Vùng đất này ở Bình Định, nông dân trồng cây gì mà hễ "xước xát" là thơm khắp đồi, bán được lá, vỏ, thân?

Thứ tư, ngày 18/05/2022 06:31 AM (GMT+7)
Mùa này ở xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định), nổi bật là những cánh rừng trồng cây quế xanh bạt ngàn, hút tầm mắt trên những sườn đồi hai bên đường.
Bình luận 0

Gia đình ông Đinh Văn Thẩng (ở thôn 2) là một trong những hộ đầu tiên trồng nhiều quế ở xã An Toàn, huyện An Lão (Bình Định). 

Ông Thẩng vừa phơi vỏ quế vừa chia sẻ: Cách đây hơn 5 năm, tôi trồng hơn 1.000 cây quế trên diện tích khoảng 1 ha. Đến nay, cây đã cho thu hoạch, tôi bán lá quế, vỏ quế phơi khô và cả gỗ quế sau khi bóc vỏ, thu về hơn 100 triệu đồng. 

Vùng đất này ở Bình Định, nông dân trồng cây gì mà hễ "xước xát" là thơm khắp đồi, bán được lá, vỏ, thân? - Ảnh 1.

Nguồn thu từ vỏ quế khô giúp đồng bào xã An Toàn, huyện An Lão (tỉnh Bình Định) ổn định đời sống. Cây quế đã giúp nhiều hộ dân nơi đây tăng thu nhập. Ảnh: D.T.D

"Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2020, tôi quyết định đầu tư trồng thêm 2 ha quế, nhờ tìm hiểu và chăm sóc đúng kỹ thuật, rừng quế phát triển tốt. Tôi dự kiến sẽ thu hoạch bán từng đợt, thu hồi vốn và quay vòng trồng mới gối đầu chứ không bán hết một lượt...", ông Thẩng cho hay.

Chúng tôi lại tiếp tục đi lên thôn 1 và ghé thăm gia đình ông Đinh Văn Trai, một trong những hộ đã có thu nhập từ trồng quế. 

Ông Trai kể, năm 2017 ông bắt đầu trồng 600 cây quế trên diện tích 0,5 ha, sau gần 5 năm thì thu hoạch, bán vỏ lứa đầu thu về gần 100 triệu đồng. Thấy khả quan, ông trồng thêm 1.500 cây nữa, nâng tổng diện tích rừng quế lên 2 ha. Nhiều thương lái tới tận rừng xem và đặt mua, nhưng gia đình ông muốn chăm sóc thêm thời gian nữa để bán được giá cao hơn.

Theo người dân nơi đây, tất cả các bộ phận của cây quế đều có thể bán được và giúp họ có nguồn thu nhập quanh năm. Hiện tại, cành, lá quế được thương lái mua gom ngay tại rừng với giá 1.500 đồng/kg, vỏ quế tươi từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, gỗ quế sau khi bóc vỏ cũng bán được khoảng 2 triệu đồng/m3 tùy đường kính thân cây. 

Dù vậy, hầu hết bà con ở An Toàn chủ yếu bóc vỏ quế về phơi khô để bán với giá từ 55.000 - 60.000 đồng/kg.

Hiện rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở An Toàn chọn cây quế là cây trồng chủ lực, trung bình mỗi hộ trồng khoảng 2 ha. Dù chỉ có mới thu hoạch lứa đầu và nguồn thu phần lớn là từ tỉa cành, lá, tỉa thưa cây quế nhưng nhiều hộ ổn định được đời sống.

Ông Lê Minh Tín, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Toàn, huyện An Lão (tỉnh Bình Định) cho biết: Với hiệu quả bước đầu mang lại, việc trồng quế đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng trên địa bàn. 

Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ cùng với chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con quan tâm đầu tư trồng rừng, nhất là quế để hình thành vùng chuyên canh. Cùng với đó, nghiên cứu việc thành lập hợp tác xã nhằm đảm bảo cung cấp giống cây, bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm phát triển kinh tế từ cây quế.

Diệp Thị Diệu (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem