặp khủng hoảng lương thực do xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine bị đình trệ. Ảnh: Getty

Các quốc gia phương Tây đang cố tình khuấy động căng thẳng liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm 24/6 trong hội nghị trực tuyến BRICS. Ông đã trả lời các bình luận của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, người trước đó cáo buộc Moscow bắt cả thế giới làm "con tin" bằng cách chặn các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine.

Ông Putin nói rằng Nga không cản trở xuất khẩu và chỉ trích phương Tây vì "thái độ hoài nghi" đối với nguồn cung cấp lương thực của các quốc gia đang phát triển, vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giá cả tăng vọt. Theo ông, lạm phát gia tăng ở phương Tây là "kết quả của những chính sách kinh tế vĩ mô thiếu trách nhiệm từ chính các nước này".

Ông Putin nói Moscow sẵn sàng cho các tàu chở ngũ cốc đi tự do đến các vùng biển quốc tế, đồng thời lưu ý thêm rằng Nga đã đạt được "sự thấu hiểu" về vấn đề này với Ban Thư ký Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga gợi ý rằng quân đội Ukraine nên rà phá bom mìn tại các cảng của nước này để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, nhấn mạnh "cách tiếp cận mang tính xây dựng từ phía Kiev" là điều duy nhất còn thiếu.

Trước đó, cả Nga và Ukraine thường xuyên đổ trách nhiệm cho nhau trong việc rải mìn dẫn đến hậu quả việc di chuyển tàu thuyền bị gián đoạn và hoạt động xuất khẩu ngũ cốc bị đình trệ.

Theo Tổng thống Putin, bản thân Nga có thể xuất khẩu từ 37 đến 50 tấn ngũ cốc trong năm nay.

Hôm 24/6, tại một hội nghị ở Berlin, bà Baerbock đã đổ lỗi cho Moscow về cuộc khủng hoảng lương thực. Bộ trưởng nói rằng Nga đang "cố tình" sử dụng nạn đói toàn cầu làm "vũ khí", đồng thời tuyên bố rằng Moscow đã bắt "cả thế giới làm con tin".

Bộ trưởng Đức cũng lưu ý khoảng 345 triệu người hiện đang bị đe dọa bởi tình trạng thiếu lương thực. Cuộc khủng hoảng là kết quả của một số yếu tố như hạn hán và các cuộc xung đột khu vực khác nhau, cũng như bụi phóng xạ từ đại dịch Covid-19, bà Baerbock thừa nhận. Tuy nhiên, bà khẳng định rằng chính Nga đã "tạo ra một cơn sóng thần từ làn sóng này".

Những lời nói của bà đã gây ra phản ứng giận dữ từ Moscow. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trên Telegram rằng "sử dụng nạn đói như một vũ khí" là "truyền thống lịch sử của Đức", ám chỉ hành động của Đức Quốc xã trước đây. Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng nhắc lại việc Đức Quốc xã phong tỏa thành phố Leningrad (St.Petersburg) trong Thế chiến II, kéo dài 900 ngày, gây ra nạn đói lớn trong thành phố và cướp đi sinh mạng của gần 700.000 người.

Bà Zakharova nói thêm rằng Đức vẫn tiếp tục tích cực nhập khẩu lương thực sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, bất chấp lo ngại về những hậu quả tiềm tàng đối với an ninh lương thực toàn cầu. Riêng tháng 3/2022, Đức đã nhập khẩu số lương thực trị giá 3,4 tỷ euro (3,59 tỷ USD), bà nói, trích dẫn dữ liệu do trang web Trading Economics cung cấp.

Liên minh châu Âu (EU) nhiều lần bày tỏ lo ngại về viễn cảnh một cuộc khủng hoảng lương thực có thể nổ ra nếu ngũ cốc của Ukraine không được xuất khẩu. Ukraine, một nhà sản xuất ngũ cốc lớn, đã không thể xuất khẩu ngũ cốc của mình bằng đường biển do xung đột đang diễn ra trong nước, ước tính khoảng 22 đến 25 triệu tấn ngũ cốc hiện đang bị mắc kẹt tại các cảng của đất nước.

Các quốc gia phương Tây đổ lỗi cho Nga vì đã phong tỏa các cảng. Trong khi đó, Moscow nhiều lần tuyên bố sẽ đảm bảo các chuyến hàng ngũ cốc qua lại an toàn nếu Kiev dọn sạch mìn ở các cảng của mình. Điện Kremlin cũng đề xuất xuất khẩu ngũ cốc thông qua các cảng Berdyansk và Mariupol do Nga kiểm soát.

Trong khi đó, Đức đề nghị thiết lập một hành lang thử nghiệm xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bằng đường sắt qua Ba Lan. "Đức có kế hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho dự án này, đặc biệt là với sự giúp đỡ của hệ thống đường sắt Đức", đại sứ Berlin tại Ukraine, Anka Feldhusen, cho biết hôm 20/6.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem