TP.HCM: Huyện Bình Chánh giải thích chuyện gặp khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng

Quang Phương Thứ bảy, ngày 05/09/2020 08:43 AM (GMT+7)
Sau khi có thông báo kết quả thanh tra toàn diện của Thanh tra TP.HCM, ngày 1/9, UBND huyện Bình Chánh cho biết việc áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị còn vướng mắc, lực lượng nhân sự mỏng, nên thời gian qua xảy ra nhiều vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Tài - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết huyện có diện tích tự nhiên là 22.255,29ha, gồm 15 xã và một thị trấn với 101 ấp, 5 khu phố, 1.778 tổ nhân dân, 65 tổ dân phố. Diễn biến tăng dân số và quá trình đô thị hóa nhanh (bình quân tăng khoảng 30.000 người/năm).

Số vụ vi phạm đất đai, trật tự xây dựng từng năm được kéo giảm so với năm trước và số vụ vi phạm của 4 năm (2016-2020) là 1.491 vụ, giảm 3.306 vụ (giảm trên 70% so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2015, giảm 3.306/4.797 vụ). Tuy nhiên, tình hình vi phạm vẫn còn diễn biến phức tạp.

TP.HCM: huyện Bình Chánh giải thích chuyện gặp khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng  - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đi thị sát tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc An, Bình Chánh vào tháng 5 năm nay. Ảnh: Quang Phương

Ông Tài cho hay Nghị định số 139/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị, không quy định xử phạt hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ (không phép, sai phép) ở khu vực nông thôn. Do đó, việc áp dụng xử lý hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn sai phép, không phép gặp nhiều bất cập, khó khăn. UBND huyện Bình Chánh kiến nghị Sở Xây dựng TP.HCM tiếp tục tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM, Bộ Xây dựng về vướng mắc liên quan đến nghị định nói trên đối với việc xử lý vi phạm xây dựng không phép, sai phép trên đất ở nông thôn.

Theo UBND huyện Bình Chánh, số lượng công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường đối với xã, thị trấn là 47 người/16 xã, thị trấn (có 4 xã bố trí 2 người; 9 xã bố trí 3 người; 3 xã, thị trấn bố trí 4 người), có nhiệm vụ kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm đất đai và xây dựng không phép. Lực lượng thanh tra xây dựng địa bàn có 69 người/16 xã, thị trấn. Lực lượng của Đội quản lý trật tự đô thị hiện có 81/16 xã, thị trấn.

TP.HCM: huyện Bình Chánh giải thích chuyện gặp khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng  - Ảnh 2.

Một căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Ảnh: Quang Phương

UBND huyện Bình Chánh cho biết do lực lượng nhân sự mỏng, địa bàn rộng nên "ôm" không hết việc. Cụ thể, tại xã Vĩnh Lộc A có 3 công chức địa chính, bình quân một người phải phục vụ giải quyết nhu cầu địa chính - xây dựng cho hơn 40.000 người dân và quản lý hơn 600ha đất.

Được biết, vừa qua, ngày 28/8, Thanh tra TP.HCM đã có thông báo kết luận thanh tra toàn diện trong lĩnh vực quản lý đất đai và trật tự xây dựng giai đoạn từ 2016 đến tháng 3/2020 trên địa bàn huyện Bình Chánh. Kết quả, Thanh tra TP.HCM đã "điểm mặt" hàng loạt vụ sai phạm điển hình về quản lý đất đai tại huyện này.

Điển hình như tại xã Bình Hưng, khu đất thuộc thửa số 1 tờ số 4 (BĐĐC 2004) có tổng diện tích khoảng 15.045m2, người sử dụng đất tự chuyển mục đích sử dụng đất, tiến hành xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, đất lấn rạch để cho thuê và bán nhà ở, thu lợi bất chính. Khu ẩm thực Bình Xuyên có diện tích khoảng 24.977m2, người sử dụng đất chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất để thực hiện đầu tư thương mại, dịch vụ, nhưng chủ sử dụng đất tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ không phù hợp quy hoạch.

Tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, có đến 80 công trình xây dựng sai phép, không phép. Tại xã Vĩnh Lộc B, khu đất thuộc các thửa đất số 582, 584, 602, tờ bản đồ số 176 và thửa 605 tờ bản đồ số 175 với diện tích hơn 52.000m2, người sử dụng đất chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất để thực hiện đầu tư dự án nhà ở nhưng đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp 72 căn nhà ở riêng lẻ và bán cho các hộ gia đình, cá nhân để hình thành khu dân cư sinh sống.

Tại xã Tân Nhựt, dự án Khu dân cư Trung tâm thương mại xã Tân Nhựt do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Huỳnh Thông không thực hiện trình tự thủ tục như quy định, chưa chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng bán các nền đất, thực chất là phân lô bán nền trên đất nông nghiệp. Chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng trên phần đất nông nghiệp 187 căn nhà riêng lẻ, 225 căn hộ chung cư, nhà điều hành dự án, hồ bơi…

Thanh tra TP.HCM cho biết tính đến ngày 31/12/2019, số nợ đọng tiền sử dụng đất trên địa bàn huyện Bình Chánh là 2.326 tỷ đồng. Trong đó, hộ gia đình cá nhân đang được Nhà nước cho ghi nợ tiền sử dụng đất là 2.153 tỷ đồng (7.036 hồ sơ), số nợ còn lại là 173 tỷ đồng thuộc về các tổ chức, cá nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem