Trung Quốc mở cửa ra thế giới, hàng Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt ở nhiều thị trường lớn
Xuất khẩu của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc
Bộ Công Thương vừa đưa ra báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2023, theo đó nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp Việt thiếu đơn hàng, thương mại suy giảm và áp lực cạnh tranh ngày càng lớn khi hàng Trung Quốc bắt đầu mở rộng phạm vi xuất khẩu, tăng năng lực sau hai năm suy giảm vì đóng cửa với thế giới.
Theo Bộ Công Thương, hai tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 96 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 10,4%, đạt 49,44 tỷ USD; nhập khẩu giảm 16%, đạt 46,62 tỷ USD.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,6%) do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.
Bộ Công Thương cho biết cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn, xung đột Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng và logistics toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn chưa nới lỏng, xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm ở các nước Mỹ, EU… đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cho biết: Trung Quốc mở cửa trở lại tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia có những mặt hàng xuất khẩu tương đồng, trong đó có Việt Nam.
Ở trong nước, các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
Sức ép lạm phát, lãi suất gia tăng cũng đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ - như: ô tô. Thị trường ô tô trong 02 tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ các năm do lãi suất vay tiêu dùng cao khiến người dân không bảo đảm nguồn tài chính mua trả góp.
Bộ Công Thương cho rằng có những cơ hội mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nắm bắt đó là việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư đang là cơ hội cho Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các ngành sản xuất công nghệ cao đang hướng về khu vực các nước châu Á.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam cam kết hướng tới sản xuất sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường tại COP26, vì vậy, nếu thực hiện đúng các cam kết và đạt các chứng chỉ xuất khẩu của các thị trường EU, Mỹ, hàng Việt sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu các sản phẩm này ở tại khu vực châu Âu – châu Mỹ ngày một tăng và các chính sách bảo vệ môi trường tại các nước trong khu vực này ngày càng được chú trọng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ của các nước phát triển trong việc chuyển đổi năng lượng, thay đổi nền sản xuất hướng tới kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trong cả khâu sản xuất, tiêu dùng.