Trung Quốc thừa nhận tiền kỹ thuật số sắp ra mắt có nhiều "điểm tương đồng" với đồng Libra
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sắp phát hành tiền kỹ thuật số CBDC
Ông Mu Changchun, phó giám đốc bộ phận thanh toán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm 6.9 cho hay đồng tiền kỹ thuật số mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sắp phát hành (gọi tắt là tiền CBDC) là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền tiền tệ và ngoại hối của quốc gia này trong bối cảnh các phiên bản tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử nở rộ trên toàn thế giới.
“Tại sao Ngân hàng Trung ương quyết định phát hành tiền kỹ thuật số trong bối cảnh các phương thức thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ và dễ dàng sử dụng? Mục đích cuối cùng là để bảo vệ chủ quyền tiền tệ của Trung Quốc” - ông Mu Changchun trả lời giới truyền thông.
Ông Mu đồng thời tiết lộ các mã token bảo mật sẽ có giá trị tương đương như giấy nợ, giấy bảo lãnh do Ngân hàng Trung ương phát hành. Người dùng có thể lấy mã token và thực hiện các giao dịch tiền CBDC ngay cả khi không có Internet. Do tính năng hoạt động ngay cả khi ngoại tuyến, các giao dịch với tiền kỹ thuật số sẽ được tiếp tục ngay cả trong những trường hợp đặc biệt như động đất, ngắt kết nối mạng... Một khi chính thức ra mắt, đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc có khả năng tiếp cận đến hàng tỷ người dùng đang sử dụng các ứng dụng như app mua bán hàng trực tuyến Alibaba, mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc WeChat...
Tạp chí Forbes hồi tháng trước từng tiết lộ tiền kỹ thuật số CBDC đã sẵn sàng ra mắt và có thể được phát hành ngay từ tháng 11.2019. Có vẻ như Trung Quốc đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ phát hành loại tiền này sau khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ Facebook tuyên bố kế hoạch ra mắt tiền điện tử Libra vào năm sau.
Ông Mu Changchun, phó giám đốc bộ phận thanh toán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thừa nhận đồng CBDC có điểm tương tự với Libra
Trong nội dung trả lời giới truyền thông, ông Mu cũng thừa nhận tiền CBDC có một số điểm tương tự với Libra về cơ chế hoạt động, nhưng không phải là một “bản sao” mà ưu việt hơn Libra cả về tốc độ giao dịch, hệ thống giao dịch… để đáp ứng nhu cầu tiềm năng khổng lồ của thị trường Trung Quốc.
Trong khi Chính phủ các nước và nhiều tổ chức tài chính quốc tế bày tỏ sự nghi hoặc với những rủi ro thanh toán mà đồng Libra gây ra, ông Mu Changchun khẳng định tiền kỹ thuật số của Trung Quốc có khả năng hạn chế tối đa rủi ro thông qua cho phép thanh toán ẩn danh và cơ chế ngăn chặn hoạt động rửa tiền.
Về phần đồng Libra của Facebook, các tổ chức tài chính thế giới đang phối hợp cùng các Ngân hàng Trung ương và Chính phủ giám sát, đánh giá rủi ro của loại tiền tệ này với hệ thống tài chính toàn cầu. 2 tỷ người dùng mạng xã hội Facebook, chiếm khoảng 1/4 dân số toàn cầu có khả năng biến Libra thành đồng tiền dự trữ quốc tế và đưa Facebook thành thế lực điều khiển hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế. Ngoài ra, nguy cơ buôn lậu, ma túy, tội phạm, khủng bố rửa tiền xuyên biên giới lợi dụng chức năng thanh toán quốc tế của Libra cũng trở thành mối quan ngại lớn.