Trung Quốc tài trợ xây nhà máy điện than khắp châu Phi: đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế (Bài 1)

11/12/2020 17:25 GMT+7
Bất chấp những chỉ trích và làn sóng phẫn nộ từ các nhà hoạt động môi trường, các công ty Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục tài trợ cho hàng loạt dự án xây dựng nhà máy than trên khắp lục địa châu Phi.

Khi chính phủ Ghana đồng thuận hợp tác với công ty năng lượng quốc doanh Trung Quốc Shenzhen Energy Group để xây dựng một nhà máy điện than công suất 7.000 MW ở quận Ekumfi, Chibeze Ezekiel bày tỏ sự lo ngại lớn. Anh biết rằng lượng nước thải, bụi và thủy ngân phát thải từ nhà máy này sẽ gây ra nhiều rủi ro nghiêm trọng đe dọa trực tiếp ngành nông nghiệp địa phương cũng như sức khỏe người dân. Nguồn nước sạch cũng sẽ bị đe dọa bởi lượng khí thải sulfur dioxide của nhà máy gây ra mưa axit và nhiều hiện tượng tác động tiêu cực đến khí hậu khác.

Chibeze Ezekiel, nhà sáng lập một tổ chức phi chính phủ về môi trường đã ngay lập tức bắt đầu phong trào vận động ngăn chặn dự án khu tổ hợp nhà máy điện than trị giá 1,5 tỷ USD, bao gồm cả cảng vận chuyển than. Tổ chức này đã thực hiện một chiến dịch truyền thông xã hội rầm rộ, trong đó nhấn mạnh mối đe dọa từ dự án nhà máy điện than đến môi trường và cộng đồng dân cư địa phương; đồng thời chỉ ra khả năng tạo việc làm lâu dài nếu chuyển sang sản xuất năng lượng tái tạo.

Trung Quốc tài trợ xây nhà máy điện than khắp châu Phi: đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế (Bài 1) - Ảnh 1.

Chibeze Ezekiel, nhà sáng lập một tổ chức phi chính phủ về môi trường ở Ghana, người vừa được trao giải thưởng Goldman Environmental Prize Châu Phi

Chiến dịch của Chibeze Ezekiel sau đó thành công rực rỡ, Bộ trưởng Bộ Môi trường Ghana năm 2016 đã hủy bỏ việc xây dựng nhà máy điện than 7.000 MW cũng như cảng vận chuyển than liền kề. Tổng thống Nana Akufo-Addo nhấn mạnh sẽ thúc đẩy các chính sách phát triển năng lượng điện tái tạo khi Ghana gia nhập thỏa thuận Paris, cam kết cắt giảm lượng phát thải Carbon.

Tháng 11 vừa qua, Chibeze Ezekiel đã được trao giải thưởng vinh danh vì môi trường Goldman Environmental Prize Châu Phi vì thành tựu đáng kể này. Nhưng chiến dịch của Chibeze Ezekiel chỉ là một trong nhiều cuộc chiến diễn ra trên khắp lục địa châu Phi giữa các nhà hoạt động môi trường, các công ty Trung Quốc và chính phủ sở tại. Bất chấp những chỉ trích và làn sóng phẫn nộ từ các nhà hoạt động môi trường, các công ty Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục tài trợ cho hàng loạt dự án xây dựng nhà máy than trên khắp lục địa châu Phi, trong khi các chính phủ châu Phi phải vật lộn để tìm ra giải pháp điện khí hóa quốc gia nhanh chóng.

Trung Quốc rót tài trợ, chính phủ châu Phi đánh đổi môi trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Vào tháng 7, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các quốc gia ngừng cấp vốn cho dự án điện than. “Than không có chỗ trong kế hoạch phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19” - ông Antonio tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tổ chức.

Hai tháng sau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn rằng quốc gia phát thải lượng khí ô nhiễm nhà kính lớn nhất thế giới này sẽ tiến tới trung hòa Carbon phát thải vào năm 2060. Trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc New York trực tuyến, ông Tập kêu gọi một cuộc “cách mạng xanh”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra mục tiêu giảm lượng phát thải Carbon ròng về 0 cụ thể như vậy. Trung Quốc hiện là nền kinh tế đóng góp tới 26% lượng khí thải Carbon trên toàn cầu, theo Trung tâm Sáng kiến Vành đai và Con đường Xanh (Green-BRI).

Nhưng bất chấp những cam kết, các ngân hàng và công ty Trung Quốc hiện vẫn đang tài trợ cho 7 nhà máy điện than ở châu Phi tương tự như dự án được lên kế hoạch cho quận Ekumfi, Ghana. Ngoài ra còn có 13 nhà máy khác đang trong quá trình lên kế hoạch hoặc triển khai, chủ yếu nằm ở phía Nam Sahara. Ngay trong tháng 10, một tháng sau khi ông Tập đưa ra cam kết trung hòa Caron, công ty xây dựng năng lượng hàng đầu Trung Quốc Power China đã đưa 223 nhân viên sang Zimbabwe để "đẩy nhanh" tiến độ dự án mở rộng Nhà máy điện than Hwange.

Trung Quốc tài trợ xây nhà máy điện than khắp châu Phi: đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế (Bài 1) - Ảnh 3.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay người đồng cấp Zimbabwe, Emmerson Mnangagwa (trái) ngày 5/9/2018, một ngày sau khi kết thúc Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi.

Kể từ năm 2000, chỉ riêng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã tài trợ 6,5 tỷ USD cho các dự án điện than ở châu Phi, theo Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu Đại học Boston.

Các chính phủ châu Phi thậm chí còn vui mừng đón chào những dự án điện than mà Trung Quốc tài trợ. Tiềm năng từ dự án hạ tầng năng lượng than giá rẻ là vô cùng hấp dẫn với một quốc gia như Zimbabwe, nơi tình trạng thiếu hụt năng lượng đang làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo Trung tâm Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên (CNRG), Zimbabwe có nhu cầu điện từ 2.200-2.400 MW nhưng hiện chỉ mới đáp ứng được khoảng 1.300 MW. Tình trạng thiếu hụt năng lượng cũng diễn ra phổ biến ở Ghana, nơi hạn hán trở nên trầm trọng hơn làm giảm sản lượng thủy điện. 

Giống như nhiều quốc gia khác đầu tư vào châu Phi, Trung Quốc cũng hứa hẹn thúc đẩy phát triển việc làm trong nước đi kèm với những tiềm năng lớn từ dự án điện than. Do đó, nhiều chính phủ đã chọn bắt tay xây dựng nhà máy điện than để đáp ứng nhu cầu năng lượng, bất chấp cái giá phải trả là phá hủy môi trường.

Han Chen, nhà quản lý chính sách năng lượng quốc tế tại Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên có trụ sở tại New York cho biết: “Chính sách về các dự án năng lượng tái tạo còn khá yếu hoặc thậm chí là không tồn tại ở châu Phi”. 

Theo Global Energy Monitor, nếu các kế hoạch xây dựng nhà máy điện than hiện tại được thực hiện, sản lượng điện than tại các dự án mà Trung Quốc đầu tư xây dựng ở châu Phi có thể tăng gấp ba lần vào năm 2060, thời điểm mà ông Tập cam kết sẽ trung hòa lượng phát thải Carbon.


NTTD
Cùng chuyên mục