Trung Quốc trừng phạt Alibaba của Jack Ma và bài học cho các gã khổng lồ công nghệ

23/12/2020 17:29 GMT+7
Trên toàn cầu, các chính phủ ngày càng siết chặt những quy định nhằm vào các gã khổng lồ công nghệ.
Trung Quốc trừng phạt Alibaba của Jack Ma và bài học cho các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc - Ảnh 1.

Trung Quốc trừng phạt Alibaba của Jack Ma và bài học cho các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc

Tại Mỹ mới đây, có tới 38 tổng chưởng lý các bang đã đệ đơn kiện gã khổng lồ công nghệ Google, cáo buộc công ty này hoạt động độc quyền bất hợp pháp trên thị trường tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo tìm kiếm. Động thái này tiếp nối vụ kiện chống độc quyền trước đó do Bộ Tư pháp và 11 tiểu bang hồi tháng 10, cũng nhằm vào Google. Những gã khổng lồ công nghệ khác như Facebook và Amazon cũng rơi vào tầm ngắm của các nhà lập pháp.

Tại Trung Quốc, Luật chống độc quyền nước này chỉ mới được ban hành năm 2008. Hồi tháng trước, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường  SAMR đã công bố dự thảo ngăn chặn hành vi độc quyền của các nền tảng Internet. Nó là một trong những đề xuất mới và chặt chẽ nhất tại quốc gia này trong việc quản lý các hãng công nghệ lớn. 

Điểm khác biệt lớn nhất giữa Trung Quốc và Mỹ là ở Trung Quốc, chính phủ thường là người đứng sau các công ty độc quyền lớn nhất cả nước, đồng thời duy trì sự kiểm soát độc quyền trong những lĩnh vực quan trọng. 

Trong hơn 2.000 năm qua, các nhà cầm quyền Trung Quốc đã duy trì chế tài độc quyền Nhà nước trong nhiều lĩnh vực quan trọng như phân phối muối và rượu để kiểm soát nền kinh tế. Ở thời nhà Hán và nhà Đường, những ai vi phạm lệnh độc quyền về muối sẽ phải chịu những hình phạt khốc liệt, thậm chí là tử hình.

Truyền thống kinh tế nhà nước độc quyền này vẫn kéo dài cho đến nay, khi nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vẫn duy trì vị thế độc quyền trong các ngành công nghiệp cốt lõi như ngân hàng, dầu khí, viễn thông, đường sắt và vận tải biển. Trong tổng số 124 công ty Trung Quốc lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới Fortune Global 500 năm nay, có tới 92 công ty thuộc sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, những hành động trừng phạt mới nhất của Trung Quốc với hai gã khổng lồ công nghệ là Alibaba và Tencent đã thể hiện một sự thay đổi nhất định trong thái độ của Bắc Kinh về hành vi độc quyền trong lĩnh vực Internet. Cụ thể, hồi giữa tháng này, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường SAMR tuyên bố phạt Alibaba 500.000 NDT (76.500 USD) vì đã tăng cổ phần của tập đoàn này tại công ty bách hóa Intime Retail Group lên 73,79% vào năm 2017 mà không xin phép. Nhà xuất bản trực tuyến sách điện tử China Literature (trực thuộc Tencent) cũng phải chịu mức phạt tương tự vì cũng không xin phép cơ quan chức năng khi mua lại New Classics Media. Dù vậy, không thương vụ nào bị hạn chế hay loại bỏ cạnh tranh. Thay vào đó, Cả Alibaba và China Literature chỉ bị phạt tiền vì không nộp đầy đủ giấy tờ xin cấp phép mà luật chống độc quyền yêu cầu.

Các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đều phát triển tự do trong suốt thời gian qua, tức là được các cơ quan quản lý lờ đi khi tiến hành hàng chục thương vụ sáp nhập công nghệ lớn mà không cần nộp đơn xin phép. 

Khoản phạt 500.000 NDT (76.500 USD) đối với cả Alibaba và Tencent (mức phạt tối đa cho hành vi vi phạm theo luật chống độc quyền) là không đáng kể với hai đại gia công nghệ Trung Quốc. Nhưng nó gửi đi một tín hiệu cảnh báo rõ ràng rằng thời đại mà Bắc Kinh dung túng cho hành vi độc quyền trong lĩnh vực Internet để khuyến khích đổi mới công nghệ có thể đã chấm dứt.


NTTD
Cùng chuyên mục