Nhìn vào 3 con số để thấy kinh tế Trung Quốc đang tiến tới thống trị thế giới như thế nào

03/03/2021 16:21 GMT+7
Trung Quốc đã sớm vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 và trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên toàn cầu tăng trưởng dương vào năm ngoái.

Trung Quốc đã sớm vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 và trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên toàn cầu tăng trưởng dương vào năm ngoái. 

Hãy nhìn 3 con số này để thấy Trung Quốc đang bành trướng mạnh mẽ ra sao trong nền kinh tế toàn cầu:

14,5% là tỷ trọng của nền kinh tế Trung Quốc trong tổng quy mô GDP toàn cầu vào năm 2020. Một thập kỷ trước đó, năm 2010, con số này chỉ là 9,2%.

124 là số lượng doanh nghiệp Trung Quốc có tên trong BXH Fortune 500 năm 2020, vượt qua Mỹ với 121 doanh nghiệp.

71,4% là tỷ lệ quy mô nền kinh tế Trung Quốc so với Mỹ tính theo tỷ giá hối đoái hiện hành.

Tỷ trọng mà Trung Quốc đóng góp trong tổng quy mô GDP toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, trong khi tỷ trọng nền kinh tế Mỹ vẫn gần như dậm chân tại chỗ. Điều này nghĩa là Trung Quốc có khả năng vượt mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sớm hơn dự kiến. Theo ước tính từ Viện Brookings, Trung Quốc có thể bước lên thứ hạng nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, tức sớm hơn 2 năm so với dự đoán trước khi đại dịch Covid-19 tấn công nước Mỹ như ổ dịch lớn nhất hành tinh.

Nhìn vào 3 con số để thấy kinh tế Trung Quốc đang tiến tới thống trị thế giới như thế nào - Ảnh 1.

Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên toàn cầu tăng trưởng dương vào năm ngoái

Việc kiểm soát sớm đại dịch Covid-19 cho phép Trung Quốc mở cửa trở lại các nhà máy ở thời điểm mà các quốc gia khác trên thế giới bắt đầu tiến hành đóng cửa nền kinh tế. Khi nhu cầu toàn cầu về khẩu trang và thiết bị y tế bùng nổ, Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi lớn nhất.

Thực tế, Trung Quốc năm 2020 đã vượt qua Mỹ trở thành nước nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn nhất thế giới. Lần đầu tiên danh sách Fortune 500 - 500 công ty lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, số doanh nghiệp Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) vượt qua số doanh nghiệp Mỹ. Trung Quốc cũng vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu, thay chân Mỹ. Trên thị trường tài chính toàn cầu, dòng vốn đổ vào chứng khoán Trung Quốc ngày một lớn. Và hoạt động cho vay ra nước ngoài của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển hiện đang tương đương với Ngân hàng Thế giới, theo một nghiên cứu của Đại học Boston.

Sự bành trướng trên toàn cầu của Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng với các nhà xuất khẩu hàng hóa và công nghiệp ở Brazil, Đức và Hàn Quốc, những quốc gia dựa vào Trung Quốc như một thị trường tiêu thụ quan trọng. Ngay cả Mỹ, nền kinh tế ghi nhận thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc, cũng có rất nhiều sản phẩm phụ thuộc chủ yếu vào thị trường tiêu thụ tỷ dân như đậu nành, ngô…

Còn đối với các doanh nghiệp quốc tế, Trung Quốc rõ ràng là kho bạc khổng lồ với sức tiêu thụ quá lớn. Từ nhiều năm nay, các ông lớn General Motors và Volkswagen đã bán nhiều ô tô tại thị trường Trung Quốc hơn là thị trường quê nhà. Từ Starbucks đến Ralph Lauren đều báo cáo doanh số bán hàng tăng trưởng tại Trung Quốc trong năm 2020, bù đắp lại mức doanh số sụt giảm tại thị trường quê hương do đại dịch.

Sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc đi đôi với tầm ảnh hưởng chính trị gia tăng của Bắc Kinh bên trong các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tếIMF. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã cố gắng tận dụng tầm quan trọng của thị trường tiêu thụ tỷ dân trong các tranh chấp ngoại giao với nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như việc hạn chế nhập khẩu hàng loạt sản phẩm từ rượu vang đến thịt bò Úc trong thời gian qua. Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng cũng là một nỗ lực bành trướng tầm ảnh hưởng tại nhiều quốc gia đang phát triển từ châu Á đến châu Phi.

Ảnh hưởng chính trị được nâng cao của Bắc Kinh trong một thế giới hậu đại dịch có thể sẽ làm leo thang cuộc tranh luận giữa các cường quốc trên thế giới về thái độ với Trung Quốc. Trong khi Tân Tổng thống Mỹ Biden dự kiến sẽ tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh dưới sự ủng hộ của lưỡng đảng, thì Liên minh châu Âu hiện đang có xu hướng thắt chặt mối quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc (thể hiện qua hiệp định đầu tư tự do vừa ký kết cuối năm ngoái).

Việc Trung Quốc liệu có vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 hành tinh vào năm 2028 hay không vẫn còn nhiều ẩn số. Nhưng một thực tế khó phủ nhận: sức mạnh nền kinh tế và tầm ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc vẫn đang gia tăng nhanh chóng.


NTTD
Cùng chuyên mục