Trung Quốc tài trợ xây nhà máy điện than khắp châu Phi: làn sóng phản đối khắp lục địa (Bài 2)

12/12/2020 06:00 GMT+7
Một báo cáo năm 2017 được viết bởi Mike Holland, thành viên của Hiệp hội Kinh tế Tài nguyên và Môi trường Châu Âu ước tính rằng tại Nam Phi mỗi năm có khoảng hơn 2.200 ca tử vong có thể là hệ quả của các dự án nhà máy điện than.

Làn sóng phản đối khắp lục địa

Ezekiel không đơn độc trong việc đấu tranh cho một châu Phi sạch hơn, tập trung hơn vào năng lượng tái tạo.

Hiệp hội Luật Môi trường Zimbabwe (ZELA) đã gửi thông điệp tới RioZim, tập đoàn trước đây thuộc sở hữu của nhà khai thác mỏ RioTinto (RIO) về việc phản đối kế hoạch xây dựng nhà máy điện than 2.800 MW ở miền bắc Gokwe, phía tây thủ đô Harare. Dự án này nhận được tài trợ từ công ty xây dựng Trung Quốc China Gezhouba Group Corporation (CGGC) và bảo lãnh bởi Tổng công ty Bảo hiểm Tín dụng & Xuất khẩu Trung Quốc (Sinosure) cùng Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), theo Global Energy Monitor.

Trung Quốc tài trợ xây nhà máy điện than khắp châu Phi: làn sóng phản đối khắp lục địa (Bài 2) - Ảnh 1.

Các tình nguyện viên thuộc chiến dịch của Chibeze Ezekiel trong một sự kiện tuyên truyền tác động tích cực của năng lượng tái tạo, phản đối điện than

ZELA cáo buộc phía RioZim đã không cung cấp đầy đủ thông tin về các tác động môi trường hoặc kinh tế xã hội tiêu cực từ dự án nhà máy điện than. Theo tổ chức này, các hộ dân sống gần nhà máy điện than có nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp hoặc bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng khi nước bị ô nhiễm và đất nhiễm kiềm.

Tại Nam Phi, dự án nhà máy điện Musina-Makhado trị giá 10 tỷ USD với công suất dự kiến 3.000 MW được tài trợ bởi nhiều công ty Trung Quốc trong đó có 4,5 tỷ USD từ PowerChina. Dự án thuộc Đặc khu Kinh tế Musina-Makhado (SEZ) được đề xuất ở tỉnh Limpopo, phía bắc Pretoria - một trung tâm công nghiệp lớn ước tính trải rộng hơn 6.000 ha. Nhưng nghiên cứu của công ty tư vấn kỹ thuật Mott MacDonald (Anh) thực hiện cho thấy nhà máy điện than có thể tác động trực tiếp gây hại đến đa dạng sinh học của địa phương, làm gián đoạn hoạt động sinh thái và gây ra ô nhiễm nguồn nước, đồng thời tạo ra lượng phát thải khí nhà kính đáng kể.

"Đất nước không thể có thêm một đại dự án gây hệ quả ô nhiễm môi trường to lớn, tốn kém vào thời điểm mà chúng ta cần hơn bao giờ hết những hành động chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu” - ông Michelle Koyama, luật sư tại Trung tâm Phi lợi nhuận Quyền Môi trường (CER) Cape Town khẳng định. CER hiện đang lên tiếng phản đối Đặc khu kinh tế Musina-Makhado vì những tác động tiêu cực liên quan đến khí hậu cũng như nguồn nước. 

Phía đông Pretoria, Nhà máy điện Kusile đang được xây dựng với khoản tài trợ 2,5 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc kết hợp với Eskom, tập đoàn gây ô nhiễm lớn nhất Nam Phi. Bộ Môi trường Nam Phi hồi tháng 5/2019 đã mở cuộc điều tra hình sự về những lo ngại chất lượng không khí liên quan đến dự án Nhà máy điện Kendal trực thuộc Eskom.

Nhiều người ủng hộ năng lượng hóa thạch cho rằng các nhà máy điện than đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển ở châu Phi. Nhưng thực tế, giá điện than ngày càng trở nên đắt đỏ. Ông Michelle Koyama cho hay: “Mặc dù chính phủ Nam Phi hứa cung cấp cho người dân nguồn điện với mức giá hợp lý, nhưng nhiều người dân đã không thể mua được điện than của Eskom khi chi phí ngày càng leo thang… Trớ trêu thay, chính những người dân sống cạnh nhà máy than và phải chịu tác động trực tiếp của nó hàng ngày lại không được sử dụng nguồn điện với giá cả phải chăng”.

Một báo cáo năm 2017 được viết bởi Mike Holland, thành viên của Hiệp hội Kinh tế Tài nguyên và Môi trường Châu Âu ước tính rằng tại Nam Phi mỗi năm có khoảng hơn 2.200 ca tử vong có thể là hệ quả của các dự án nhà máy điện than. Ung thư phổi, đột quỵ tim và nhiễm trùng đường hô hấp là những căn bệnh phổ biến. 

Trung Quốc tài trợ xây nhà máy điện than khắp châu Phi: làn sóng phản đối khắp lục địa (Bài 2) - Ảnh 3.

Các dự án nhà máy điện than mang lại những hệ quả to lớn với môi trường và sức khỏe cộng đồng

Các công ty Trung Quốc không phải những bên duy nhất nhận chỉ trích vì tài trợ xây dựng nhà máy điện than ở châu Phi. Năm 2014, Công ty Năng lượng Safi đã bảo lãnh 900 triệu USD từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản để xây dựng một nhà máy than ở phía tây Maroc. Một tổ chức phi chính phủ về môi trường ước tính nhà máy này là nguyên nhân gây ra 59 ca tử vong sớm ở quốc gia Maroc mỗi năm. Từ năm 2014 đến năm 2017, các ngân hàng châu Âu và Mỹ như HSBC (FTRXX), JPMorgan Chase (JPM) và Deutsche Bank (DB) đã cho Eskom vay 921 triệu USD để triển khai các dự án nhiệt điện than tương tự. Tuy nhiên, trong khi các tổ chức, doanh nghiệp phương Tây đang dần rút lui khỏi lĩnh vực đầu tư nhà máy than điện, thì phía Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy những dự án như vậy bất chấp hệ quả môi trường khủng khiếp.

Chỉ còn mình Trung Quốc tài trợ cho dự án nhà máy điện than ở châu Phi

Sau thành công của chiến dịch phản đối nhà máy điện than năm 2016, Ezekiel đã có thêm nhiều hy vọng về tương lai tươi sáng của năng lượng điện tái tạo. Không riêng Ezekiel, các nhà hoạt động môi trường trên toàn châu Phi đã đạt được một số thành công nhất định khi các dự án điện than ở Nigeria, Mozambique và Botswana bị đình chỉ. CER cũng thành công ngừng dự án xây dựng nhà máy điện than 557 MW tại Thabametsi và hiện đang nỗ lực phản đối việc cấp phép cho một dự án khác ở Khanyisa.

Trong những tháng gần đây, Cyril Ramaphosa, Tổng thống Nam Phi và Chủ tịch Liên minh Châu Phi đang dần chuyển hướng đất nước tiếp cận với năng lượng tái tạo. Trong một bài phát biểu vào tháng 10, ông Cyril tuyên bố Nam Phi sẽ tăng công suất điện thêm 11.800 MW vào năm 2022, trong đó hơn một nửa đến từ các nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo.

Trên mặt trận quốc tế, việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris, một tin vui với các nhà hoạt động môi trường như Ezekiel. 

Cuối cùng thì ngành công nghiệp điện than rồi sẽ lụi tàn như xu hướng tất yếu, và Trung Quốc giờ đơn độc trong việc tài trợ dự án điện than ở châu Phi. Khi các ngân hàng ở nhiều quốc gia phát triển từ bỏ đầu tư vào những dự án như vậy, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ là nguồn tài trợ cho những dự án nhà máy điện than cuối cùng. 

Nếu Bắc Kinh muốn thực hiện triệt để, nghiêm túc cam kết chống lại biến đổi khí hậu, họ cần phải ngừng ngay việc cấp vốn cho các nhà máy điện than nước ngoài. Đối với các nhà hoạt động môi trường như Ezekiel, cuộc chiến bảo vệ môi trường đang có lợi cho họ.

NTTD
Cùng chuyên mục