"Trung Quốc không cần gói kích thích kinh tế khổng lồ" như Mỹ!

18/05/2020 16:36 GMT+7
Nhóm cố vấn chính phủ Trung Quốc hồi cuối tuần qua nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không cần kích hoạt các gói kích thích kinh tế lớn để xoa dịu thiệt hại khổng lồ mà đại dịch Covid-19 gây ra.

Nền kinh tế toàn cầu điêu đứng

"Trung Quốc không cần gói kích thích kinh tế khổng lồ" như Mỹ! - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc làm tê liệt nhiều lĩnh vực kinh tế

Quốc hội Trung Quốc sẽ họp trong tuần này sau gần 2 tháng trì hoãn vì đại dịch Covid-19. Theo kế hoạch được công bố, kỳ họp thứ 17 Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc sẽ diễn ra vào 22/5, trong đó thảo luận chi tiết các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Tuy nhiên, trước thềm họp Quốc hội, các nhà hoạch định chính sách nước này đang tranh luận sôi nổi về quy mô chương trình kích thích hỗ trợ nền kinh tế, rằng liệu có nên kiểm soát chi tiêu tài khóa và chính sách tiền tệ hay không.

Hồi tháng 3, cuộc họp nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới G20 đã thống nhất bơm hơn 5 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu để hỗ trợ thị trường lao động, xoa dịu tác động của cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Cục Dự trữ Liên bang FED của Mỹ thậm chí cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức 0 và cam kết tung các gói kích thích không giới hạn, sử dụng bất cứ công cụ nào cần thiết để kích thích nền kinh tế. Quốc hội Mỹ cũng thông qua các gói viện trợ với tổng trị giá 3 nghìn tỷ USD nhằm đưa nước Mỹ thoát khỏi nguy cơ suy thoái kinh tế.

Là quốc gia nơi dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên, nền kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến GDP -6,8% trong quý I/2020, mức giảm GDP lần đầu tiên trong hơn 4 thập kỷ. Kể từ đó, Bắc Kinh đã ban hành các gói kích thích kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ NDT (khoảng 586 tỷ USD) để vực dậy nền kinh tế.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Bắc Kinh có nên nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa như các quốc gia khác bao gồm Mỹ đang thực hiện, hay thận trọng trong việc nới lỏng như vậy để tránh gánh nặng nợ quốc gia và thâm hụt ngân sách tăng đột biến. 

Gánh nặng nợ trên lưng, Trung Quốc thận trọng trong chính sách

Trong cuộc thảo luận mới đây, các cố vấn chính phủ nhận định Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc không cần thiết phải học theo các ngân hàng Trung Ương lớn trên thế giới thực hiện nới lỏng định lượng quy mô lớn để hỗ trợ nền kinh tế.

Xiao Gang, cựu Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Trung Quốc nhận định: “Bắc Kinh nên thận trọng trong các chính sách nới lỏng định lượng liên quan đến chương trình mua tài sản không giới hạn của Ngân hàng Trung Ương PBOC.” Nghiệp vụ này của PBOC nhằm bơm thanh khoản vào thị trường, qua đó kích thích hoạt động kinh tế. “Đây không phải thời điểm để tung ra gói nới lỏng định lượng QE không giới hạn. Nó đã vượt xa mức cần thiết.” - ông Xiao Gang cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 16/5.

"Trung Quốc không cần gói kích thích kinh tế khổng lồ" như Mỹ! - Ảnh 3.

"PBOC không cần thiết phải học theo các ngân hàng Trung Ương lớn trên thế giới thực hiện nới lỏng định lượng quy mô lớn để hỗ trợ nền kinh tế."

“Bước tiếp theo, chúng ta cần tăng dự toán tỷ lệ thâm hụt ngân sách (theo phần trăm GDP), đồng thời phát hành trái phiếu kho bạc nhà nước và tăng phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cho mục đích đặc biệt. Những biện pháp như vậy sẽ là phản ứng hiệu quả, kịp thời trước tác động tiêu cực của đại dịch với nền kinh tế và thị trường lao động trong nước” - ông Xiao Gang đề xuất.

Đồng tình với Xiao Gang, một cố vấn chính sách của PBOC, ông Ma Jun hôm 17/5 cho hay Ngân hàng Trung Ương nên kiềm chế lại chương trình mua tài sản. “Một chương trình như vậy có thể gây ra rủi ro lạm phát và hiệu ứng bong bóng kinh tế, dẫn đến sự mất giá của đồng CNY”. Vị cựu chuyên gia kinh tế cảnh báo việc PBOC tung thêm các chương trình nới lỏng định lượng QE chỉ làm tăng gánh nặng nợ quốc gia mà thôi. “Ngay cả khi phải chống chọi với những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, Trung Quốc vẫn đang duy trì mức lãi suất dương. Các công cụ chính sách tiền tệ truyền thống vẫn còn nhiều dư địa” - ông Ma Jun nói thêm.

Wu Xiaoling, cựu phó thống đốc ngân hàng Trung Ương PBOC cũng lập luận trong một bài báo phân tích tài chính rằng PBOC không cần thiết tăng cường chương trình mua tài sản (trái phiếu chính phủ) vì chương trình này làm gia tăng tương đối thâm hụt ngân sách nhà nước. “Nếu thị trường có nhu cầu, Ngân hàng Trung Ương có nhiều cách khác để bơm thanh khoản. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên thắt chặt kiểm soát chi tiêu tài khóa, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ tài chính, duy trì kỷ luật chính sách tài khóa và đảm bảo sự phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính Trung Quốc”.

Cựu Thống đốc PBOC, ông Zhou Xiaochuan thì chỉ ra một vấn đề khác: việc tung các gói nới lỏng định lượng QE có thể ngăn chặn nguồn lực tài chính của chính phủ đến tay những người cần thiết. “Một số doanh nghiệp và tổ chức tài chính có thể đã gặp vấn đề tài chính từ lâu. Nhưng họ có thể nhân cơ hội này để đổ lỗi cho nguyên nhân dịch bệnh. Họ có nên nhận được gói cứu trợ hay không?”.

Nhìn chung, đa số các nhà phân tích chỉ ra rằng chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình gần như không có khả năng chạy đua với FED trong cuộc đua nới lỏng định lượng QE, bất chấp kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng yếu trong năm nay. Gánh nặng nợ quốc gia quá lớn (hơn 310% GDP) từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát là nguyên nhân chính cản trở Trung Quốc “phóng tay” trong các gói kích thích tài chính như vậy.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục