Trước thềm bầu cử, Trump liệu sẽ gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh?

09/06/2020 18:04 GMT+7
Từ cuộc chiến tranh thương mại đến cuộc chiến ngôn luận xoay quanh nguồn gốc dịch Covid-19, từ căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ cho đến những hạn chế mới trên thị trường tài chính, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đang ngày càng tiến gần tới bờ vực chiến tranh lạnh.
Trước thềm bầu cử, Trump liệu sẽ gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh? - Ảnh 1.

Trước thềm bầu cử, Trump liệu sẽ gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh?

Dan Ikenson, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách thương mại Herbert A. Stiefel Center, Viện nghiên cứu Cato nhận định về sự phân cực kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc: “Mọi thứ có lẽ sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều trước khi nó bắt đầu tốt đẹp trở lại”.

Quan hệ Mỹ Trung đã trở nên căng thẳng kể từ năm 2018, khi hai nước bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại kéo dài, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại. Chỉ đến khi hai nước ký kết thành công thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1, dòng chảy thương mại toàn cầu mới bắt đầu bình thường hóa.

Nhưng ngay sau đó, đại dịch Covid-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc đã lây lan ra toàn cầu. Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump thì bắt đầu chỉ trích “sai lầm nghiêm trọng” của Trung Quốc là nguyên nhân dịch bệnh lây lan mạnh mẽ như vậy.

Trên mặt trận công nghệ, Mỹ tiếp tục giáng đòn nặng nề vào các công ty công nghệ Trung Quốc nói chung và Huawei nói riêng. Gần đây nhất, Bộ Thương mại Mỹ đưa 33 thực thể gồm tổ chức và doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen. Bộ này cũng ban hành Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, qua đó chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.

Gần đây, căng thẳng tiếp tục lan rộng sang thị trường tài chính khi Thượng viện Mỹ thông qua luật pháp hạn chế các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ hoặc huy động vốn từ các nhà đầu tư phố Wall nếu họ không cam kết đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán minh bạch của Mỹ.

Ông Dan Ikenson nhận định: “Nhiều nguy cơ sẽ xuất hiện khi Mỹ và Trung Quốc nhân rộng các nỗ lực cạnh tranh giành ảnh hưởng với phần còn lại của thế giới… Điều đó có nghĩa là một cuộc chiến tranh lạnh mới có thể xuất hiện”.

Trái với quan điểm của Ikenson, Jonathan Fenby, chuyên gia kinh tế từ TS Lombard nhận định: “Bất chấp căng thẳng leo thang như vậy, Trung Quốc có thể không muốn tham gia vào một cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ. Họ muốn tập trung nguồn lực hơn vào việc kiểm soát đại dịch và khôi phục nền kinh tế… Nhìn chung, mối quan hệ với Mỹ không phải là mối quan tâm chính của Bắc Kinh hiện nay”.

Về phía Mỹ, dù Trump có thể sẽ tìm cách chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc như một phần chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ tới, nhưng vị Tổng thống Mỹ sẽ phải kiềm chế leo thang căng thẳng để tập trung vào nỗ lực tái mở cửa nền kinh tế. Từ trước tới nay, Tổng thống Trump luôn thận trọng trong việc kiềm chế thiệt hại kinh tế từ việc gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, từ lĩnh vực nông nghiệp đến công nghiệp dịch vụ. Trump cần một nền kinh tế ổn định để tạo động lực cho chiến dịch tranh cử đang diễn ra.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục