Trung Quốc bỏ "núi tiền" xây đường sắt đến Tây Tạng, tốn kém hơn cả xây đập Tam Hiệp

04/03/2021 09:57 GMT+7
Trung Quốc hiện đang xây dựng tuyến đường sắt trị giá 319,8 tỷ NDT (49,4 tỷ USD) nhằm thông suốt con đường đến Tây Tạng để khai thác nguồn tài nguyên dồi dào ờ khu vực phía Tây.

Tuyến đường sắt dài 1.800 km dự kiến sẽ nối thủ phủ Lhasa (Tây Tạng) với thủ phủ Thành Đô (Tứ Xuyên). Thời gian dự kiến đi vào hoạt động khoảng năm 2030. Các phương tiện truyền thông trong nước cho hay chi phí ước tính của dự án đường sắt vượt qua cả công trình đập Tam Hiệp (trị giá 250 tỷ NDT) và trở thành dự án xây dựng đường sắt lớn nhất ở Trung Quốc.

Dự án đường sắt này là một trong những nỗ lực lớn của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy giao thông và kết nối địa chính trị với Tây Tạng. Mục tiêu là phát triển kinh tế về phía Tây đất nước để xoa dịu bất bình đẳng thu nhập, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn sắc tộc hồi năm 2008. Bắc Kinh cũng kỳ vọng mở ra con đường khai thác nguồn tài nguyên dồi dào ở phía Tây, chẳng hạn như đồng và lithium. 

Hiện tại, để di chuyển từ Thành Đô đến Lhasa bằng tàu hỏa, hành khách cần đi vòng qua các tỉnh Cam Túc và Thanh Hải, hành trình di chuyển mất khoảng 40 giờ liên tục. Nhưng việc xây dựng tuyến đường sắt mới này với các chuyến tàu tốc độ cao 120-200km/h sẽ rút ngắn khoảng thời gian di chuyển xuống chỉ còn khoảng 10 giờ.

Ông Tập Cận Bình từng nhấn mạnh về tầm vóc của dự án đường sắt Lhasa - Thành Đô: “Dự án đường sắt có ý nghĩa to lớn đối với việc duy trì và thúc đẩy đoàn kết dân tộc cũng như củng cố sự ổn định ở khu vực biên giới”.

Trung Quốc bỏ "núi tiền" xây đường sắt đến Tây Tạng, tốn kém hơn cả xây đập Tam Hiệp - Ảnh 1.

Trung Quốc bỏ "núi tiền" xây đường sắt đến Tây Tạng, tốn kém hơn cả xây đập Tam Hiệp

Một tuyến đường sắt nối Tây Tạng với Tứ Xuyên là ý tưởng được xem xét từ thời Tôn Trung Sơn, nhà lãnh đạo dẫn đầu cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc. Nhưng do nhiều nguyên nhân trong đó có những khó khăn kỹ thuật, do chênh lệch độ dốc quá lớn tại nhiều khu vực, dự án vẫn chưa được hoàn thiện cho đến ngày nay. Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đang tăng cường tìm cách khai thác nguồn tài nguyên ở Tây Tạng trong nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nước ngoài. Một tuyến đường sắt mới sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển nguyên liệu thô và hàng hóa chế biến từ phía Tây đất nước đến các thành phố lớn.

Theo truyền thông địa phương, Tây Tạng là khu vực có trữ lượng đồng lớn nhất Trung Quốc. Khu tự trị này còn được biết đến là nguồn cung lớn lithium (thành phần quan trọng trong pin xe điện), kẽm, cromit và beri (một kim loại quý hiếm).

Một số doanh nghiệp lớn đã mở rộng hoạt động đến Tây Tạng để khai thác tài nguyên. Tập đoàn thép Baowu thuộc sở hữu nhà nước đã quyết định mua lại một nửa cổ phần Công ty Phát triển Khoáng sản Tây Tạng -  chuyên điều hành các hoạt động khai thác cromit, đồng và liti. Tập đoàn khai thác Zijin cũng nắm cổ phần kiểm soát của Công ty khoáng sản đồng Julong Tây Tạng.

Một quan chức chính phủ cho biết: “Có nguồn tài nguyên dồi dào nằm ở Tây Tạng, và chúng ta sẽ đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên đó để hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài”.

Bên cạnh tuyến đường sắt Lhasa - Thành Đô, chính quyền Bắc Kinh cũng dự định xây dựng hàng loạt đập thủy điện dọc theo sông Yarlung Tsangpo của Tây Tạng, kỳ vọng tạo ra sản lượng lên tới 60 Gigawatt điện, tức gấp 3 lần sản lượng mà đập Tam Hiệp cung cấp. Dự án các đập thủy điện Tây Tạng từng được đề cập trong kế hoạch 5 năm (2020-2025) của Trung Quốc cũng như các mục tiêu dài hạn đến năm 2035. 

Nhưng đề xuất này có thể vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Ấn Độ, quốc gia đang có tranh chấp ở khu vực biên giới với Trung Quốc. Sông Yarlung Tsangpo chảy qua Ấn Độ, và việc xây dựng các đập dọc theo sông có nguy cơ ảnh hưởng đến mực nước ở hạ lưu.

Tính từ tháng 1/2016 đến tháng 10/2020, Trung Quốc đã đầu tư 313,6 tỷ NDT vào Tây Tạng, nhiều hơn 17% so với ngân sách dự kiến ban đầu. Các khoản đầu tư dường như đã bắt đầu phát huy hiệu quả. GDP Tây Tạng tăng mạnh 7,8% trong năm ngoái, mức tăng dẫn đầu Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách dự kiến khu vực này có thể ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 9% trong năm nay.


NTTD
Cùng chuyên mục