Vùng đất khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số nuôi lợn, chăn dê mà đẩy lùi nghèo đói

Bảo Anh Chủ nhật, ngày 21/08/2022 18:16 PM (GMT+7)
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, xã Pu Sam Cáp (Sìn Hồ, Lai Châu) có nhiều giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân.
Bình luận 0

Clip: Mô hình kinh tế mới giúp nông dân xã Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ, Lai Châu tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo.

Nông dân Pu Sam Cáp - Lai Châu nỗ lực xoá nghèo

Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nhiều hộ gia đình ở bản Tìa Tê, Nà Phân, xã Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã tìm được hướng đi riêng.

Đơn cử như anh Hầu A Phềnh, bản Nà Phân, nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập huấn, trang bị kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, hiện gia đình anh nuôi 21 con dê cùng đàn lợn, 2 năm trở lại đây gia đình anh thu nhập 100 – 120 triệu đồng/năm.

Nông dân xã vùng khó Lai Châu nỗ lực giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Phát triển thêm mô hình chăn nuôi dê, gia đình anh Hầu A Phềnh có thêm thu nhập, cải thiện sinh hoạt. Ảnh: Bảo Anh

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, anh Hầu A Phềnh cho biết: Những năm trước đây tôi chỉ làm ruộng 1 vụ nên thu nhập không đủ chi tiêu cho gia đình. Từ khi chăn nuôi dê gia đình tôi đã có tiền mua sắm trang thiết bị sinh hoạt trong gia đình, cho các con ăn học đầy đủ, nâng cao được mức sinh hoạt hàng ngày.

"Hiện gia đình đang nỗ lực chăm sóc đàn dê, phấn đấu tăng đàn ổn định và bền vững, từ đó mở rộng quy mô, tăng thu nhập trong thời gian tới".

Để từng bước phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xã Pu Sam Cáp đã triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án gắn với xây dựng nông thôn mới…

Nông dân xã vùng khó Lai Châu nỗ lực giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Nhiều hộ dân ở xã Pu Sam Cáp trước đây chỉ chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ do đó thu nhập không đáng kể. Ảnh: Bảo Anh

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương pháp canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Đầu tư cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào canh tác, chăn nuôi; chú trọng công tác thủy lợi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả để người dân ý thức và nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, khôi phục các ngành nghề truyền thống nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Anh Khoàng Văn Hỏi, bản Tìa Tê hồ hởi chia sẻ: Nguồn thu nhập chính của gia đình tôi từ chăn nuôi lợn, gà, vịt và trồng rau màu. Mô hình chăn nuôi tổng hợp này giúp gia đình tôi tăng thêm thu nhập. Trước đây, gia đình chỉ nuôi vài con gà, vịt để cải thiện bữa ăn và đi làm thuê để kiếm sống. Từ khi gia đình tôi mạnh dạn đầu tư nuôi thêm đàn lợn, kinh tế đã được cải thiện rõ rệt hơn.

Nông dân xã vùng khó Lai Châu nỗ lực giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Từ mô hình chăn nuôi tổng hợp lợn, gà, vịt và trồng rau màu thu nhập của gia đình anh Khoàng Văn Hỏi bản Tìa Tê, xã Pu Sam Cáp, Sìn Hồ được cải thiện đáng kể. Ảnh Bảo Anh

"Gia đình tôi tính sẽ vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thông qua Hội Nông dân để mở rộng quy mô đàn lợn", anh Hỏi hồ hởi nói.

Nông dân Lai Châu phát huy tiềm năng, nâng cao thu nhập

Xác định công tác xóa đói giảm nghèo để nâng cao thu nhập là điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề giảm nghèo một cách bền vững, xã Pu Sam Cáp đang nỗ lực triển khai rất nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Chia sẻ về những nỗ lực trong công tác xoá đói, giảm nghèo của xã, ông Cứ A Đề, Chủ tịch UBND xã Pu Sam Cáp cho biết: "Chúng tôi chú trọng tuyên truyền tới bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, đưa cây - con giống mới vào chăn nuôi, sản xuất".

Nông dân xã vùng khó Lai Châu nỗ lực giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, đời sống của người dân Pu Sam Cáp được cái thiện. Ảnh: Bảo Anh

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lồng ghép các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối cho bà con tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn, ngân hàng chính sách xã hội thông qua hội nông dân để bà con có thêm động lực mở rộng quy mô, phát triển các mô hình chăn nuôi trồng trọt mới, qua đó nâng cao thu nhập cho bà con, xoá đói, giảm nghèo.

"Tiêu chí thu nhập là một trong số những tiêu chí giữ vị trí quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, bởi thu nhập phản ánh mức sống của người dân, không thể nói phát triển nếu như thu nhập của người dân không tăng và không bền vững", ông Đề nhấn mạnh.

Nông dân xã vùng khó Lai Châu nỗ lực giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới - Ảnh 6.

Nhiều hộ dân ở Pu Sam Cáp đã mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và làm giàu. Ảnh: Bảo Anh

Với những lợi thế sẵn có về đất đai, khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp, xã Pu Sam Cáp sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, bên cạnh đó nâng cao chất lượng lao động nông thôn thông qua các lớp đào tạo nghề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem