Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến chuyên gia "kinh ngạc", Bộ Tài chính không thể chối bỏ trách nhiệm

Huyền Anh Thứ năm, ngày 24/11/2022 14:24 PM (GMT+7)
TS Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề của trái phiếu doanh nghiệp trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính. Bộ Tài chính không thể chối bỏ hay đổi lỗi cho ai. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không thể "đứng ngoài".
Bình luận 0

TS Vũ Đình Ánh: Chuyện về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính không thể chối bỏ trách nhiệm hay đổ cho ai

Đề cập về thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian tại Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2022 tổ chức sáng nay (24/11), TS Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế khẳng định, trách nhiệm về thị trường này chắc chắn thuộc về Bộ Tài chính.

"Trước đây là Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Hiện nay, đã sửa bằng Nghị định 65, tôi khẳng định trách nhiệm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn là của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính không thể chối bỏ hay đổ cho ai về câu chuyện của thị trường này", TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến chuyên gia "kinh ngạc", Bộ Tài chính không thể chối bỏ trách nhiệm - Ảnh 1.

TS Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế. (Ảnh chụp màn hình)

Bàn luận thêm, ông Ánh cho rằng, quá trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam không theo thông lệ quốc tế.

"Tôi quan sát thấy sự phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp của chúng ta "hao hao" giống như trước kia chúng ta phát hành trái phiếu công trình, khi chúng ta bắt các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp tuân thủ việc sử dụng trái phiếu đúng mục đích.

Trong khi bản chất của trái phiếu doanh nghiệp là công cụ tài chính. Doanh nghiệp vay về sử dụng vào việc gì là việc của doanh nghiệp, vấn đề là doanh nghiệp đó có đủ tiền lực tài chính tổng thể để thanh toán cho các khoản nợ này hay không", TS. Vũ Đình Ánh đặt vấn đề và cho rằng, việc đánh giá tiềm lực của doanh nghiệp để doanh nghiệp đưa trái phiếu ra thị trường ai sẽ chịu trách nhiệm? Vấn đề này nằm ở việc xếp hạng tín nhiệm.

Cũng theo vị chuyên gia này, không phải tất cả các trái phiếu trên thị trường đều là "vàng và kim cương" theo như Nghị định 65, ngay cả trái phiếu doanh nghiệp không đáng đầu tư hay cổ phiếu "rác" vẫn có người mua.

TS Nguyễn Đức Thành "kinh ngạc" về sự "vô tổ chức" của thị trường trái phiếu

Tán thành quan điểm của TS Vũ Đình Ánh về sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS bày tỏ "kinh ngạc" về sự "vô tổ chức" của thị trường trái phiếu khi nhìn lại giai đoạn phát triển vừa qua.

Dẫn ý kiến của TS Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề của thị trường trái phiếu là do Bộ Tài chính chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, trên thực tế trái phiếu cho doanh nghiệp phát hành không phát hành được vì "không ai biết doanh nghiệp này là ai". Do đó, theo ông Thành phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải đi qua hệ thống ngân hàng.

"Sự lộn xộn nằm ở chỗ, không biết bằng cách nào để cho các đối tượng liên quan nắm được data của những người gửi tiền để chèo kéo khách hàng rút tiền tiết kiệm để mua trái phiếu doanh nghiệp.

Hay nói cách khác, hạ tầng về thông tin trong thông tin cá nhân có vấn đề, và ngân hàng cùng với phía sau là doanh nghiệp phát hành trái phiếu không theo nguyên tắc nào cả.

Bộ Tài chính quy định thế nào, Ngân hàng Nhà nước quy định thế nào mà để cho những doanh nghiệp đó tiếp cận với khách hàng, để khách hàng chuyển tiết kiệm sang mua trái phiếu.

Tất cả không có kiểm soát và bây giờ nhìn lại mới thấy các điều kiện còn rất mơ hồ", TS. Nguyễn Đức Thành nêu vấn đề.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến chuyên gia "kinh ngạc", Bộ Tài chính không thể chối bỏ trách nhiệm - Ảnh 3.

Cũng theo Giám đốc VESS, ông theo dõi báo cáo tài chính của SCB thấy rằng, khoản phải thu của ngân hàng này lên tới 30% tổng tài sản, thế nhưng ngân hàng vẫn tồn tại được, vẫn đứng ra phát hành trái phiếu, phân phối trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng tín dụng,… "Đây là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước", ông Thành nói.

Ông Thành cũng e ngại, thị trường Việt Nam sẽ "chạy từ cực này sang cực khác", khi chính sách chuyển từ "mắt nhắm mắt mở" sang "thắt rất chặt". Từ đó, tất cả các kênh dẫn vốn về dài hạn sẽ bị ảnh hưởng.

Ngày 23/11/2022, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp với một số công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nhấn mạnh tới những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại buổi họp.

Bộ trưởng nhấn mạnh, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã suy giảm và hiện đang ở mức thấp. Một số cá nhân, tổ chức sai phạm bị cơ quan chức năng xử lý và kết hợp với việc nhiều tin đồn thất thiệt đã tác động mạnh tới tâm lý của nhà đầu tư trái phiếu. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã tiến hành rút vốn ồ ạt trái phiếu doanh nghiệp trước hạn, gây khó khăn cho doanh nghiệp phát hành và tạo rủi ro cho thị trường chung.

Chính vì vậy, Bộ trưởng mong muốn các thành viên thị trường, các doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp cụ thể thiết thực để lấy lại niềm tin trên thị trường, cùng chung tay kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ "điểm nghẽn" về thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế, hỗ trợ kinh tế đất nước tăng trưởng ổn định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem