TP.HCM: Kiến nghị bổ sung vào Luật việc cắt điện, nước tại các công trình xây dựng vi phạm

Quang Phương Thứ sáu, ngày 15/10/2021 12:31 PM (GMT+7)
Ngày 15/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở Xây dựng TP.HCM về việc thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 trên địa bàn TP.HCM giai đoạn từ 1/1/2018 - 30/6/2021.
Bình luận 0

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra năm 2010. Những khó khăn đó như: Luật Thanh tra không quy định biện pháp chế tài cụ thể để xử lý việc đối tượng thanh tra không chịu cung cấp tài liệu; Thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra còn khó khăn; Việc thu hồi về kinh tế các đối tượng chậm thực hiện thì chưa có biện pháp xử lý cụ thể…

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Phong nêu ra thực trạng, trong thời gian 3 năm (từ 2018 đến 2021), Thanh tra Sở Xây dựng chỉ tiến hành có 2 cuộc thanh tra đột xuất là quá ít, trong khi các công trình xây dựng vi phạm rất nhiều. 

Người dân chỉ cần đổ xe cát là bị thanh tra xây dựng phát hiện ngay nhưng thực tế lại có những công trình xây dựng rất đồ sộ nhưng sai phép, không phép thì thanh tra xây dựng không phát hiện.

TP.HCM: Kiến nghị bổ sung vào Luật việc cắt điện, nước tại các công trình xây dựng vi phạm - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (đứng) phát biểu tại cuộc làm việc sáng nay với Sở Xây dựng TP.HCM. Ảnh: Quang Phương.

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM Lý Thanh Long đề nghị các đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội bổ sung vào luật việc tạm dừng cung cấp các dịch vụ để thực hiện hành vi sai phạm tại các công trình xây dựng vi phạm như: cắt điện, nước…

Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng kiến nghị, các cơ quan liên quan sớm thực hiện các nội dung của Đề án thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện tại TP.HCM.

Bên cạnh đó, cần một chế tài mang tính cưỡng chế, bắt buộc đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các yêu cầu từ phía Đoàn thanh tra, ngoài biện pháp là báo cáo với cơ quan chủ quản của đối tượng thanh tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Kiên cho rằng, thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra tối đa 30 ngày áp dụng cho tất cả các cơ quan thanh tra, trong khi đó, thời hạn tiến hành thanh tra ở mỗi cấp thanh tra là khác nhau. 

"Thời hạn 30 ngày là chưa phù hợp với thực tế, nhất là các cuộc thanh tra có quy mô lớn và tính chất phức tạp, thường xuyên phải xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn, xin ý kiến của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước", ông Kiên nói.

TP.HCM: Kiến nghị bổ sung vào Luật việc cắt điện, nước tại các công trình xây dựng vi phạm - Ảnh 3.

Năm 2020, dự án SaiGon SkyView tại quận 8, TP.HCM từng bị Thanh tra TP.HCM kết luận có nhiều sai phạm. ẢNh: CTV

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, bà Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận nỗ lực của lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. 

Bà Tuyết đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM cần chú ý công tác phòng chống tham nhũng trong quá trình thực hiện công vụ vì có nhiều đơn thư, ý kiến của cử tri phản ánh đến Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tình trạng nhiều công trình xây dựng vi phạm nhưng không bị xử lý, chậm xử lý. Thậm chí có cử tri phản ánh việc người dân đi xin giấy phép xây dựng mất 3-5 tháng là bình thường nhưng chỉ cần chung chi cho "cò" 50 triệu đồng là có giấy phép ngay.

Bên cạnh đó, bà Tuyết cũng đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM cần sớm phản hồi các văn bản của UBND TP chuyển xuống. Trong quá trình thanh tra công vụ, chuyên ngành cần làm rõ tính chất, sự tuân thủ các quy định pháp luật của quận, huyện trong lĩnh vực về xây dựng và kiến nghị, tham mưu các giải pháp phòng ngừa sai phạm nếu có.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem