Trung - Đông Âu chấm dứt "tuần trăng mật" với Trung Quốc
Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc gần đây đã có cuộc gặp gỡ Tổng thống Slovenia Borut Pahor trong chuyến thăm Slovenia hôm 26/5. Hai bên kêu gọi siết chặt quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu EU, đồng thời tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại giữa Brussels và Bắc Kinh. Ông Dương Khiết Trì sau đó cũng có chuyến thăm Croatia trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Andrej Plenkovic.
Cũng trong ngày 26/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Montenegro Milo Djukanovic. Bộ Ngoại giao Bắc Kinh cho biết ông Tập đề nghị cung cấp "nhiều hỗ trợ trong khả năng của Trung Quốc” nhằm giúp đỡ Montenegro đối phó với cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Những nỗ lực của Trung Quốc là một phần trong chiến lược giành lại ảnh hưởng tại vùng Trung và Đông Âu, vốn là khu vực tương đối thân thiện với Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ Bắc Kinh - Brussels lạnh đi. Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu vào tuần trước để đóng băng việc phê chuẩn thỏa thuận đầu tư toàn diện với Trung Quốc trong bối cảnh xuất hiện các cáo buộc về hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh với người dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương.
Khi Slovenia chuẩn bị đảm nhận chức vụ chủ tịch EU vào tháng 7 tới, chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì ngỏ ý Bắc Kinh muốn đưa nước này đứng về phía Trung Quốc nhằm thúc đẩy Hiệp định đầu tư toàn diện Trung - Âu thêm một lần nữa. Nhưng mối quan hệ giữa hai nước đang lạnh đi.
Tháng 8 năm ngoái, Slovenia đã ký một tuyên bố về bảo mật mạng viễn thông 5G, điều này về cơ bản sẽ cấm Huawei tham gia cung cấp thiết bị linh kiện viễn thông 5G tại nước này. Slovenia cũng cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu một dự án đường sắt quan trọng trong nước.
Không riêng Slovenia, nhiều quốc gia Đông - Trung Âu khác đang trên đà lạnh nhạt với Trung Quốc. Lithuania tuần trước cho biết họ đã rút khỏi khuôn khổ diễn đàn hợp tác kinh tế mang tên 17 + 1 của Trung Quốc với các nước trong khu vực Trung và Đông Âu mà Bắc Kinh sáng lập vào năm 2012. “Sáng kiến kinh tế này đã không mang lại kết quả như mong đợi của chúng tôi sau gần 10 năm” - trích lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lithuania Edigijus Meilunas. “Chỉ cần lấy dữ liệu thương mại giữa Litva và Trung Quốc để thấy rõ: bất chấp những nỗ lực hợp tác kinh tế cùng có lợi, các con số thương mại vẫn cho thấy sự mất cân đối lớn. Trung Quốc chỉ đứng thứ 20 trong danh sách các đối tác thương mại của Lithuania”.
Lithuania gần đây đã cấm một công ty nhà nước của Trung Quốc, Nuctech, cung cấp thiết bị cho ba sân bay quốc tế tại quốc gia này, viện dẫn lý do quan ngại an ninh quốc gia. Quan chức ngoại giao Meilunas cho biết những lo ngại này là hoàn toàn có nguy cơ, đồng thời đề nghị Trung Quốc hợp tác với các quốc gia Baltic trên cơ sở “27 + 1” ở cấp độ EU.
Một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Latvia cũng nhấn mạnh lại những tuyên bố này: “Khi chúng tôi gia nhập (sáng kiến 17+1) tám năm trước, mong muốn hàng đầu của chúng tôi là thúc đẩy tương tác kinh tế nhiều hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, những kỳ vọng ban đầu vẫn chưa thực sự thành hiện thực”, vị quan chức giấu tên cho biết.
Sự ngừng trệ các khoản đầu tư đã cam kết của Trung Quốc với nhiều quốc gia cũng góp phần thổi bùng tâm lý hoài nghi và thất vọng. Chẳng hạn, Tổng công ty Điện hạt nhân Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đã đồng ý đầu tư để mở rộng một nhà máy hạt nhân ở Romania. Nhưng gần đây, sau khi kế hoạch bị đình trệ trong vài năm, Bucharest đã hủy bỏ thỏa thuận vào năm ngoái và ký một thỏa thuận khác tương tự với Mỹ.
Dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ cho thấy sự khác biệt lớn trong dòng đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia trong khu vực Đông - Trung Âu. Đầu tư và xây dựng của Trung Quốc từ năm 2012 đến năm 2020 ở Latvia chỉ đạt 110 triệu USD, trong khi con số này ở Cộng hòa Séc là 860 triệu USD và Hungary là 3,6 tỷ USD.
Trái ngược mối quan hệ lạnh nhạt với Bắc Kinh, các quốc gia này dường như đang chuyển trọng tâm sang Washington. Tổng thống Joe Biden trong tháng 5 đã tham dự một cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra. Chín quốc gia Trung và Đông Âu đăng cai tổ chức hội nghị đã bày tỏ kỳ vọng cao vào khả năng quân sự của Mỹ.
Với động thái này, chính quyền ông Tập hiện đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc đánh giá lại chiến lược của Trung Quốc tại vùng Baltic. Sẽ là khó khăn để Bắc Kinh hâm nóng mối quan hệ đã trở nên lạnh nhạt trong những tháng qua.