Đã có ngân hàng được nới room tín dụng thêm 4,5 điểm % lên mức 15%

15/07/2021 15:55 GMT+7
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận nới room tín dụng năm 2021 của một số nhà băng. Theo đó, thay vì mức cao nhất là 10 - 12% được cấp ban đầu, trong đợt cấp tăng trưởng tín dụng lần này, có ngân hàng được điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên tới 14-15%.

Cụ thể, một ngân hàng thương mại cổ phần mức tăng trưởng tín dụng cũ là 10,5% thì nay được lên 15%, tương đương tăng room thêm 4,5% - đây cũng là ngân hàng được nới room mạnh nhất.

Một ngân hàng thương mại cổ phần khác có hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu chỉ 8,5% cũng được chấp thuận nâng "room" tăng trưởng tín dụng lên 12,1%.

Ngân hàng khác thì được nới lên mức tăng trưởng từ 10% lên 14% như năm 2020 sau khi nhà băng này đã tăng trưởng tín dụng gần 10% trong 6 tháng đầu năm.

Ngân hàng được cấp room tín dụng ban đầu là 6,5%, nay cũng được nới lên 10,5%...

Đã có ngân hàng được nới room tín dụng thêm 4,5 điểm % lên mức 15% - Ảnh 1.

Đã có ngân hàng được nới room tín dụng thêm 4,5 điểm phần trăm lên mức 15%. (Ảnh: MBB)

Được biết, các ngân hàng được nới room tín dụng hầu hết là những ngân hàng đã đáp ứng tốt chuẩn Basel II, một số đã bước sang lộ trình Basel III. 

Những ngân hàng được cấp tín dụng cũng nằm trong nhóm tiên phong giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong suốt thời gian từ khi xảy ra đại dịch tới nay, cũng như đợt "vận động" hạ lãi suất gần đây từ cơ quan quản lý.

Tại văn bản NHNN yêu cầu các nhà băng thực hiện tốt các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống và góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Cụ thể, nhà băng được yêu cầu cấp tín dụng với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của NHNN về các giải pháp hoạt động tín dụng trong năm 2021.

Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng, tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay. Chấp hành các quy định pháp luật về tỷ lệ đảm bảo an toàn, giới hạn cấp tín dụng với khách hàng, quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu….

Tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán… Giảm dần tỷ trọng cho vay với bất động sản, tăng cường quản lý ro với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ.

Đã có ngân hàng được nới room tín dụng thêm 4,5 điểm % lên mức 15% - Ảnh 3.

Nới room tín dụng trong những tháng cuối năm cũng là điều được các NHTM tham dự cuộc họp như: BIDV, SHB, TPBank, LienVietPostbank… kiến nghị. (Ảnh: Cafef)

Trước đó, đầu tháng 7 có hơn chục ngân hàng đã đồng loạt gửi văn bản lên NHNN để xin room tăng trưởng tín dụng mới.

Mới đây, tại cuộc họp mới đây với 16 tổ chức tín dụng do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, các ngân hàng đề nghị, NHNN cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm để ngân hàng có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn.

Theo các ngân hàng, việc được NHNN cho phép nới room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thêm điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp ngay từ đầu năm, đến nay, lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn tại ngân hàng chỉ khoảng 6%/năm, trung dài hạn chỉ 8%/năm.

"Đầu năm Vietcombank được giao chỉ tiêu tín dụng là 10% nhưng đến nay tín dụng đã tăng trưởng 9%. Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay, Vietcombank rất cần được NHNN nới room tín dụng trong những tháng cuối năm", Ông Nguyễn Thanh Tùng đề nghị.

Nới room tín dụng trong những tháng cuối năm cũng là điều được các NHTM tham dự cuộc họp như: BIDV, SHB, TPBank, LienVietPostbank… kiến nghị.

Hồi đầu năm, Ngân hàng Nhà cũng đã giao chỉ tiêu tín dụng lần một đến các tổ chức tín dụng trong hệ thống.

Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp "room" năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số ngân hàng thương mại cổ phần như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%.

Nhìn chung, mặt bằng "room" tín dụng được Ngân hàng Nhà cấp cho các tổ chức tín dụng thấp hơn tổng thể cả năm trước.

Về phía cơ quan quản lý, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ cho biết Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận và xử lý đề xuất nới, cấp thêm 'room' tín dụng mới cho các ngân hàng sử dụng hết chỉ tiêu.

Theo ông Hà, dựa trên kiến nghị của các nhà băng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đánh giá và đưa ra định mức phù hợp cho mỗi tổ chức tín dụng. Việc này cũng tiến hành tương tự như mọi năm, khi nào có ngân hàng yêu cầu, đề xuất sẽ được xử lý.

Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu ngành ngân hàng tăng trưởng tín dụng 12% để định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên cơ quan quản lý cho biết, trong điều kiện dịch bệnh được khống chế trên toàn cầu, nền kinh tế cần nhiều vốn hơn cho phục hồi và tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước sẽ mở rộng tín dụng cao hơn.

Tại buổi họp báo công bố kết quả hoạt động ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2021, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trần hạn mức tín dụng là công cụ điều hành quan trọng, góp phần quản lý chất lượng tín dụng. Vì Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng ngân hàng để giao hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp.

Mục tiêu quan trọng hơn của chính sách tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô. Với quy mô tín dụng đang chiếm trên 140% GDP hiện nay, tức nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng, nên nếu bỏ trần hạn mức sẽ gây ra nhiều bất ổn.

"Nếu không quản lý tốt việc tăng trưởng này một cách hài hòa, hợp lý thì nó sẽ tạo ra sự bất ổn với các ngân hàng thương mại. Cứ hình dung 1 năm tín dụng tăng vài chục phần trăm, ồ ạt đưa ra chất lượng tín dụng không đảm bảo, chỉ 1 - 2 năm, nợ xấu lại dâng lên, thì bất ổn ngay, nên phải kiểm soát, vừa đảm bảo cung ứng vốn, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhận định.

H.Anh
Cùng chuyên mục