Trường hợp nào có thể bị xử phạt hoặc tịch thu nhà ở xã hội?

Phi Long Thứ năm, ngày 18/04/2024 06:23 AM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vấn đề này.
Bình luận 0

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết: Căn cứ tại khoản 1 và khoản 7 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 quy định về nhà ở xã hội cụ thể như sau:

Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

Trường hợp nào có thể bị xử phạt hoặc tịch thu nhà ở xã hội?- Ảnh 1.

Trường hợp nào có thể bị xử phạt hoặc tịch thu nhà ở xã hội?. Ảnh: Thế Giới Tiếp Thị

Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật này.

Theo LS. Hoàng Anh Sơn, những trường hợp bị thu hồi nhà ở được quy định bao gồm: "Điều 84, thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước:

Việc thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây:

Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện theo quy định của Luật này;

Hết thời hạn thuê theo hợp đồng mà bên thuê không còn nhu cầu thuê tiếp hoặc khi hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở;

Bên thuê, bên thuê mua trả lại nhà ở đang thuê, thuê mua;

Bên thuê không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở theo quy định của Luật này;

Bên thuê chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà không có ai đang cùng sinh sống; trường hợp thuê nhà ở công vụ thì khi người được thuê nhà ở công vụ chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án;

Bên thuê, thuê mua nhà ở không nộp tiền thuê nhà ở từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;

Nhà ở cho thuê, cho thuê mua thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Bên thuê, bên thuê mua sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở hoặc tự ý chuyển đổi, bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở hoặc tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê, thuê mua.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cũng cho biết, nếu rơi vào các trường hợp nêu ra phía trên thì có thể sẽ bị thu hồi lại nhà ở xã hội.

Ngoài ra, các hành vi vi phạm về quy định nhà ở xã hội bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP mức xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng các trường hợp sau có thể bị xử phạt:

Đối với chủ đầu tư:

Không dành đủ diện tích xây dựng nhà ở xã hội theo quy định để cho thuê (đối với dự án xây dựng nhà ở xã hội không thuộc khu vực phải lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê) (Điểm e, khoản 2, Điều 63);

Nhà ở xã hội được thiết kế, xây dựng không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội (Điểm h, khoản 2, Điều 63);

Chậm triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định (Khoản 3, Điều 63);

Không thực hiện triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại khu đô thị theo quy định (Khoản 4, Điều 63).

Không dành diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định (Khoản 5, Điều 63).

Mức phạt tiền từ 100 triệu đến 300 triệu đồng, tùy từng trường hợp, chủ đầu tư còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Đối với cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm sau:

Thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc không đúng điều kiện quy định;

Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định;

Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Bên thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thực hiện chuyển đổi, bán, cho thuê lại không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

Bên thuê, thuê mua hoặc mua nhà ở xã hội bán, cho thuê lại, cho mượn nhà trong thời gian thuê, thuê mua hoặc bán lại nhà không đúng quy định.

Ngoài ra, còn có quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nhà ở có yếu tố nước ngoài như sau:

Hành vi cho thuê nhà ở mà không có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà ở;

Hành vi thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở không thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

Hành vi dùng nhà ở để cho thuê, làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác không phải để ở.

Đối với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ký hợp đồng thuê nhà ở xã hội hình thành trong tương lai (trừ trường hợp có quy định khác) không đúng quy định.

Đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi vi phạm quy định về bán nhà ở cho cá nhân, tổ chức nước ngoài sau đây:

Bán nhà ở vượt quá số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép sở hữu theo quy định;

Bán nhà ở cho người nước ngoài mà theo quy định thuộc khu vực không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu;

Không gửi thông tin (bằng thư điện tử và bằng văn bản) để đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng về nhà ở đã bán cho cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Tổ chức thực hiện hành vi vi phạm tùy từng trường hợp có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đến 300 triệu (mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức), ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi nhà ở xã hội và các biện pháp khác theo quy định.

LS. Hoàn Anh Sơn cũng lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về quản lý giao dịch nhà ở thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem