Trung Quốc xây bệnh viện 1.000 giường trong 10 ngày chống virus Corona: Có an toàn?
Bệnh viện dã chiến hai tầng Huoshenshan được xây dựng trên diện tích 36.000m2 với sức chứa ước tính 1.000 giường bệnh đã bắt đầu mở cửa đón bệnh nhân từ Thứ Hai tuần này, chỉ hơn 1 tuần sau khi công tác san lấp mặt bằng bắt đầu. Vào cuối tuần này, một bệnh viện dã chiến khác mang tên Leishendhan cũng dự kiến sẽ mở cửa với sức chứa khoảng 1.500 giường.
Các nhà chức trách hy vọng hai bệnh viện dã chiến với sức chứa hơn 2.000 giường có thể giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế hiện đang quá tải tại thành phố Vũ Hán, qua đó kiểm soát nhanh chóng dịch virus Corona đang diễn biến phức tạp với hơn 34.000 ca nhiễm bệnh được xác nhận, số liệu tính đến chiều 8/2 (giờ Trung Quốc).
Câu hỏi được đặt ra là việc xây dựng bệnh viện trong 10 ngày được tạo ra như thế nào? Liệu đó có phải kỳ tích?
Hàng ngàn công nhân đã làm việc cả ngày lẫn đêm trên công trường với hàng ngàn thiết bị máy móc được huy động để bệnh viện dã chiến được đưa vào hoạt động chỉ trong 10 ngày. Quy mô và tốc độ xây dựng được đẩy nhanh nhờ các đơn vị phòng ốc chế tạo sẵn và lực lượng nhân công dồi dào.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin các tòa nhà được mô phỏng theo thiết kế bệnh viện Xiaotangshan tại Bắc Kinh, một bệnh viện dã chiến được xây dựng năm 2003 để đối phó với dịch SARS. Nhưng theo nguồn tin từ trang CNN, các kỹ sư Trung Quốc đã phải thiết kế lại toàn bộ bệnh viện Huoshenshan để phù hợp với điều kiện địa hình khác biệt tại Vũ Hán.
Thiết kế bệnh viện liệu có đảm bảo an toàn?
Dù hiện tại, một số nhà quan sát vẫn đặt ra câu hỏi về khả năng vận hành lâu dài và sự an toàn của những bệnh viện dã chiến này, không thể phủ nhận, bệnh viện Houshenshan vẫn là một “kỳ tích” mà người Trung Quốc tạo ra trong thời gian thần tốc như vậy.
Bác sĩ y khoa cấp cứu, Tiến sĩ Solomon Kuah, người từng hỗ trợ Ủy ban Cứu hộ quốc tế trong việc phối hợp xây dựng bệnh viện dã chiến thời điểm dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi năm 2014 đã nhận định rằng đa số các nguyên tắc thiết kế bệnh viện dã chiến là giống nhau. “Quan trọng nhất trong các nguyên tắc là phân loại và khoanh vùng bệnh nhân, nhóm bệnh nhân dựa trên rủi ro từ họ” - ông Kuah nhận định khi theo dõi công tác xây dựng bệnh viện Huoshenshan. Tại vùng nông thôn Châu Phi những năm 2014, việc xây dựng một bệnh viện dã chiến 100-200 giường mất tới 1 tháng hoặc hơn nữa.
“Bệnh viện cần có một khu vực nơi bệnh nhân được xét nghiệm họ có nhiễm virus hay không, và một khu vực khác nơi điều trị tất cả các bệnh nhân đã được xét nghiệm dương tính… Trong từng khu vực đó còn có sự chia nhóm cụ thể hơn, ví như khu vực dành cho phụ nữ đang mang thai, khu vực dành cho những bệnh nhân cách ly chờ kết quả xét nghiệm…”
“Dù chính phủ Vũ Hán tuyên bố bệnh viện Huoshenshan được sử dụng để tiếp nhận các bệnh nhân đã được xác định dương tính với virus Corona, nhưng thiết kế bệnh viện vẫn cho thấy khả năng phân loại bệnh nhân. Dựa theo ảnh chụp từ không gian trong quá trình xây dựng với những khối phòng hình chữ nhật dài tràn ra từ một khu vực trung tâm và tách biệt nhau. Một cụm cấu trúc khác nhỏ hơn hoàn toàn bị cách ly với phần lớn diện tích còn lại của bệnh viện”.
Tiến sĩ Solomon Kuah nhận định thiết kế như vậy đã tách biệt các khu vực có mức độ lây nhiễm khác nhau và gần như là lý tưởng. “Giảm sự di chuyển của bệnh nhân trong bệnh viện sẽ giúp đảm bảo những bệnh nhân có ít nguy cơ tiếp xúc với người khác”.
Bệnh viện dã chiến với chức năng khép kín và tách biệt
Một báo cáo trên Changjiang Daily đã chỉ ra bệnh viện Huoshenshan tuân thủ nghiêm ngặt một quy tắc có tên là “3 khu vực - 2 kênh”, tức là phân chia tách biệt khu vực sạch - bán nhiễm dịch - nhiễm dịch và 2 kênh riêng biệt cho nhân viên y tế và bệnh nhân di chuyển qua.
Không chỉ không gian tách biệt, những thiết kế liên quan đến công tác hậu cần như di chuyển vật tư y tế, vận chuyển bệnh nhân, thông gió… cũng cần được tính toàn chặt chẽ. Hệ thống lọc nước và vệ sinh cũng là một trong những biện pháp quan trọng để kiểm soát lây nhiễm chéo. Các cơ sở trong bệnh viện như tòa nhà công nghệ, phòng máy tính mạng, phòng khử trùng xe cứu thương, kho cung cấp vật tư… sẽ được đặt ở một nơi biệt lập.
“Nó tương tự như khi chúng tôi xây dựng một bệnh viện dã chiến thời dịch Ebola, chúng tôi không sử dụng một nguồn nước nào đi vào hoặc thoát ra chung với bất kỳ tòa nhà nào gần đó. Bạn phải tạo ra một hệ thống ngay trong cơ sở y tế của mình” - ông Kuah giải thích.
“Chức năng quan trọng nhất của các cơ sở dã chiến như Huoshenshan hay Leishenshan là nó có khả năng cách ly những bệnh nhân nhiễm virus Corona với những bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý khác, điều mà các bệnh viện chính trong thành phố không làm được. Vì vậy, dù có vẻ được xây dựng tương đối nhanh chóng và thô sơ, các bệnh viện dã chiến này phục vụ một mục đích rất khác so với các cơ sở y tế tiêu chuẩn thông thường. Và nó rất hiệu quả.”
“Nếu bạn không làm tốt công tác phân loại bệnh nhân, một người bệnh 20 tuổi nhiễm virus Corona có thể sẽ ngồi cạnh một ông lão 65 tuổi cần được điều trị tim mạch.” - Tiến sĩ Solomon Kuah nhận định.