Trách người trước, ngẫm mình sau

Thứ năm, ngày 29/09/2011 06:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sự bất đồng quan điểm giữa Mỹ và EU về nguyên nhân và cách xử lý khủng hoảng tài chính bộc lộ ở hội nghị mùa thu thường niên mới rồi của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới leo thang tới đỉnh điểm với những phê phán công khai của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Bình luận 0

 Trong bài phát biểu ở California (Mỹ), ông Obama phê phán cách xử lý khủng hoảng của EU, đổ lỗi cho EU đã không ứng phó thoả đáng với những thách thức đối với hệ thống ngân hàng và chưa thoát được ra khỏi khủng hoảng từ quá khứ nên giờ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới và Mỹ.

Việc Mỹ và EU đổ trách nhiệm cho nhau gây ra khủng hoảng, phê trách lẫn nhau gây ra hậu quả tiêu cực để phía bên kia giờ phải gánh chịu vốn không phải là chuyện mới mẻ. Cái mới chỉ là nó được chính ông Obama bộc lộ vào thời điểm hiện tại. Mục đích trước tiên của ông Obama là tranh cử.

Phê phán và gán trách nhiệm cho EU là cách thích hợp nhất để đánh lạc hướng sự quan tâm chú ý của dư luận nội bộ Mỹ về thực trạng cũng chẳng tốt đẹp gì nhiều ở Mỹ về tài chính, ngân sách, tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm.

Cả Mỹ lẫn EU đều trách nhau trước, ngẫm về mình sau bởi thật ra cả hai bên đều khó khăn như nhau và đều bế tắc giải pháp. Nhưng vì tình hình bên này tác động trực tiếp tới bên kia nên việc phê phán và đổ trách nhiệm cho nhau được sử dụng để biện minh cho đối sách khác nhau, thậm chí còn cả trái ngược nhau trong chừng mực nhất định.

Ông Obama sử dụng sự khác biệt với EU trong chuyện này làm một con chủ bài tranh cử, trong khi EU tìm mọi cách để tránh bị coi là trung tâm khủng hoảng và tự mình gây ra khủng hoảng hiện tại. Những lợi ích nhất thời đã cản phá sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa hai bên. Nếu như bên nào cũng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" thì đâu đã đến nỗi thế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem