Trồng rừng gỗ lớn-mô hình kinh tế bền vững để xây dựng nông thôn mới trù phú ở xã Mai Lạp của Bắc Kạn

Dương Cử (Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn) Thứ tư, ngày 02/11/2022 08:59 AM (GMT+7)
Nhiều năm gần đây các hội viên nông dân xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đã mạnh dạn chuyển đổi rừng giá trị kinh tế thấp sang trồng mới các loại cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao như keo, mỡ, quế, lát…Trồng rừng gỗ lớn tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới...
Bình luận 0
Mô hình chuyển đổi từ rừng giá trị kinh tế thấp sang trồng rừng gỗ lớn ở xã Mai Lạp, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn còn góp phần quan trọng giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường tại địa phương.

Chi hội trưởng nông dân đi đầu trồng rừng gỗ lớn

Từ năm 2012, anh Nguyễn Văn Huê - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Bản Pá, xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) mạnh dạn chuyển đổi rừng giá trị kinh tế thấp sang trồng 3 ha cây keo, mỡ. Đến nay gia đình anh đã trồng được 12 ha đồi cây keo và mỡ. 

Sau 8 năm chăm sóc, hiện nay gia đình anh Huê đã có nguồn thu nhập lớn từ rừng trồng. Để giảm chi phí trong khâu vận chuyển, bốc, xếp, anh Huê thuê máy xúc mở đường ô tô chở gỗ lên đến tận đỉnh đồi rừng trồng để bốc gỗ, rồi thuê vận chuyển đến tận xưởng gỗ xẻ ở tỉnh Thái Nguyên. 

Năm 2021 anh Huê khai thác đồi keo 1,5 ha thu về 130 triệu đồng và dự kiến cuối năm 2022 khai thác tiếp 2 ha keo ước tính cho thu nhập 214 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Huê cho biết:“Trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng nhiều giống cây nông nghiệp khác. Người trồng rừng phải chọn được giống cây lâm nghiệp tốt mới có lợi nhuận cao, nhất là cây keo...".

Anh Huê tính, trồng 1ha keo làm gỗ băm mất khoảng 5 năm sẽ cho khai thác với doanh thu bình quân 80 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 60 triệu đồng (trung bình cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/1năm). 

"Nếu diện tích rừng trồng nào được chăm sóc tốt, cung đường vận chuyển gỗ rừng ngắn, thuận lợi thì số tiền lãi còn cao hơn rất nhiều…”, anh Huê khẳng định.

Trồng rừng gỗ lớn-mô hình kinh tế bền vững để xây dựng nông thôn mới trù phú ở xã Mai Lạp của Bắc Kạn - Ảnh 1.

Thu nhập từ trồng rừng, anh Nguyễn Văn Huê - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Bản Pá, xã Mai Lạp, huyện Chợ Đồng, tỉnh Bắc Kạn đã làm được căn nhà bằng gỗ hai tầng rất đẹp nằm ngay mặt đường liên xã với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt...Ảnh: Dương Cử.

Bức tranh nông thôn mới ngày càng trù phú nhờ trồng rừng

Ngoài anh Huê, trong xã Mai Lạp còn có rất nhiều hộ trồng rừng với diện tích lớn như anh Lý Minh Hứa ở thôn Khau Tổng. 

Anh Hứa cũng chuyển đổi một số diện tích đất trước đây trồng ngô, đậu đỗ…sang trồng cây gỗ mỡ, keo, đồng thời hằng năm gia đình anh thường xuyên phát dọn đồi, xử lý thực bì, trồng mới nâng thêm diện tích rừng trồng. 

Anh Hứa trồng rừng từ năm 2011, giờ gia đình anh sở hữu hơn 10 ha rừng trồng với nhiều cây gỗ rừng lứa tuổi khác nhau. Từ năm 2020 đến nay từ rừng trồng trung bình mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Trồng rừng gỗ lớn-mô hình kinh tế bền vững để xây dựng nông thôn mới trù phú ở xã Mai Lạp của Bắc Kạn - Ảnh 2.

Tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn cho nông dân xã Mai Lạp, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Hà Thanh.

Không chỉ gia đình anh Huê, anh Hứa mà rất nhiều hộ nông dân khác ở xã Mai Lạp thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ trồng rừng. 

Ban đầu chỉ có một vài hộ tự trồng mỡ, trồng keo theo dự án cấp giống, trả công trồng rừng của Nhà nước. Thấy cây phát triển tốt nên mọi người cùng học tập nhau trồngmới rừng với diện tích lớntạo ra một phong trào sâu rộng, đưa việc trồng rừng trở thành hướng phát triển kinh tế chủ đạo với người dân địa phương. 

Ngoài ra, người dân ở đây đã biết thực hiện có hiệu quả phương châm “lấy ngắn nuôi dài” thông qua việc trồng thêm cây ngô, sắn, cây họ đậu, chăn nuôi gà, lợn... xen canh để tăng thêm nguồn thu nhập.

Từ năm 2015 cho đến nay, xã Mai Lạp đã trồng được hơn 1.000 nghìn ha rừng, chủ yếu là cây keo, mỡ và vài năm gần đây trồng thêm cây lát, quế, nhiều hộ trồng nhiều trên 12 ha, hộ trồng ít nhất 0,5 ha. Bà con trồng keo từ 4 - 5 năm được khai thác gỗ băm, còn trồng keo, mỡ từ 6 năm trở đi sẽ cho khai thác gỗ bóc.

Theo chị Hà Thị Thúy Vin, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mai Lạp cho biết: “Đối với xã Mai Lạp rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế rừng vì có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với cây keo, mỡ, quế; địa hình đồi núi thấp, có thể mở đường cho xe tắc tơ lên tận đỉnh đồi thuận tiện vận chuyển gỗ và vận chuyển giống, vật tư lên đồi để trồng rừng...".

Theo chị Vin, ngay tại trung tâm xã đã có xưởng gỗ bóc, các xã bên cạnh cũng có xưởng gỗ băm nên rất thuận lợi cho khâu tiêu thụ. 

Qua nhiều năm được tuyên truyền, tập huấn về trồng rừng nên bà con nông dân Mai Lạp cơ bản đã nắm rõ kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, từ đó đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng về lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của rừng và kinh tế từ rừng mang lại, nhiều hộ dân đã có thu nhập lớn và ổn định từ trồng rừng. Kinh tế rừng góp phần quan trọng để địa phương xây dựng nông thôn mới.

Trồng rừng gỗ lớn-mô hình kinh tế bền vững để xây dựng nông thôn mới trù phú ở xã Mai Lạp của Bắc Kạn - Ảnh 3.

Bên cạnh thu nhập từ kinh tế rừng, nhiều hộ nông dân xã Mai Lạp còn tăng thêm thu nhập nhờ trồng các loại cây trồng ngắn ngày khác như bí xanh. Ảnh: Lý Dũng.

Trồng rừng gỗ lớn-mô hình kinh tế bền vững để xây dựng nông thôn mới trù phú ở xã Mai Lạp của Bắc Kạn - Ảnh 4.

Người dân xã Mai Lạp còn trồng xen canh cây ăn quả trên các triền đồi trồng rừng. Ảnh: Lý Dũng.

Hiện nay, phong trào bảo vệ và phát triển rừng ở Mai Lạp đang phát triển mạnh. Bà con nông dân Mai Lạp đã thực hiện có hiệu quả trồng rừng theo hướng nông - lâm kết hợp nên trồng rừng ngày càng phát triển theo hướng bền vững. 

Rừng trồng Mai Lạp được quản lý chặt, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho nhiều hộ nông dân, cải tạo môi trường sinh thái, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển, xây dựng nông thôn mới...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem