TS Lê Xuân Nghĩa: Thanh khoản của nền kinh tế suy kiệt dù ngân hàng thừa tiền

Huyền Anh Thứ ba, ngày 08/08/2023 19:01 PM (GMT+7)
Hiện tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (3%) ở mức thấp so với GDP theo giá hiện hành của Việt Nam (7%), trong khi vòng quay của tiền dưới 1. Điều này khiến cho thanh khoản của nền kinh tế suy kiệt dù tiền có trong ngân hàng thương mại dư thừa.
Bình luận 0

Đó là nhận định của TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) với chủ đề "Bơi trong dòng xoáy", chiều 8/8 do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức.

TS Lê Xuân Nghĩa: Thanh khoản của nền kinh tế suy kiệt dù ngân hàng thừa tiền - Ảnh 1.

TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Lãi suất cho vay vẫn rất cao

Tại Diễn đàn, TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia chia sẻ, lạm phát toàn toàn cầu đang có xu hướng đi xuống, chỉ số USD toàn cầu cũng có xu hướng đi xuống. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Ngân hàng Thế giới dự báo đi lên, trong khi Fitch Ratings "bảo" đi xuống, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo đi ngang. Đây là 3 yếu tố căn bản dự đoán tình hình kinh tế của Việt Nam nửa cuối năm nay và đầu năm 2024.

Tại Việt Nam, theo ông Nghĩa, chúng ta luôn luôn đặt kế hoạch đi lên, năm nay đi lên và năm sau có thể vẫn tiếp tục đi lên. "Điều này, có thể khiến cho chúng ta rơi vào rủi ro về đầu tư rất lớn", ông Nghĩa nói.

Đề cập đến sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, năm 2022 Việt Nam kiểm soát được lạm phát không chỉ nhờ chính sách tiền tệ mà còn có chính sách tài khóa. Bước sang nửa đầu năm 2023, 2 chính sách này có vẻ vẫn kết hợp được với nhau. Trong đó, chính sách tài khóa tiếp tục theo xu hướng giảm một số loại thuế (quan trọng nhất là thuế VAT) và chính sách tiền tệ quay sang hướng hỗ trợ phục hồi kinh tế. Biểu hiện, lãi suất đã giảm khá nhanh, nhưng chủ yếu vẫn ở phân khúc tiền gửi. Lãi suất cho vay dù có giảm nhưng theo ông Nghĩa "còn cao lắm".

"Có doanh nghiệp chịu lãi suất 17% cho vay làm điện mặt trời tại một ngân hàng tên tuổi và gần đây được ngân hàng hứa giảm xuống 15%, đến tháng 9 này mới được giảm xuống 14%. Lãi suất thực 10%/năm - không có nước nào cao như thế. Ngân hàng Nhà nước gần đây đã nỗ lực nhưng lãi suất cho vay vẫn rất cao", TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

TS Lê Xuân Nghĩa: Thanh khoản của nền kinh tế suy kiệt dù ngân hàng thừa tiền - Ảnh 2.

Toàn cảnh diễn đàn.

Vậy liệu Ngân hàng Nhà nước còn dư địa để giảm lãi suất điều hành không?

Ông Nghĩa nói: Việc giảm lãi suất được hay không phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái biến động thế nào? Có rất nhiều số liệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước có thể yên tâm về tỷ giá.

Thứ nhất, theo ông Nghĩa đồng USD từ mức đỉnh 115 điểm hiện còn 102 điểm và dự báo sẽ tiếp tục giảm. USD khó tăng trở lại, đồng nghĩa với việc áp lực thứ nhất đối với tỷ giá của Việt Nam còn rất nhỏ.

Hai là, nguy cơ tăng giá dầu có nhưng không lớn. Trong nước, Bộ Tài chính vẫn đưa ra các giải pháp hỗ trợ kìm chế giá xăng dầu.

Ba là, liệu cán cân thanh toán có thâm hụt không? Ông Nghĩa nói, rất may tháng 7 vừa qua thặng dư thương mại đã cải thiện tích cực. Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ. Điều này cho thấy áp lực này không còn mạnh.

Trên cơ sở đó, TS Lê Xuân Nghĩa hy vọng năm 2023 và cả năm 2024, tỷ giá vẫn giữ được ổn định.

Về bức tranh kinh tế, vị chuyên gia này dự báo kinh tế sẽ phục hồi nhẹ bắt đầu tư quý I/2023 cho đến nửa đầu năm sau.

Ngoài ra, lãi suất còn phụ thuộc vào xu hướng của các NHTW thế giới. Mỹ gần như cuối năm nay dừng tăng và bắt đầu giảm sẽ bắt đầu từ năm 2024. Châu Âu cũng tương tự.

Từ những phân tích kể trên, TS Nghĩa cho rằng, vẫn còn cơ hội để Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.

Ông Nghĩa cũng lưu ý về tình trạng suy kiệt thanh khoản của nền kinh tế và vấn đề tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp.

Ông nêu rõ: Hiện nay tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (3%) ở mức thấp so với GDP theo giá hiện hành của Việt Nam (7%), trong khi vòng quay của tiền dưới 1 (theo tính toán của ông Nghĩa là 0,64%). Điều này khiến cho thanh khoản của nền kinh tế suy kiệt dù tiền có trong ngân hàng thương mại dư thừa.

Về điều kiện cấp tín dụng, theo ông Nghĩa vào khủng hoảng các nước đều "lùi" yêu cầu về tài sản thế chấp và tập trung vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam muốn vay phải có tài sản đảm bảo.

"Một doanh nghiệp năm ngoái doanh thu 10 tỷ, năm nay đợt đặt hàng 25 tỷ nhưng lại không thể vay thêm đồng nào để mở rộng sản xuất, bởi tài sản đảm bảo "như năm ngoái". Tôi cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận lại, thẩm định dự án nên chú trọng vào khả năng trả nợ trong tương lại. Ai lại trái phiếu doanh nghiệp cũng đòi có tài sản thế chấp, trái phiếu doanh nghiệp chỉ căn cứ vào xếp hạng mà xếp hạng là đánh giá vào khả năng trả nợ. Ai quản lý, ai thanh lý tài sản thế chấp cũng là vấn đề vô cùng phức tạp.

Chúng tôi đang đề nghị các ngân hàng thương mại đặc biệt là các ngân hàng lớn nhìn vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp để cấp tín dụng. Từ đó, lấy lại lòng tin cho thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán và bất động sản", TS Lê Xuân Nghĩa dẫn chứng và khuyến cáo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem