TPBank hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II sớm trước thời hạn
Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) đã tổ chức buổi tọa đàm về việc triển khai đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP) - một trong ba trụ cột của Basel II, đồng thời công bố hoàn thành triển khai 3 trụ cột của Basel II theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Sự kiện có sự tham dự của các lãnh đạo và chuyên gia của Cơ quan TTGS, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo và đại diện công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG cùng với đại diện Hội đồng Quản trị và Ban Chỉ đạo dự án Basel II của TPBank.
Trước đó, vào tháng 4/2019, TPBank được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trao quyết định áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, trụ cột đầu tiên của Basel II, trở thành một trong 5 ngân hàng triển khai Thông tư này nhanh nhất toàn hệ thống.
Từ đó, sau chưa đầy 1 năm, TPBank lại tiếp tục công bố hoàn thành ICAAP đáp ứng các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN (Thông tư 13) và như vậy, ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II sớm hơn dự kiến.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho biết: "Chúng tôi đã nghiêm túc thực hiện triển khai theo quy định tại Thông tư 13 thể hiện ở việc không chỉ các chính sách mà còn bộ máy cơ cấu tổ chức trong nội bộ ngân hàng đều được TPBank điều chỉnh lại cho phù hợp với đúng quy định của pháp luật. Điều này đã hỗ trợ TPBank trong việc triển khai tốt hơn các hoạt động của ngân hàng đồng thời giúp chúng tôi yên tâm hơn khi phát triển ngân hàng theo hướng hiện đại và an toàn."
Tại sự kiện, ông Phạm Đỗ Nhật Vinh - Giám đốc dịch vụ tư vấn rủi ro tài chính của KPMG đánh giá: "Chúng tôi đánh giá rất cao việc TPBank coi việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Thông tư 13 về yêu cầu vốn nội bộ là nhiệm vụ trọng tâm trong mục tiêu quản trị tiên tiến ngân hàng.
Trong quá trình triển khai ICAAP, họ rất chú trọng đến xây dựng các kịch bản kiểm tra sức chịu đựng và tính toán nhu cầu vốn đáp ứng, để đảm bảo rằng ngân hàng của họ vẫn hoạt động an toàn trong những tình huống thử tải khắt khe nhất. Khi tính toán tác động định lượng, TPBank đã làm tốt cả khâu lọc và khai thác dữ liệu, song song với lựa chọn phương pháp luận, triển khai tính toán đồng thời chuẩn bị nguồn lực nội bộ nhằm kiểm định chéo các yếu tố dữ liệu và mô hình tính toán".
Ông Vinh bổ sung: "Tôi cũng khá ấn tượng khi TPBank còn đồng thời chuẩn bị triển khai IFRS 9, cho thấy ngân hàng rất tự tin và lạc quan trong kế hoạch vốn của mình. Tuy nhiên tôi đánh giá đây là bước đi thông minh của TPBank, khi tận dụng một cách tối ưu nguồn lực làm Basel II để làm IFRS9".
Được biết, ICAAP là quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn giúp các ngân hàng có thể tự đánh giá mức độ đủ vốn ngay cả trong tình huống căng thẳng, bao gồm các cấu phần về Đánh giá các rủi ro trọng yếu, Khẩu vị rủi ro, Kiểm tra sức chịu đựng, Lập kế hoạch vốn, Giám sát mức độ đủ vốn, Rà soát quy trình và Báo cáo nội bộ và đáp ứng các yêu cầu của NHNN theo các quy định tại Thông tư 13.
Tới thời điểm hiện tại, mới có 2 ngân hàng trong toàn hệ thống công bố hoàn thành triển khai thực hiện ICAAP. Với việc hoàn thành triển khai ICAAP, các ngân hàng sẽ đạt được nhiều giá trị lợi ích nhất định như tạo lập mối quan hệ gắn kết giữa rủi ro và lợi nhuận, nâng cao khả năng dự báo và lập kế hoạch của ngân hàng cũng như hiệu quả giám sát cấp cao trong nội bộ, đồng thời tạo nền tảng để tiếp tục nâng cấp khi thực hiện các phương pháp đo lường theo các chuẩn tiên tiến, khẳng định được sự lành mạnh về tài chính của mình.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt trên 3.868 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng, tương đương 71,3% so với năm trước và đạt 121,75% kế hoạch.
Tổng tài sản đạt gần 165 nghìn tỷ đồng. Tổng huy động vốn đạt trên 147 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018.
Với định hướng tập trung vào ngân hàng bán lẻ, tín dụng của TPBank trong năm tăng trưởng ổn định với dư nợ đạt gần 102 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng trên 20%. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, dưới 1,3%.
Trong năm 2019, TPBank đã trích đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định, ngoài ra còn trích bổ sung dự phòng đủ để tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC với tổng số tiền trên 700 tỷ đồng.