TP.HCM gặp khó trong giải ngân đầu tư công

Quốc Hải Thứ năm, ngày 11/06/2020 17:23 PM (GMT+7)
Khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong việc giải ngân các dự án ODA vay lại và trong việc thẩm định, phê duyệt dự án, là những nguyên nhân khiến tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công trong 5 tháng đầu năm 2020 của TP.HCM chỉ đạt 20,3% vốn đã giao…
Bình luận 0

Cụ thể, tính đến ngày 26/5, TP đã giải ngân hơn 8.480,2 tỷ đồng, chỉ đạt 20,3% kế hoạch vốn đã giao là 41.691,8 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ, giá trị vốn giải ngân đầu tư công 5 tháng đầu năm nay cao hơn về giá trị lẫn tỷ lệ giải ngân (cùng kỳ giải ngân 4.263,5 tỷ đồng, đạt 12,9% kế hoạch).

TP.HCM gặp khó trong giải ngân đầu tư công - Ảnh 1.

Tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) đang gặp khó về việc giải ngân và hoàn trả tạm ứng (Ảnh: IT)

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP, so với yêu cầu của Chính phủ và bối cảnh hiện nay thì kết quả giải ngân này vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa trở thành nhân tố then chốt để vực dậy kinh tế TP trong điều kiện bình thường mới.

"Vướng"… ở hai tuyến  metro

Cụ thể, với tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên), kế hoạch vốn ODA vay lại được giao là 9.946,1 tỷ đồng (chiếm gần 30% tổng kế hoạch vốn của TP). Nhưng khối lượng thực hiện đến nay chỉ đạt 430 tỷ đồng và khối lượng đã giải ngân, nhưng chưa hoàn trả tạm ứng là 4.149 tỷ đồng. Nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và hoàn trả tạm ứng được xác định là do: việc nhập cảnh và cấp phép lao động cho chuyên gia nước ngoài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; dự án chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định số cấp phát cụ thể; chờ Bộ Tài chính xem xét hợp đồng vay lại của dự án.

Trong khi đó, với tuyến metro số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương), khó khăn chủ yếu ở dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư phục vụ dự án trên địa bàn 6 quận (Quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú), được bố trí kế hoạch vốn là 2.385 tỷ đồng, chiếm khoảng 57% tổng kế hoạch vốn của các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng của TP.

Để tháo gỡ khó khăn này, TP đã ban hành quyết định số 1489/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để kịp thời tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác khiến kế hoạch giải ngân đầu tư công gặp khó là việc thẩm định, phê duyệt dự án. Theo đó, một số dự án hiện nay chưa thể phê duyệt dự án, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật do chưa có bộ đơn giá xây dựng và Nghị định số 68/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ, về quản lý chi phí đầu tư xây dựng còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Giao trách nhiệm cho từng sở, ngành

Mới đây, tại cuộc họp về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công 5 tháng đầu năm, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chủ trì và giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành và lãnh đạo cụ thể. Theo đó, ông Phong đã phân công Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan làm việc với UBND các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú giải quyết dứt điểm công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng phân công Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến làm việc với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT để giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc liên quan đến hoàn trả tạm ứng, các vướng mắc khác của tuyến đường sắt đô thị TP.

Làm việc với Kho bạc Nhà nước và Ban Quản lý dự án việc giải quyết dứt điểm hoàn trả tạm ứng và quyết toán các dự án: Hoàn trả tạm ứng 4.000 tỷ đồng tuyến metro số 1, hai bệnh viện tuyến cuối hoàn trả tạm ứng 2.100 tỷ đồng, cải tạo môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 2 hoàn trả tạm ứng 300 tỷ đồng…

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng phân công Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến định kỳ 2 tuần/lần tổ chức giao ban tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công.

Với các sở, ban, ngành, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giao Sở KH&ĐT định kỳ 2 tuần/lần tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị liên quan đến giải ngân kế hoạch đầu tư công, báo cáo UBND TP. Trong đó, phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; phân nhóm các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng...

Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện rà soát các quy định pháp luật liên quan đến xây dựng, các thủ tục về thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, thẩm tra, cấp giấy phép...

Riêng với Kho bạc Nhà nước TP, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn bốn ngày làm việc.

"Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện… Trường hợp tỷ lệ giải ngân tính đến hết năm kế hoạch 2020 đạt dưới 90% thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ và không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan", lãnh đạo UBND TP, nhấn mạnh.

Chỉ tiêu cụ thể về kết quả giải ngân đầu tư công tại TP.HCM

Đến ngày 30/6 giải ngân vốn đầu tư công phải đạt từ 50%; đến ngày 31/7 phải giải ngân đạt từ 60-70% và đến ngày 15/10 phải đạt từ 80%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem