Hóa giải thách thức chứng minh nguồn gốc gỗ: Đau đầu giảm đơn hàng, doanh nghiệp thêm nỗi lo hoàn thuế VAT (bài 1)

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 14/11/2022 05:40 AM (GMT+7)
Năm 2022 chứng kiến sự bùng nổ trong xuất khẩu viên nén, dăm gỗ, những mặt hàng góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn giữ được sự tăng trưởng. Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của những mặt hàng này cũng khiến các chuyên gia cảnh báo về nguồn nguyên liệu và sự phát triển bền vững của diện tích rừng trồng.
Bình luận 0

Trong khi xuất khẩu viên nén đang tăng trưởng nóng thì một số mặt hàng như dăm gỗ, ván ghép thanh đang có dấu hiệu giảm tốc. Không những thế, doanh nghiệp (DN) còn thêm bế tắc trong vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Tiêu thụ ván bóc khó khăn do Trung Quốc chậm mua

Ông Trần Huy Nạp - chủ một xưởng chế biến gỗ ở thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) cho biết, khoảng 2 tháng nay, đầu ra cho sản phẩm ván bóc rất khó khăn do Trung Quốc mua ít, cung nhiều hơn cầu. 

"Xưởng của tôi nhỏ nhưng cũng tồn kho số lượng khá lớn, thực sự ngành ván bóc đang rất khó khăn, vốn tồn đọng, các cơ sở chế biến trong trạng thái "ngủ đông".

Hóa giải thách thức chứng minh nguồn gốc gỗ (Bài 1): Đơn hàng dăm gỗ, ván ghép giảm tốc - Ảnh 1.

Sản xuất ván bóc ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Ảnh: P.V

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết, để hóa giải những khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ cũng như tránh được việc chồng lấn, tranh chấp vùng nguyên liệu giữa các nhóm ngành hàng trong chế biến gỗ, cần thiết phải xây dựng các chuỗi liên kết trồng rừng có sự tham gia và chia sẻ lợi ích hài hòa giữa người trồng rừng và doanh nghiệp.

Nguyên nhân khiến việc tiêu thụ ván bóc khó khăn là do Trung Quốc chậm thu mua. "Đầu ra của ván bóc chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc, nhà máy trong nước chỉ tiêu thụ khoảng 40%. Hiện nay, các nhà máy ván ép cũng đang gặp khó khăn nên buộc phải giảm chỉ tiêu ván bóc nên đầu ra lại càng khó khăn"- ông Nạp nói.

Cũng trong tình cảnh khó khăn tương tự, bà Lưu Phụng Linh Tiên - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất và dịch vụ Tân Thành Phú ở Cụm công nghiệp Bình Nguyên, xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) như ngồi trên "đống lửa" khi các dây chuyền sản xuất gỗ ghép thanh buộc phải dừng hoạt động hoàn toàn.

Trước đó, khi những đơn hàng giảm dần, công ty của bà Tiên vẫn cố gắng duy trì sản xuất nhưng đến tháng 9/2022 thì buộc phải dừng hẳn dây chuyền sản xuất gỗ ghép thanh, chỉ còn dây chuyền sản xuất dăm gỗ hoạt động. Hệ thống dây chuyền máy móc được đầu tư hiện đại giờ nằmphủ bụi, trong khi lượng gỗ ghép thanh còn tồn kho chất cao như núi.

Theo chia sẻ của bà Tiên, do các đơn hàng giảm mạnh và thậm chí đến thời điểm này là không có, DN của bà đang còn tồn 800m3 gỗ ghép thanh. Không còn cách nào khác, Tân Thành Phú đành cắt giảm 80% lao động, chỉ giữ lại một nhóm nhỏ lao động duy trì hoạt động của dây chuyền chế biến dăm gỗ.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự như Công ty Tân Thành Phú, Công ty TNHH Sản xuất, xuất nhập khẩu Lâm sản Hải Oanh (Nông Cống, Thanh Hóa) cũng đang còn tồn tới 1.400m3 gỗ ghép thanh, trị giá khoảng 20 tỷ đồng. 

Từ quý I/2022 đến nay, gần như công ty không có một đơn hàng gỗ ghép thanh nào, 80% lao động cũng buộc phải nghỉ việc còn DN đang phải chịu sức ép rất lớn khi hàng hóa không bán được nhưng vẫn phải trả lãi vay và nhiều khoản chi phí khác.

Đơn hàng giảm, doanh nghiệp còn dau đầu hoàn thuế VAT

Không chỉ đối mặt với tình trạng giảm đơn hàng, các DN chế biến dăm gỗ, gỗ ghép thanh còn đang đau đầu trong vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). 

Bà Phạm Thị Vinh - Giám đốc Công ty 12/11 Hạ Long (Quảng Ninh), một DN chuyên xuất khẩu dăm gỗ cho biết, hiện nay xuất khẩu dăm gỗ đang có xu hướng chững lại. 

"Không những khó khăn về tìm kiếm đơn hàng, vấn đề hoàn thuế VAT cũng khiến chúng tôi đau đầu. Xưởng băm đã đóng tiền thuế nhưng khi không xác minh được đối tượng F0, tức là đối tượng đầu tiên cung cấp gỗ nguyên liệu thì cơ quan thuế không hoàn thuế. Từ tháng 5/2022 đến nay, công ty chúng tôi còn 50 tỷ đồng chưa được hoàn thuế"- bà Vinh nói.

Đồng quan điểm, ông Thang Văn Thông - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hào Hưng (chuyên xuất khẩu dăm gỗ để làm nguyên liệu giấy) cho biết, ách tắc lớn nhất trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng là chứng minh nguồn gốc gỗ, bởi chủ rừng (F0) bán cho các thương lái (F1), các F1 lại bán cho F2, F3,… qua rất nhiều khâu mới đến DN Fn là người xuất khẩu. DN Fn chỉ có thể truy xuất được đến trước đó 1-2 người chứ không thể truy xuất đến F0. 

"Từ tháng 6/2022 đến nay không DN xuất khẩu dăm nào ở khu vực Cái Lân, Quảng Ninh hoàn thuế được"-ông Thông cho biết.

Theo phản ánh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), từ đầu 2022 đến nay các DN xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng, đặc biệt các DN có sử dụng lượng cung gỗ rừng trồng lớn, như DN dăm, ván bóc/ván ép, viên nén đang đối mặt với vô vàn khó khăn, đặc biệt trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, EU và Vương quốc Anh đang suy giảm 40-50%, dòng tiền đầu vào của các DN đang bị suy giảm nghiệm trọng, ách tắc trong khâu hoàn thuế VAT làm cho các DN đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn. 

Theo ước tính, lượng thuế VAT các DN sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới con số trên dưới 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm DN hiện chưa được hoàn thuế.

Có DN có số tiền thuế chưa được hoàn lên tới 200 tỷ đồng, nhiều DN 40 - 50 tỷ đồng. Theo quy định hiện nay, thời gian hoàn thuế VAT cho DN là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ DN. Tuy nhiên thực tế cho thấy hầu hết các DN không được hoàn thuế từ tháng 4, tháng 5 năm 2022. Một số DN chưa được hoàn thuế từ tháng 1/2022. Thời gian chậm hoàn thuế vượt xa so với quy định hiện hành. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem