Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Siêu thị mini hay trung tâm giới thiệu sản phẩm? (bài 1)

Nhóm PV Thứ năm, ngày 24/08/2023 08:00 AM (GMT+7)
Gọi là trạm dừng nghỉ, nhưng những nơi PV Dân Việt đặt chân tới nếu không phải là đóng cửa, hoạt động cầm chừng thì nhiều người lầm tưởng đó là trung tâm giới thiệu sản phẩm hay siêu thị mini trên cao tốc. Dù là trạm dừng nghỉ nhưng tài xế, hành khách lại không được bố trí không gian nghỉ ngơi thoải mái với tên gọi đó.
Bình luận 0

LTS: Quyết định đầu tư 36 trạm dừng nghỉ trên dọc tuyến cao tốc Bắc Nam (từ Lạng Sơn đến Cà Mau) đã thu hút sự quan tâm của xã hội, bởi những trạm dừng nghỉ hiện tại đang hoạt động chưa phù hợp với chức năng của nó. Không ít trạm dừng nghỉ thì không thu hút được khách hàng, tài xế vì chất lượng dịch vụ, nhếch nhách, lộn xộn; có trạm thì bố trí nơi nghỉ ngơi cho tài xế, hành khách chưa thực sự hợp lý, thậm chí còn gây ức chế.

Với thực tế đó, không ít người đặt ra câu hỏi 36 trạm dừng nghỉ mới này sẽ được hoạt động như thế nào để tài xế, hành khách có không gian nghỉ ngơi đảm bảo sức khoẻ, đủ sự tỉnh táo cho hành trình dài phía trước?

Nhằm góp ý với cơ quan quản lý, chủ đầu tư cho 36 trạm dừng nghỉ sắp xây dựng, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt đã đi khảo sát, hỏi tài xế, hành khách, chuyên gia, cơ quan quản lý và chủ đầu tư nhằm tìm kiếm giải pháp, quy định chặt chẽ. Dân Việt xin đăng tải loạt bài "Đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc sao cho "vừa đúng – vừa trúng".

Trạm dừng nghỉ đìu hiu, đóng cửa bỏ không

Thực tế, trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc đã có. Năm 2012, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Thông tư 48 về trạm dừng nghỉ với những quy chuẩn cụ thể. Tuy nhiên, hiện số phận của những trạm dừng nghỉ này lại rất khác nhau và hành khách vào những trạm dừng nghỉ này lại có những cảm xúc khác nhau.

Điều này khiến cho không chỉ lái xe, hành khách cảm thấy không hài lòng mà chủ đầu tư các trạm dừng nghỉ này cũng không mấy vui vẻ.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Siêu thị mini hay trung tâm giới thiệu sản phẩm? (bài 1) - Ảnh 2.

Bên trong toà nhà chính giữa của trạm dừng nghỉ Song Khê trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc - Giang.

Theo khảo sát của PV Dân Việt tại trạm dừng nghỉ trên một số tuyến cao tốc, mô hình hoạt động chưa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ theo thông tư 48/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT ban hành ngày 15/11/2012 dẫn đến sự lộn xộn mỗi nơi làm một kiểu, tận thu và thiếu đi cái "tâm" nhà đầu tư.

Theo đó, PV Dân Việt đã ghi nhận hoạt động kinh doanh ở các trạm dừng nghỉ đang hoạt động tại các phân tuyến cao tốc thuộc cao tốc Bắc – Nam như: Cầu Giẽ – Ninh Bình, Hà Nội – Bắc Giang... Một thực tế đáng buồn đang diễn ra là trạm dừng nghỉ cho hành khách, lái xe nhưng lại đìu hiu một cách thê thảm, thực đơn thì lèo tèo, các gian hàng cũng trở nên sập xệ vì không có khách ghé vào. Còn trạm thậm chí còn phải đóng cửa vì không có khách ghé vào.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Siêu thị mini hay trung tâm giới thiệu sản phẩm? (bài 1) - Ảnh 3.

Biển thông báo đặt tại khu vực vệ sinh trên trạm dừng nghỉ Song Khê.

Đặt chân vào trạm dừng nghỉ Song Khê – thuộc tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang với vốn đầu tư hơn chục tỷ đồng nhưng hình ảnh trước mắt phóng viên là cảnh đìu hiu, lèo tèo vài bộ bàn ghế, tấm nhựa quây tạm bợ, quầy phục vụ trưng bày sơ sài vài loại sản phẩm được bày biện một cách chiếu lệ, không đủ hấp dẫn khách ghé thăm.

Thực đơn của quầy này cũng đơn giản tới mức "Thực đơn chỉ có bánh tẻ hoặc mỳ tôm" và chỉ có 1 vài người phục vụ ở trạm.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Siêu thị mini hay trung tâm giới thiệu sản phẩm? (bài 1) - Ảnh 4.

Nhà hàng phục vụ ăn uống tại trạm dừng nghỉ Song Khê đóng cửa từ lâu.

Còn những nhà hàng, quán ăn khác trong trạm dừng nghỉ này đã trở nên sập sệ vì đóng cửa lâu ngày. Đến nay, trạm dừng nghỉ Song Khê, chỉ còn phục vụ chủ yếu cho cánh lái xe tải đường dài. Như để tận thu chút nguồn tiền vào ít ỏi, dọc lối đi phía bãi đỗ, chủ đầu tư treo các tấm biển có nội dung "Lái, phụ xe của xe tải, xe đầu kéo không được tắm giặt, vệ sinh khi không gửi xe tại công ty".

Trái ngược với cảnh đìu hiu của các nhà hàng trong trạm dừng nghỉ Song Khê, gian hàng "Chợ xe" Hà An lại khá nhộn nhịp với hàng chục đầu xe tải được sắp xếp gọn gàng.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Siêu thị mini hay trung tâm giới thiệu sản phẩm? (bài 1) - Ảnh 5.

Khu vực chợ ô tô Hà Khánh.

Được đầu tư hơn chục tỷ đồng, diện tích hơn 7.000 m2 nhưng chỉ hạng mục chợ xe còn hoạt động ổn định, khó có thể nói rằng Trạm dừng nghỉ Song Khê đã đạt được kỳ vọng như mục tiêu ban đầu.

Một trạm dừng nghỉ khác là trạm Tiên Du, cách trạm dừng nghỉ Song Khê khoảng hơn 30km theo hướng về Hà Nội đã đóng cửa hoàn toàn. Từ bên ngoài nhìn vào, toàn bộ công trình được xây dựng như một trung tâm thương nay cửa đóng then cài, bức tường màu xám phủ rêu mốc ra vẻ gây gây, lạnh lẽo dù thời điểm PV có mặt là giữa ban ngày.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Siêu thị mini hay trung tâm giới thiệu sản phẩm? (bài 1) - Ảnh 6.

Trạm dừng nghỉ Tiên Du, Bắc Ninh đìu hiu khách.

Biến trạm dừng nghỉ thành siêu thị mini?

Trái với cảnh đìu hiu của những trạm dừng nghỉ phía cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, ghi nhận của phóng viên Dân Việt ở các trạm dừng nghỉ hướng Hà Nội – Ninh Bình lại khá tấp nập, tuy nhiên, khách đến dừng nghỉ ở trạm này lại rất bức xúc.

Tại trạm dừng nghỉ (Nhà hàng 99) trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dường như biến thành một siêu thị mini trên cao tốc và hành khách, lái xe chỉ được ngồi vỉa hè.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Siêu thị mini hay trung tâm giới thiệu sản phẩm? (bài 1) - Ảnh 7.

Trạm dừng nghỉ (Nhà hàng 99) trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Cụ thể, phần chủ chốt của một trạm dừng nghỉ là chỗ nghỉ ngơi cho tài xế, hành khách nhưng lại được bố trí dọc hành lang (Bên ngoài hè của toà nhà đang bày bán kinh doanh), nơi đã nêm kín những quầy đồ ăn nhanh, nước giải khát. Còn bên trong trạm là những gian hàng trưng bày hàng hoá như quần áo, đồ chơi trẻ em cũng chiếm hết không gian trong nhà như thể đây là một siêu thị mini giữa cao tốc.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Siêu thị mini hay trung tâm giới thiệu sản phẩm? (bài 1) - Ảnh 8.

Hàng hoá được nhân viên xếp gọn bên trong toà nhà tại trạm dừng nghỉ (Nhà hàng 99).

Có mặt tại trạm đúng lúc cơn mưa lớn đổ xuống, PV Dân Việt chứng kiến những vị khách không thể ngồi yên vị tại những chiếc ghế nhựa, bởi mưa lớn nước mưa hắt vào. Phần lớn những người vào nghỉ buộc phải chen chúc nép vào trong sảnh.

Chia sẻ với PV Dân Việt, đại diện các doanh nghiệp vận tải có phương tiện chở khách đi trên tuyến cao tốc này bày tỏ mong muốn về những trạm dừng nghỉ sạch sẽ, tiện ích tốt nhằm tạo điều kiện cho lái, phụ xe đảm bảo an toàn hơn trong những chuyến đi dài.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Siêu thị mini hay trung tâm giới thiệu sản phẩm? (bài 1) - Ảnh 9.

Trời mưa khiến cho khu vực khách ngồi nghỉ ngơi bị nước tạt vào.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Siêu thị mini hay trung tâm giới thiệu sản phẩm? (bài 1) - Ảnh 9.

Thùng đựng tiền đặt ngay tại cửa ra vào nhà vệ sinh trông rất phản cảm.

Thực tế, không gian nghỉ ngơi không được thoải mái, nắng thì nóng rát, mưa lại hắt vào vị trí khách ngồi, nhưng nhà xe bất đắc dĩ phải đưa hành khách vào vì không còn sự lựa chọn. Đáng chú ý, khu vực cửa ra vào nhà vệ sinh luôn có một thùng đựng tiền như để tận thu những đồng tiền lẻ từ hành khách với hình thức "ủng hộ" tuỳ tâm.

Rõ ràng, một trạm dừng nghỉ nhưng lại không có không gian, chỗ nghỉ đúng nghĩa cho khách hàng và lái xe. "Trạm dừng nghỉ sắp xếp, quy hoạch không gian bán hàng riêng, không gian nghỉ ngơi của hành khách, lái xe, phụ xe là mong muốn của đông đảo hành khách chứ không riêng gì doanh nghiệp", anh Phan Văn Giáp, quản lý nhà xe An Phú Quý, tuyến Hà Nội – Vinh chia sẻ.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Siêu thị mini hay trung tâm giới thiệu sản phẩm? (bài 1) - Ảnh 10.

Anh Phan Văn Giáp, quản lý nhà xe An Phú Quý, tuyến Hà Nội – Vinh.

Những bất cập tồn tại ở các trạm dừng nghỉ cao tốc là vấn đề âm ỉ từ lâu nhưng không dễ nói bởi có quy chuẩn nhưng cách bố trí không gian chưa hợp lý, tỷ lệ sắp xếp giữa các khu trưng bày và nơi nghỉ ngơi mà phụ thuộc vào chủ đầu tư bài trí.

Theo Thông tư 48/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT, quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ chỉ quy định mỗi trạm dừng nghỉ cần đảm bảo 2 loại gồm: Công trình dịch vụ công cộng và Công trình dịch vụ thương mại.

Trong đó, dịch vụ công cộng miễn phí gồm: Bãi đỗ xe; Không gian nghỉ ngơi; Phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; Khu vệ sinh; Nơi cung cấp thông tin;  Nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; Nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.

Công trình dịch vụ thương mại là Khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; Khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; Trạm cấp nhiên liệu; Xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; Nơi rửa xe; Phòng ngủ cho lái xe và hành khách lưu trú qua đêm.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Siêu thị mini hay trung tâm giới thiệu sản phẩm? (bài 1) - Ảnh 11.

Anh Trương Đức Lai, Tổ phó quản lý xe nhà xe Đức Phát chạy tuyến Thanh Hoá – Hà Nội.

Cũng chia sẻ với PV Dân Việt, anh Trương Đức Lai, Tổ phó quản lý xe nhà xe Đức Phát chạy tuyến Thanh Hoá – Hà Nội cho rằng: "Hành khách đến trạm dừng nghỉ cần có chỗ ngồi sạch sẽ, thoáng mát. Việc kiot bán hàng được bày kín trong nhà, trong khi hành khách lại phải ngồi ở ngoài hè là rất bất cập".

"Như vậy là thiếu tôn trọng hành khách và hành khách cần phải được ưu tiên vì họ đã trải qua một quãng đường di chuyển dài. Tôi mong muốn khu vực bán hang cần phải điều chỉnh cho phù hợp để khách hang có nơi nghi ngơi thoải mái", anh Lai cho hay.

Nói về tình trạng này, ông Vũ Tuấn Phong - Giám đốc quản lý trạm V52 Hải Dương - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho rằng, nguyên nhân một phần là do sự độc quyền dịch vụ.

Ông Phong cho hay: "Theo tôi thì nguyên nhân chính dẫn đến tiêu cực vẫn còn đang tồn tại và khách hàng chấp nhận, đó là vì các trạm dừng nghỉ trên cao tốc đang được độc quyền. Khách hàng không có sự lựa chọn cho loại hình dịch vụ này.

Trong thời gian tới tôi đề xuất bộ GTVT nên quy định rõ ràng hơn, để các nhà đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc hiểu về trách nhiệm, quyền hạn của mình khi phục vụ khách hàng. Cũng như xây dựng đường dây nóng phản ánh tiêu cực gặp phải khi lưu thông trên đường cao tốc, để cơ quan chức năng có sự điều chỉnh kịp thời".

Nhiều nhà đầu tư vì vậy mà tận dụng tối đa cho thuê không gian dịch vụ, có nơi còn thu cả tiền đi vệ sinh của khách mà bỏ qua mục đích ban đầu của việc xây dựng trạm dừng nghỉ. Điều này đôi khi khiến trạm dừng nghỉ gây ra tác dụng ngược, khiến nhiều người mang theo tâm lý ức chế theo vào hành trình kế tiếp.

Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông làm cơ sở lập danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ.

Theo quyết định này, mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến Cà Mau bao gồm 36 trạm, khoảng cách bình quân giữa các trạm khoảng 59km. Trong đó có 7 trạm dừng nghỉ đã đưa vào khai thác, 4 trạm đang đầu tư, còn lại chưa đầu tư.

Do cao tốc Bắc - Nam phía Đông là trục huyết mạch quốc gia, để đảm bảo tầm nhìn dài hạn, trong phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành những trạm chưa đầu tư sẽ có diện tích 5ha/1 bên, riêng trạm dừng nghỉ gần các đầu mối giao thông, đô thị lớn đảm bảo diện tích 3 ha/1 bên.

Với các dự án đã và sắp đưa vào khai thác mà chưa có trạm nghỉ, việc công bố danh mục dự án sẽ được hoàn thành trong tháng 8/2023. Công tác lựa chọn nhà đầu tư khoảng từ 3 - 5 tháng. Thời gian dự kiến để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ khoảng 9 - 12 tháng.

Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao các ban quản lý dự án thuộc bộ và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức lập danh mục dự án thuộc dự án, dự án thành phần do Bộ Giao thông vận tải quản lý và lựa chọn nhà đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem