Triển vọng Thị trường Vốn nợ năm 2024: Yếu tố giúp doanh nghiệp vượt khó?

13/02/2024 16:03 GMT+7
Năm 2024 với sự kỳ vọng là cột mốc quan trọng đầy thách thức nhưng cũng đem lại cơ hội cho nền kinh tế, CTCP FiinRatings đã đưa ra nhiều nhận định, dự đoán về thị trường vốn nợ thông qua báo cáo "Triển vọng Thị trường Vốn nợ năm 2024 – Thích nghi với thay đổi".

Bức tranh thị trường tín dụng Việt Nam

Năm 2023, quy mô GDP đạt gần 430 tỷ USD, với mức tăng trưởng 5,05% so với 2022, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ. Mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 12 năm gần nhất, khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy vậy, kết quả này vẫn có những mặt tích cực với giải ngân đầu tư công đạt mức kỷ lục, thặng dư thương mại và FDI thực hiện vẫn tăng trưởng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2022. Cán cân thương mại vẫn thặng dư 28 tỷ USD với tốc độ giảm kim ngạch nhập khẩu (-8,9%) lớn hơn tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu (-4,4%). Tuy kim ngạch cả năm suy giảm, đã có những sự phục hồi nhất định vào cuối năm khi nhìn vào dữ liệu tháng và quý, với mức giảm đã được thu hẹp.

Triển vọng Thị trường Vốn nợ năm 2024: Yếu tố giúp doanh nghiệp vượt khó?- Ảnh 1.

Trong năm 2024, GDP Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng ở mức 6,0 - 6,5%, với các động lực chính, bao gồm:

Thứ nhất, hoạt động xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại hồi phục. Trong ngắn hạn, cuộc xung đột tại Biển Đỏ có thể khiến nhu cầu tích trữ hàng hóa cùng các lựa chọn thay thế của các quốc gia đối tác với Việt Nam tăng cao hơn.

Thứ hai, đầu tư khu vực tư nhân và khu vực công kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng 8% và 10% (theo ADB) với các dự án lớn sắp được triển khai. Dòng vốn FDI tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng dự kiến 10-15%.

Thứ ba, tiêu dùng nội địa phục hồi với sự hỗ trợ của mặt bằng lãi suất huy động được giữ ở mức thấp, và việc giảm thuế giá trị gia tăng VAT từ 10% xuống 8% được gia hạn từ 1/1/2024 tới 30/6/2024.

Thứ tư, các bộ luật và chính sách trong các lĩnh vực quan trọng như Bất động sản, Tổ chức Tín dụng hay Năng lượng đã được thông qua, và sẽ là nền tảng để tạo tiền đề cho các doanh nghiệp đầu tư và triển khai các dự án, đặc biệt những dự án đã bị trì hoãn trong giai đoạn 2-3 năm vừa qua. 

Tuy nhiên, FiinRatings cũng cho rằng, sẽ có những thách thức và rủi ro cho việc hồi phục của nền kinh tế Việt Nam, trong đó phải kể tới như: nền kinh tế của Trung Quốc, đối tác chiếm 25% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, phục hồi yếu hơn kỳ vọng; tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đối với các dòng vốn FDI hiện tại và thu hút vốn mới; các cuộc xung đột địa chính trị có thể diễn biến phức tạp và leo thang, ví dụ như chiến tranh Nga và Ukraine, xung đột giữa Israel và Hamas tại Trung Đông.

Do đó, nhóm chuyên gia FiinRatings nhận định, năm 2024 và sẽ là năm bản lề trước khi các bộ luật của các ngành kinh tế trọng điểm có hiệu lực, và sẽ là năm cảm nhận tác động các chính sách tài khoá và tiền tệ. Hiệu ứng lan toả của chính sách tài khoá, cùng với sự hỗ trợ của mặt bằng lãi suất ở mức thấp là cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục và cải thiện.

Về chính sách tài khóa: Nhu cầu tiêu dùng nội địa năm 2023 còn yếu với mức tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ khoảng 9,6%, thấp hơn mức tăng của những năm trước đại dịch do làn sóng sa thải, cắt giảm lương nhân sự ở nhiểu doanh nghiệp và những lo ngại về lạm phát. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức chống chịu của doanh nghiệp bị suy giảm, Chính phủ đã đưa các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Ước tính giá trị các gói hỗ trợ này đạt 200 nghìn tỷ VND trong năm 2023, và lũy kế hơn 700 nghìn tỷ tính từ năm 2020.

Triển vọng Thị trường Vốn nợ năm 2024: Yếu tố giúp doanh nghiệp vượt khó?- Ảnh 2.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2023 ở mức 4%, thấp hơn mức 4,42% do Quốc hội cho phép. Đến cuối 2023, nợ công khoảng 4 triệu tỷ VND, tương đương với khoảng 39-40% GDP, tăng nhẹ so với năm 2022, và vẫn còn cách khá xa mức trần 60% do Quốc hội đề ra đến năm 2030. So sánh với các quốc gia trong khu vực Philipines (57%), Thái Lan (61%) hay Malaysia (67%), mức dư địa cho các chính sách tài khóa mở rộng của Việt Nam vẫn còn nhiều, được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Về chính sách tiền tệ, dự báo tỷ giá được giữ ở mức tương đối ổn định, hấp thụ được các tác động từ bên ngoài trong năm 2023. Biên độ dao động tỷ giá đồng VND so với USD trong năm, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 2,1%. Sự ổn định của tỷ giá được kỳ vọng được tiếp tục duy trì với một số điểm thuận lợi như: Cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư, cầu ngoại tệ phục vụ hoạt động nhập khẩu không tăng do nhu cầu còn yếu (ii) Kiều hối tăng trưởng mạnh mẽ, đạt khoảng 16 tỷ USD (tăng 32% so với cùng kỳ); Dòng tiền từ các hoạt động giải ngân vốn đầu tư FDI và mua bán vốn cổ phần duy trì.

Triển vọng Thị trường Vốn nợ năm 2024: Yếu tố giúp doanh nghiệp vượt khó?- Ảnh 3.

Lạm phát cũng được kiểm soát ở mức ổn định trong năm 2023, với chỉ số CPI bình quân tăng 3,25% và mức lạm phát cơ bản tăng 4,16%. Trong năm 2024, việc tăng giá điện bán lẻ sẽ được Chính phủ xem xét để giải quyết vấn đề lỗ lũy kế của EVN; và điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng 6% theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, áp dụng từ 01/07/2024 có khả năng sẽ tạo áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lạm phát tại Việt Nam vẫn sẽ được kiểm soát ở mức dưới 4,5%, giống như kế hoạch mà Quốc hội đã đặt ra.

Về lãi suất, FiinRatings dự báo dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành là hạn chế, khi mặt bằng lãi suất huy động tính đến cuối tháng 12/2023 đã giảm về mức thấp, tương đương giai đoạn Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát và tỷ giá được kiểm soát tốt tại Việt Nam, đồng thời kỳ vọng chung rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ("FED") sẽ cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2024, FiinRatings cho rằng mặt lãi suất tiền gửi tại Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì ở mặt bằng thấp. Đồng thời, do phần bù rủi ro tăng lên nên các ngân hàng cần bộ đệm rủi ro cao hơn, lãi suất cho vay sẽ khó có thể giảm tương ứng mà chỉ giảm nhẹ.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ chứng kiến sự phục hồi nhẹ trong năm 2023, với giá trị phát hành mới đạt 345,8 nghìn tỷ (tăng 8,6% so với cùng kỳ). Về Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, giá trịphát hành cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc khi đạt 37 nghìn tỷ (tăng 74,6% so với cùng kỳ). Hoạt động phát hành của các nhóm ngành đang cho thấy các dấu hiệu hồi phục sau một khoảng thời gian phát hành ảm đạm. 

FiinRatings kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng chặt chẽ hơn với việc áp dụng những yêu cầu cao hơn đối với tất cả các thành viên tham gia thị trường, qua đó giúp cho hoạt động phát hành trái phiếu mới dần phục hồi. Nhiều quy định trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực vào năm 2024 sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với tất cả các bên liên quan và hỗ trợ cho việc khôi phục niềm tin của thị trường. Nhu cầu phát hành lớn của nhóm ngân hàng để bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ dẫn dắt thị trường trái phiếu trong năm 2024.

Hé mở yếu tố quan trọng để doanh nghiệp Việt vượt khó?

Thống kê cho thấy, năm 2024 sẽ là năm bầu cử lớn với hơn 75 quốc gia và hơn 4,2 tỷ trong số 8,1 tỷ người trên thế giới sẽ tổchức các cuộc bầu cử quốc gia hoặc khu vực lớn. Các sự kiện này theo đánh giá cũng góp phần đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ mới, với những thay đổi và biến động lớn trong môi trường kinh doanh toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Vì vây, trong bối cảnh thay đổi, FiinRatings cho rằng "khả năng thích nghi" chính là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn và có thể tồn tại, phát triển mạnh mẽ hơn.

Thích nghi với những thay đổi trong khung pháp lý: Xét về mặt chính sách và yếu tố pháp lý, hàng loạt các luật liên quan đến các lĩnh vực quan trọng đã được thông qua bởi Quốc hội. Các luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, do đó năm 2024 sẽ là một năm chuẩn bị và thích nghi đối với các tổ chức và doanh nghiệp liên quan. 

Triển vọng Thị trường Vốn nợ năm 2024: Yếu tố giúp doanh nghiệp vượt khó?- Ảnh 4.

Các văn bản pháp lý và quy hoạch quan trọng trong giai đoạn sắp tới.

Đơn cử, đối với Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định sửa đổi theo chiều hướng chặt chẽ hơn trong bối cảnh hoạt động của lĩnh vực tài chính – ngân hàng để góp phần khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện tại từ sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, xử lý nợ xấu, quản lý hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng từ đó minh bạch hoạt động công bố thông tin, tuân thủ và thực thi.

FiinRatings đánh giá các chính sách của Chính phủ đưa ra vừa mang tính chất tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phục hồi của các ngành trọng yếu, vừa đề cao tính chặt chẽ, minh bạch và bền vững trong phát triển kinh tế. 

"Trong thời gian tới, những yếu tố này sẽ đem lại cơ hội đối với những tổ chức, đơn vị có thể thích ứng với điều kiện thay đổi cả về mặt vĩ mô và pháp lý. Các doanh nghiệp nên xem việc tuân thủ một lợi thế chiến lược, thay vì thiên về gánh nặng pháp lý. Bằng cách thể hiện cam kết với các tiêu chuẩn pháp lý, doanh nghiệp có thể nâng cao danh tiếng, tạo dựng niềm tin giữa các nhà đầu tư và thu hút vốn từ nhiều nguồn khác nhau", trích báo cáo của FiinRatings.

Thích nghi với môi trường tín dụng và điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn: Theo thống kê của FiinRatings về 50 doanh nghiệp có quy mô tổng tài sản lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, mức nợ vay đã tăng trung bình khoảng 67,5% từ năm 2018 đến năm 2023, trong khi đó doanh thu chỉ tăng trung bình 36,4% và lợi nhuận sau thuế thậm chí chỉ duy trì ở mức tương đương.

Triển vọng Thị trường Vốn nợ năm 2024: Yếu tố giúp doanh nghiệp vượt khó?- Ảnh 5.

Các chỉ tiêu tài chính của 50 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết có tổng tài sản lớn nhất trong giai đoạn 2018 đến 2023.

Trước đây, trong giai đoạn lãi suất toàn cầu ở mức rất thấp, các doanh nghiệp có thể ưu tiên sử dụng đòn bẩy tài chính để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Với quá trình tăng lãi suất và chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, việc đánh giá một cách thận trọng các lựa chọn tài chính và quản trị tài chính trở nên quan trọng hơn. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ cần chú trọng nhiều hơn về quản trị rủi ro cũng như quá trình theo dõi sau đầu tư, và phát triển những chiến lược đầu tư và phân bổ tài sản linh hoạt, để có thể có được hiệu quả sử dụng vốn ở mức tối ưu và bền vững.

Thích nghi với những chiến lược và mô hình kinh doanh mới: Việc thích ứng để đưa ra các chiến lược kinh doanh mới đòi hỏi sự cân bằng trong văn hóa doanh nghiệp, việc ra quyết định dựa trên dữ liệu, và linh hoạt trong quá trình triển khai. 

FiinRatings nhận định, các doanh nghiệp có thể cần nghiên cứu các lựa chọn đầu tư thay thế để phù hợp môi trường lãi suất và tín dụng đang thay đổi. Điều này có thể liên quan đến sự thay đổi chiến lược trọng tâm, hướng tới các khoản đầu tư mang tính dài hạn, ổn định hơn nhằm cải thiện khả năng chống chịu khi điều kiện trên thị trường tài chính thay đổi. 

Hơn nữa, việc thích ứng với quá trình chuyển đổi này đòi hỏi phải có sự trao đổi, giao tiếp hiệu quả với các bên liên quan, bao gồm cả nhà đầu tư, chủ nợ và các đơn vị trung gian. Bằng cách chủ động thúc đẩy tính minh bạch, thích ứng với những thay đổi về quy định, doanh nghiệp có thể xây dựng và khẳng định uy tín, hỗ trợ xây dựng nền tảng cho việc hợp tác lâu dài với các đối tác, giúp củng cố niềm tin vào sự ổn định về cả năng lực kinh doanh và tài chính.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục