Chuyên gia lý giải vì sao kinh tế Việt Nam không thể phục hồi nhanh và 3 kịch bản "nóng" dự báo tăng trưởng 2023

08/08/2023 14:38 GMT+7
TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo đáy hình chữ U, không thể phục hồi nhanh được.

Số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, điều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay. Bởi như vậy trong 6 tháng cuối năm, phải đạt tăng trưởng khoảng 9%.

Hơn thế, điều đáng quan ngại là hiện nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng…

Các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn khó khăn… Dư nợ tín dụng đến hết tháng 6 chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với con số 9,44% của cùng kỳ năm 2022.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán sáp nhập (M&A) không thuận lợi, hoặc chưa muốn vay do sản xuất - kinh doanh đình trệ, không có lãi. Việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức…

Kinh tế Việt Nam không thể phục hồi nhanh

Trong bối cảnh "khó chồng khó", TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo đáy hình chữ U, không thể phục hồi nhanh được.

Chuyên gia lý giải vì sao kinh tế Việt Nam không thể phục hồi nhanh và 3 kịch bản "nóng" dự báo tăng trưởng 2023 - Ảnh 1.

TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

Lý giải cho nhận định của mình, TS Lê Xuân Nghĩa chỉ ra 3 lý do. Thứ nhất, do kinh tế thế giới cũng đang phục hồi từ từ, vừa phục hồi vừa phải cảnh giác với lạm phát (rủi ro từ chiến tranh, giá nhiên liệu, giá lương thực).

Thứ hai, xuất khẩu và nhập khẩu 6 tháng của Việt Nam giảm, song tốc độ giảm đã chậm dần. Đáng lưu ý, một số ngành xuất khẩu như điện tử, nông sản có tốc độ phục hồi tốt. Về thị trường, hiện nay, phần lớn đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu phục hồi rất chậm do đòi hỏi tín chỉ carbon, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa có sự chuẩn bị. Như vậy, việc xuất khẩu chỉ còn trông cậy vào các thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thứ ba, lĩnh vực dịch vụ (du lịch, ăn uống, đi lại) cũng đang phục hồi khá tốt.

Tuy nhiên, vấn đề đáng ngại nhất hiện nay là cầu tiêu dùng nội địa vẫn yếu, phục hồi chậm. Tuy nhiên, theo dự đoán ông Nghĩa, khoảng quý IV/2023, nền kinh tế sẽ phục hồi rõ nét hơn, PMI có thể đạt 50 điểm hoặc hơn.

Để "giải bài toán" về tăng trưởng kinh tế, tại kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát lại cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể, phù hợp để tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng. Về tiêu dùng, có giải pháp hiệu quả kích cầu tiêu dùng trong nước, phát triển mạnh thị trường trong nước, (miễn giảm thuế, phí, lệ phí, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng...).

Về đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng, liên vùng; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút, tạo thuận lợi cho đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP).

Về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới, nhất là tiêu chuẩn xanh; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội các FTA đã ký kết mang lại; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới, nhất là với các thị trường tiềm năng, lưu ý các thị trường Trung Đông, châu Phi, Mỹ La tinh, Bắc Mỹ… Nhanh chóng ký kết FTA với UAE, nỗ lực kết thúc đàm phán trong tháng 8.

Cùng với đó, tập trung nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phân cấp, phân quyền, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi số phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, triển khai Đề án 06.

3 kịch bản "nóng" dự báo về tăng trưởng năm 2023

Chuyên gia lý giải vì sao kinh tế Việt Nam không thể phục hồi nhanh và 3 kịch bản "nóng" dự báo tăng trưởng 2023 - Ảnh 2.

Tại dự báo cập nhật tăng trưởng kinh tế tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM đưa ra 3 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất, giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và VN duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022. Với kịch bản này, tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ khoảng 5,34%.

Tại kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế được dự báo tích cực hơn ở mức 5,72%, trong điều kiện giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong Kịch bản thứ nhất liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam.

Kịch bản ba, giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn,…) và sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở VN, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện MTKD và NSLĐ giúp thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư (cả tư nhân trong nước và ĐTNN) theo hướng hiệu quả hơn. Với giả thiết này, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 6,46% - vẫn thấp hơn mục tiêu 6,5%.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục