TS Lê Xuân Nghĩa: Nới room ngoại, ngân hàng quốc doanh “dễ thở” hơn

06/11/2021 09:56 GMT+7
Room ngoại tối đa tại các ngân hàng thương mại là 30%, theo TS Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, đó là một trong những lý do các ngân hàng quốc doanh đang ngày càng “lép vế” trong cuộc đua tăng vốn.

Ngân hàng gặp khó vì quy định về room ngoại

Quy định hiện nay giới hạn tỷ lệ sở hữu của cá nhân nước ngoài tại ngân hàng là 5% vốn điều lệ, với tổ chức là 15%, còn với nhà đầu tư chiến lược là 20%. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ nhà băng. "Room" ngoại tối đa tại các ngân hàng thương mại là 30%.

Quy định này gây khó khăn trong việc tìm kiếm, lựa chọn và đám phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng.

Chia sẻ với PV Etime, đại diện Agribank cho biết, quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hiện nay không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30% - khiến cho nhà đầu tư chiến lược sẽ dành ít sự quan tâm khi mua cổ phần tại các doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối ở mức cao (đối với Agribank là từ 65% trở lên theo theo quy định hiện nay). Đây là một trong những nguyên nhân kéo chậm quá trình cổ phần hóa nhà băng này.

TS Lê Xuân Nghĩa: Nới room ngoại, ngân hàng quốc doanh “dễ thở” hơn - Ảnh 1.

Quy định về room ngoại gây khó khăn cho ngân hàng trong việc tìm kiếm, lựa chọn và đám phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. (Ảnh: Agribank)

Tại các ngân hàng khác, từ đầu năm đến nay đã và đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược như VietCapitalBank, NamABank, VIB, ACB, Techcombank, VPbank, HDBank...

Tuy nhiên, do quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nên một số buộc phải khóa "room" ngoại để "giữ chỗ" trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Tiêu biểu như, VPBank, sau 8 năm chia tay với nhà đầu tư chiến lược OCBC, cũng đang tìm đối tác mới và khóa "room" ở mức 15% trong năm nay.

Tương tự, HDBank khóa "room" xuống 21,5%, VietCapitalBank khóa ở 5%.

Điều chỉnh room ngoại, ngân hàng quốc doanh "dễ thở" hơn?

Từ thực tế kể trên, TS Lê Xuân Nghĩa – Thành viên tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc mở room ngoại tại các ngân hàng là hợp lý trong thời điểm hiện tại. Sự hỗ trợ của các nhà đầu tư lớn, tiềm lực tài chính mạnh giúp các ngân hàng tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

"Nâng dần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng là điều nằm trong phụ lục của WTO từ năm 2006, tuy nhiên đến nay chúng ta mới chỉ dừng lại ở con số 30%. Theo tôi có thể mở tới 49%, đối với các ngân hàng yếu có thể lên tới 60% hoặc 65%. Riêng với các ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt có thể mở toang 100%", ông Nghĩa đề xuất với PV Etime.

Cũng theo vị này, áp lực tăng vốn của ngành ngân hàng vẫn chưa hề giảm trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Bởi trong vòng 10 năm gần đây, tốc độ tăng tổng tài sản của hệ thống ngân hàng trung bình từ 10-12%/năm, dư nợ tín dụng cũng tăng bình quân 14%/năm.

Với mức tăng đó, các ngân hàng buộc phải tăng vốn để đảm bảo an toàn vốn đối với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, các ngân hàng phải bảo đảm hệ số CAR tối thiểu theo quy chuẩn quản trị rủi ro Basel II, từ đó để được xem xét nâng hạng tín nhiệm của các tổ chức xếp hạng uy tín, tăng sức hấp dẫn trong ngành.

"Ngân hàng quốc doanh là nhóm ngân hàng mong muốn nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài nhất, bởi "họ không có nguồn nào để tăng vốn và lợi nhuận ngoài nộp ngân sách số còn lại để tăng vốn lại không đáng kể". Đó cũng là lý do vì sao các ngân hàng quốc doanh đang ngày càng "lép vế" so với các ngân hàng cổ phần trong cuộc đua tăng vốn. Vì vậy, nếu tăng room , các ngân hàng này cũng sẽ dễ thở hơn", ông Nghĩa thông tin thêm.

TS Lê Xuân Nghĩa: Nới room ngoại, ngân hàng quốc doanh “dễ thở” hơn - Ảnh 3.

Nhiều năm liền, các ngân hàng quốc doanh loay hoay với "bài toán" tăng vốn.

Đại diện cho các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký VNBA cho biết, khung pháp lý cũng cần điều chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho các nhà băng khi tiếp nhà đầu tư chiến lược.

Việc quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài cần được phân loại theo nhóm, với nhóm các ngân hàng thương mại có thể nới roo' tùy theo đánh giá xếp loại của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng đã hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao Basel III có thể nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30% như quy định hiện nay – theo ông Hùng.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý, việc xem xét nới room ngoại là cần thiết nhưng cần đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư và vai trò quản lý nhà nước.

Còn theo quan điểm của một luật sư, tỷ lệ sở hữu vốn ngoại thuộc về quyền tự quyết của doanh nghiệp, không nên tước bỏ quyền hay bắt doanh nghiệp phải bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ bao nhiêu, trừ những ngành mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại.

"Nên trao quyền cho đại hội cổ đông ngân hàng quyết định room vốn ngoại là hợp lý", vị này nói.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục